Đây là phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật lần thứ 4 trong năm 2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng chủ trì phiên họp có các đồng chí: Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ thảo luận, cho ý kiến về: Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn bị; dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Bộ Công Thương chuẩn bị; đề nghị xây dựng Luật Dân số do Bộ Y tế chuẩn bị; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường giao thông kết nối do Bộ Quốc phòng chuẩn bị; dự án Luật Phòng thủ dân sự do Bộ Quốc phòng chuẩn bị; Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu trình bày báo cáo, ý kiến phát biểu ngắn gọn, tập trung thảo luận về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau, bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết chào mừng Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan lần đầu tiên tham dự phiên họp Chính phủ, mong muốn và tin tưởng đồng chí Đào Hồng Lan sẽ cùng các thành viên Chính phủ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, bên cạnh những cơ hội và thuận lợi.
Thủ tướng nhấn mạnh, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược được xác định từ Đại hội XI của Đảng.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Theo đó, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các bộ, cơ quan trong công tác xây dựng pháp luật.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật thông qua việc tổng kết thực tiễn, tiếp tục rà soát các quy định pháp luật hiện hành để có giải pháp, cơ chế, chính sách tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn, khoảng trống pháp lý, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng lấy ví dụ, dự án hồ chứa nước Bản Mồng tại Nghệ An được bố trí 3.700 tỷ đồng nhưng đã kéo dài 13 năm, việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất… đang gặp phải một số vướng mắc, khoảng trống pháp lý, cần kịp thời tháo gỡ.
Chính phủ cũng siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành, bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ.
Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/NĐ-CP ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ. Thường trực Chính phủ cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp về xây dựng pháp luật.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đồng thời, quan tâm đầu tư nguồn lực, kinh phí hợp lý cho công tác xây dựng pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác thể chế ở các cơ quan soạn thảo, góp ý, thẩm định, thẩm tra.
Chính phủ cũng tổ chức thực thi pháp luật đồng bộ, mạnh mẽ hơn, kịp thời phát hiện các vấn đề đặt ra, thẩm quyền của ai để xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý; trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã rất tích cực xử lý các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Việc tổ chức phiên họp đã có một số đổi mới tích cực song thời gian có hạn, nội dung nhiều, phức tạp, yêu cầu cao, Thủ tướng đề nghị các đại biểu trình bày báo cáo, ý kiến phát biểu ngắn gọn, tập trung thảo luận về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau, bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp.