Phụ huynh "than" học gần hết khóa ở Ocean Edu, con đọc, viết sai GV không sửa

13/09/2022 06:30
Nguyễn Nhất
GDVN- Phụ huynh "tố" bỏ ra hàng chục triệu đồng cho con học tại Ocean Edu, giáo viên nước ngoài dạy nhưng năng lực ngoại ngữ không khá tí nào.

Ngày 12/9, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết: "Chắt bóp cho con học tiếng Anh ở Ocean Edu, phụ huynh thất vọng đòi lại tiền" nêu các phản ánh của phụ huynh liên quan chất lượng đào tạo tại một số trung tâm Oean Edu.

Để tìm hiểu thực tế và có thêm thông tin khách quan về chất lượng giảng dạy của trung tâm Anh ngữ quốc tế Ocean Edu, phóng viên đã đến Ocean Edu Thường Tín và trao đổi trực tiếp với nhiều phụ huynh có con theo học ở đây.

Tốn 30 triệu đồng cho con học nhưng nhận lại là...thất vọng

Chị Mai (tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu phụ huynh, trú tại huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội) cho biết, chị đóng khoảng 30 triệu đồng/khóa học 2 năm cho con trai theo học tiếng Anh tại Ocean Edu Thường Tín.

Chị Mai cho hay, giá khóa học trên đã được trung tâm giảm giá một nửa. Chị Mai cho con học tại đây từ khi con học lớp 1 nhưng sau đó dịch Covid-19 phải nghỉ mất một năm. Năm nay cháu lại tiếp tục học offline trở lại.

Đến nay, con chị đã học gần hết khóa học nhưng viết, đọc số hay những câu đơn giản vẫn sai, học lực trên ở trường của con cũng không cải thiện.

Minh chứng cho lời chị nói, chị bảo đứa con trai mang sách, vở viết học tại trung tâm để chị kiểm tra.

"Con đọc cho mẹ đoạn này", chị Mai chỉ tay vào sách và nói với con.

"How many..; Wơ is", con trai đọc.

Con chị Mai đọc sai những câu đơn giản trong sách. (Ảnh: NVCC)

Con chị Mai đọc sai những câu đơn giản trong sách. (Ảnh: NVCC)

Ngay lập tức, chị Mai hỏi con trai: "Chữ này mà là Wơ à, Where chứ".

Sau đó, chị bảo con đọc tiếp dòng dưới, con đọc: "Where ơ, you".

"Where are chứ, đây là your chứ đâu phải you. Học thế này thì học cái gì", chị Mai bức xúc nói.

Tiếp đó, phóng viên xem vở viết của con chị Mai, phát hiện nhiều từ viết sai chính tả trong vở nhưng không được giáo viên chỉnh sửa.

Ví dụ như cháu bé viết từ số 8 trong tiếng Anh là "Eighi", sai chữ i ở cuối từ (đúng là chữ "t") nhưng không hề được giáo viên nước ngoài cũng như giáo viên trợ giảng chỉ bảo.

"Ở đây họ không quan tâm đến học sinh lắm, con tôi học kém như vậy nhưng lại đứng thứ 2 trong lớp học hơn chục học sinh. Tôi cũng không thể hiểu nổi tại sao lại đứng thứ 2", chị Mai chia sẻ.

Thay đổi giáo viên không thông báo, phụ huynh không biết ai đang dạy con mình

Khi được hỏi về việc giảng dạy của giáo viên tại trung tâm, con chị Mai cho hay, ở trên lớp, giáo viên nước ngoài thường không kiểm tra vở viết, không kiểm tra bài cũ, cũng ít gọi lên đọc từ mới. Đồng thời giáo viên cũng không hề chia sẻ về bản thân cô là người nước nào, từng học trường nào...

Trả lời câu hỏi về tên của giáo viên nước ngoài, cháu bé ậm ừ nói: "Hình như cô giáo nước ngoài là Jenny, còn cô giáo Việt là Hoa".

Cháu bé cũng cho hay, trong lớp học có khoảng hơn 10 bạn, khi vào lớp giáo viên trợ giảng không hay có mặt tại lớp. Vì vậy, nhiều khi giáo viên nước ngoài nói khiến cháu và các bạn không hiểu cô đang nói gì.

"Cháu nhớ nhất câu nói gì khi học trên trung tâm", phóng viên hỏi cháu bé.

"Câu nói mà con nhớ nhất là Hen đao (Handout - PV), tức ngồi xuống ạ", cháu bé đáp.

Nói về không khí học tập trên lớp, cháu bé tỏ ra hào hứng khi nói về những phần quà được trung tâm tặng nếu có được nhiều sao.

"Ai trả lời đúng câu hỏi của cô giáo được 5 sao sẽ có quà. Hoặc đạt được nhiều sao có thể đổi quà, tiền, ví dụ như 1 cái bút là 50 sao", cháu bé cười nói.

Chia sẻ thêm về việc học tập của con, chị Mai tỏ vẻ thất vọng nói rằng, có lần con chị làm kiểm tra bài ở trên trường điểm kém. Các bài nội dung cũng khá đơn giản, khi đó chị đề nghị cô giáo trợ giảng gửi bài kiểm tra của cháu ở trung tâm để xem cháu làm ra sao nhưng không được hồi đáp.

Chị Mai chia sẻ tiếp: "Có lần giáo viên trợ giảng cũng yêu cầu học sinh về nhà quay video và gửi qua Zalo nhưng sau đó tôi cũng không thấy cô giáo kiểm tra việc này".

Vị phụ huynh này nhận định việc giảng dạy trên lớp của giáo viên thiếu sát sao, không tạo được niềm vui thích học tiếng Anh. Trẻ thích học thì học, chơi thì chơi.

Bên cạnh đó, khi trung tâm thay đổi giáo viên không hề thông báo cho phụ huynh được biết về giáo viên mới tên gì, bằng cấp ra sao... Điều này khiến chị và các phụ huynh khác nhiều lúc không biết ai đang dạy con của họ.

Nữ phụ huynh này khẳng định, sau khi con kết thúc học tại trung tâm, chị sẽ tìm trung tâm khác để cho cháu học. Chị Mai chia sẻ muốn cho con dừng từ lâu nhưng thấy nhiều phụ huynh khác từng chia sẻ đòi lại tiền số buổi chưa học rất gian nan. Vì vậy, chị Mai đành để con học nốt số tiền cho xong.

Không dám cam kết chất lượng?

Chị Quỳnh Nga (Đông Triều, Quảng Ninh) cho hay, gia đình chị làm nghề bán hoa quả nên thường dạy con các tên tiếng Anh các loại hoa quả, cháu tiếp thu rất tốt. Với năng lực của cháu, vợ chồng chị Nga quyết định cho cháu đi học tại trung tâm ngoại ngữ quốc tế Ocean Edu Đông Triều, nơi được quảng bá 100% giảng viên là người nước ngoài.

Khi chị Nga đến tìm hiểu việc giảng dạy tại trung tâm, nhân viên nơi đây không đề cập việc cam kết chất lượng khi cháu học xong.

“Nhân viên chỉ nói với tôi là môi trường học tốt như này các con ít ra sẽ biết được tiếng Anh cơ bản. Tuy nhiên sau một quá trình học, con tôi về nhà không biết một chút gì. Những câu, từ đơn giản như "How are you" cháu cũng không nói được”, chị Nga bức xúc nói.

Chị Nga cho biết, sau khi chị phản ánh với trung tâm về việc con học trên lớp không đạt hiệu quả, nhân viên trung tâm nói sẽ cho cháu học bổ sung thêm thời gian là 1 tiếng.

"Tuy nhiên, khi tôi hỏi về chất lượng học tập của con liệu có được cải thiện không, thì giáo viên chủ nhiệm không dám cam kết", chị Nga chia sẻ.

Vị phụ huynh này cũng cho hay, tại lớp học có giáo viên trợ giảng nhưng theo chị được biết, họ chỉ đứng lớp khoảng 15 phút trong ca học 2 tiếng. Điều này khiến chị cảm thấy khó hiểu vì các con chưa đủ khả năng ngôn ngữ để học độc lập với giáo viên nước ngoài.

Khi con học được hơn 4 tháng trong khóa học 12 tháng tại trung tâm, chị Nga quyết định cho con nghỉ học và yêu cầu trung tâm trả phần học phí chưa học nhưng không được chấp nhận.

Lúc này, chị Nga đăng bài phản ánh về chất lượng giảng dạy của trung tâm lên mạng xã hội. Thấy vậy, lãnh đạo của trung tâm gọi chị đến yêu cầu gỡ bài và hoàn lại 8 triệu đồng.

Chị Nga chia sẻ, giải quyết xong xuôi việc đòi học phí, chị được phụ huynh khác nói rằng người của trung tâm chê con chị "ngu". Sau đó, chị chia sẻ với những phụ huynh khác mới ngã ngửa, con cái của họ cũng bị chê như vậy khi phụ huynh phản ánh chất lượng học tập của con kém.

Để có thông tin đa chiều, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã nêu các ý kiến bày tỏ sự nghi ngờ của phụ huynh về vấn đề kiểm soát chất lượng giáo viên nước ngoài dạy tại Ocean Edu với đại diện đơn vị này.

Về việc đánh giá chất lượng giáo viên, bà Phạm Thị Hiên - phụ trách chất lượng ngoại ngữ, học vụ của Hệ thống Anh ngữ quốc tế Ocean Edu cho biết, năng lực của giáo viên nước ngoài được thông qua bằng cấp đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng công an cấp cho….

Khi giáo viên giảng dạy tại Ocean Edu, đơn vị có các kì đánh giá kiểm tra định kì, dự giờ, chương trình thi đua.

"Đây là trách nhiệm của bộ phận chất lượng Ocean Edu vẫn đang làm, một năm hệ thống có 2 kì đánh giá giáo viên", bà Hiên nói.

Đối với việc kiểm tra, đánh giá học sinh, bà Hiên cho biết, Ocean Edu cho học sinh làm bài kiểm tra theo quý và theo năm (thi thử Cambrige và thi thật). Khi hết khóa học, học viên sẽ làm bài kiểm tra và thi Cambrige (do đơn vị tổ chức) để được nhận chứng chỉ.

Về nguồn tuyển giáo viên nước ngoài, bà Hiên từ chối chia sẻ câu trả lời với lý do các đối thủ có thể “lợi dụng” điều này để cạnh tranh.

Nói thêm về chất lượng của giáo viên tại Ocean Edu, bà Tạ Lan Hương phụ trách truyền thông Hệ thống Anh ngữ quốc tế Ocean Edu cho hay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Xuất nhập cảnh, công an phường, công an thành phố quản lý chất lượng giáo viên. Hàng tháng, đơn vị phải báo cáo gửi hồ sơ, thông tin của giáo viên cho công an, Sở ngoại vụ về visa, giấy phép tạm trú, giấy phép lao động… bên cạnh đó gửi đến Sở Giáo dục, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội một năm 2 lần.

“Bên em không show (cho xem, trưng ra - PV) bằng cấp cho phụ huynh, trừ khi phụ huynh có lí do chính đáng hoặc các Sở ban ngành yêu cầu”, bà Hương nói và giải thích không "show" công khai, bởi lẽ hoạt động về đào tạo tiếng Anh có nhiều đối thủ muốn tìm hiểu để cạnh tranh…

Với mong muốn mỗi đồng tiền phụ huynh, học viên Việt Nam bỏ ra học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài tại các trung tâm có hiệu quả cao nhất, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rất mong nhận được nhiều hơn các ý kiến phản ánh, đóng góp của độc giả, học viên chia sẻ về chất lượng giảng dạy tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ. Đặc biệt, Tạp chí mong nhận được góp ý, bài viết từ các chuyên gia về các vấn đề bất cập liên quan đến các quy định giáo viên là người người nước ngoài giảng dạy tại các trung tâm để góp phần nâng cao chất lượng học tập tiếng Anh. Mọi ý kiến đóng góp xin được gửi về địa chỉ mail toasoan@giaoduc.net.vn hoặc số điện thoại đường dây nóng 0938.766.888.

Nguyễn Nhất