Thầy giáo hầm lò – nghề nguy hiểm nhưng đầy vinh quang

08/08/2022 06:46
LÃ TIẾN
GDVN- Dù giảng dạy trong môi trường cực nhọc, đầy nguy hiểm, song thầy giáo Phạm Văn Khoát vẫn say mê cống hiến, đào tạo ra nhiều lớp thợ mỏ lành nghề.

Tới Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam (tại Quảng Ninh) chứng kiến một tiết học thực hành vận hành máy xúc của thầy Nguyễn Văn Khoát và các học trò, chúng tôi mới cảm nhận được một môi trường sư phạm đặc biệt, chứa đựng các yếu tố nguy hiểm, độc hại và cũng đầy cực nhọc.

Một tiết học của thầy Khoát cùng các học trò không có bảng, không phấn, diễn ra trong mô hình hầm lò được xây dựng như trong công trường của các mỏ than.

Cả thầy và trò đều mang trên mình những bộ quần áo bảo hộ lao động và thực hành như những người thợ lò thực thụ.

Các em học sinh được thầy Khoát chỉ dạy kỹ lưỡng từng thao tác, chi tiết để thực hành vận hành máy móc trong lòng đất, môi trường đầy khó khăn và nguy hiểm.

Thầy Nguyễn Văn Khoát (bên phải) hướng dẫn học sinh củng cố vị trí làm việc trước khi vào thực hành (Ảnh: Nguyễn Hưng)Thầy Nguyễn Văn Khoát (bên phải) hướng dẫn học sinh củng cố vị trí làm việc trước khi vào thực hành (Ảnh: Nguyễn Hưng)

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Khoát, khai thác hầm lò là môi trường cực nhọc và đầy hiểm nguy nên các giáo viên phải vô cùng kỹ lưỡng trong việc giảng dạy các kỹ năng làm việc trong hầm lò. Để có thể giảm thiểu tối đa tai nạn lao động khi học sinh ra trường.

Sinh năm 1983, quê ở tỉnh Hải Dương, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật mỏ, tháng 10/2004, thầy Khoát xin vào làm công nhân Xí nghiệp Than Thành Công (Công ty Than Hòn Gai); từ tháng 3/2006 là một an toàn viên thuộc Phòng An toàn của Xí nghiệp.

Đến tháng 6/2009, thầy Khoát chuyển sang Trường Cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm (nay là Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam).

Từ khi bén duyên với nghề giáo cho đến nay, thầy được được Ban giám hiệu nhà trường phân công giảng dạy các môn lý thuyết: Kỹ thuật an toàn mỏ hầm lò, kỹ thuật đào lò, công nghệ khai thác và các môn thực hành: Khai thác mỏ, xây dựng mỏ.

Đều là kỹ thuật liên quan đến hầm lò, cái khó đối với thầy giáo Nguyễn Văn Khoát là từ một người trực tiếp thực hành, giờ phải tìm tòi, xây dựng các bài giảng để truyền đạt cho học sinh, sinh viên sao cho dễ hiểu, sát với thực tế.

Không phụ sự kỳ vọng của lãnh đạo nhà trường, bạn bè, đồng nghiệp, phát huy những kinh nghiệm học hỏi được từ thực tế công tác những năm trước, thầy giáo Nguyễn Văn Khoát đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tích cực nghiên cứu, xây dựng các đề tài, sáng kiến mang tính thực tiễn.

Tiêu biểu là các đề tài, sáng kiến: Kỹ thuật khoan nạp mìn và đấu nối mạng nổ trên gương lò mô phỏng; nâng cao năng lực thông gió tại xưởng thực hành; tuyên truyền công tác an toàn đối với học sinh thông qua loa phát thanh tại nơi làm việc.

Những đề tài, sáng kiến này đều có tính thực tiễn cao, được nhà trường áp dụng hiệu quả.

Thầy giáo Nguyễn Văn Khoát hướng dẫn học sinh thực hành vận hành máy xúc (Ảnh: Nguyễn Hưng)

Thầy giáo Nguyễn Văn Khoát hướng dẫn học sinh thực hành vận hành máy xúc

(Ảnh: Nguyễn Hưng)

Chia sẻ với chúng tôi về quan điểm dạy học của mình, thầy Khoát hào hứng: “Quá trình dạy học không phải đơn thuần chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức, nó còn là quá trình vun đắp nhân cách, lòng nhân ái cho cả một thế hệ”.

Xuất phát từ tâm niệm này mà thầy Khoát luôn quan tâm, giúp đỡ và uốn nắn lối sống cho các em trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Đồng thời, thầy cũng không ngừng học hỏi, tự đổi mới phương pháp, áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào giảng dạy. Mỗi bài giảng của thầy đến với học sinh luôn sinh động, thiết thực đầy sáng tạo và ý nghĩa.

Trải qua gần 15 năm gắn bó với nghề giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Văn Khoát đã đạt được nhiều thành tích đáng nể: Giải Ba giáo viên dạy giỏi cấp trường các năm 2015, 2020; giải Nhì giáo viên dạy giỏi cấp trường năm 2017.

Đặc biệt, tại Hội thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 (tháng 12/2021), lần đầu tiên 3 nghề mỏ hầm lò là kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò và kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò được đưa vào tổ chức thi Kỹ năng nghề quốc gia.

Các nghề này đều nằm trong danh mục người lao động bắt buộc phải được đánh giá kỹ năng nghề quốc gia trước khi được tiếp nhận vào doanh nghiệp làm việc.

Thầy giáo Nguyễn Văn Khoát đăng ký tham dự và vượt qua nhiều thầy cô giáo trên toàn quốc, xuất sắc đoạt giải 3 kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò.

Theo đánh giá của một số đồng nghiệp, thầy Nguyễn Văn Khoát có chuyên môn giảng dạy vững vàng, luôn tìm tòi, sáng tạo và đổi mới trong giảng dạy.

Trong công tác đào tạo, thầy được giao các môn học liên quan đến chuyên môn nghề, kỹ năng nghề; thầy luôn cập nhật những công nghệ khai thác tiên tiến mà các công ty than đang áp dụng trong khai thác lò chợ để truyền tải kiến thức cho học sinh chân thực nhất.

Bởi vậy, học sinh rất hào hứng với những môn học thực hành của thầy, qua đó đã truyền năng lượng tích cực cho học sinh, sinh viên.

Thầy giáo Nguyễn Văn Khoát chia sẻ: "Điều làm tôi cảm thấy vui và tự hào nhất không phải là những tấm bằng khen, những lần được xướng tên trong các hội thi, mà là việc hằng ngày được “cầm tay chỉ việc”, giúp các bạn trẻ vững tay nghề, có trách nhiệm, nhiệt huyết với công việc mà mình đã lựa chọn".

LÃ TIẾN