Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình (thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) là nơi có môi trường giáo dục và đào tạo kỉ luật, nền nếp. Nơi đây cũng đã "tôi luyện" nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh và quốc gia.
Một trong những giáo viên đóng góp tích cực vào thành tích trên là thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường. Đầu tháng 8 vừa qua, thầy Hùng cũng là một trong 3 gương mặt "Giáo viên tiêu biểu của năm" được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh bình chọn.
Bên cạnh vai trò quản lý, là Phó Bí thư Đảng ủy, Bí thư chi bộ, phụ trách các hoạt động chỉ đạo, định hướng của đoàn thanh niên trường, thầy Hùng còn tham gia công tác chuyên môn, giảng dạy, ôn luyện cho đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý.
Thầy Nguyễn Mạnh Hùng và các em học sinh trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý năm 2022. (Ảnh: NVCC) |
Người sáng lập mô hình "30 phút vàng"
Mô hình "30 phút vàng" ra đời với mục tiêu trang bị, rèn luyện kĩ năng sống cho các em đến nay đã được 17 năm. Thầy Nguyễn Mạnh Hùng - người sáng lập ra mô hình trên có nhiều kỉ niệm khó quên với các hoạt động của mô hình này.
Trước xu hướng công nghệ thông tin phát triển từ những năm 2000, thầy Hùng nhận thấy nếu các em học sinh không biết định hướng, chọn lọc thông tin tốt sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động. Bởi vậy, thầy đã tổ chức hoạt động "15 phút vàng" vào mỗi sáng thứ hai khi có sinh hoạt chào cờ đầu tuần.
Trước giờ chào cờ 15 phút, thầy Hùng đọc điểm qua những bài báo, bài viết mang tính giáo dục cao, hoặc mời những người đạt giải nhất cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ về giao lưu, chia sẻ những câu chuyện với học sinh toàn trường.
Nhận thấy học sinh của mình rất hào hứng với các nội dung này, trong khi thời gian 15 phút quá eo hẹp, thầy Hùng đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường tăng thời gian thêm 15 phút, thành mô hình "30 phút vàng". Được nghe những câu chuyện, tiếp xúc với những tấm gương tốt, nhiều em đã có sự thay đổi trong suy nghĩ, thói quen và nền nếp.
Để phù hợp với việc học tập của học sinh và xu hướng phát triển của xã hội, thầy Hùng đã cải tiến mô hình “30 phút vàng” theo từng năm. Thay vì tổ chức vào buổi sáng thứ hai, thì vào hai buổi tối thứ bảy trong tháng, thầy sẽ tổ chức các chuyên đề liên quan đến kỹ năng sống, đến các vấn đề đang được quan tâm như: phòng chống đuối nước, phòng chống buôn bán trẻ em, suy nghĩ về sự vô cảm… bằng hình thức sân khấu hóa.
Theo đó, các em sẽ bốc thăm và có sự tương tác với nhau để xây dựng kịch bản, sau đó thầy cô duyệt về ý tưởng, và các em sẽ thể hiện các ý tưởng đó.
“Mô hình trên kéo dài từ năm 2005 cho đến nay cũng đã 17 năm, và được thay đổi linh hoạt để phù hợp môi trường học tập của các em”, thầy Hùng chia sẻ.
Theo thầy Phó Hiệu trưởng, để mô hình “30 phút vàng” gắn bó với các em đến giờ, có cả sự nhiệt tình của các thầy, cô, nhiều lúc sẵn sàng gác lại công việc của gia đình, để ở lại trường tham dự với các em vào những tối diễn ra chương trình.
Mô hình trên đã được Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh công nhận là một trong 80 mẫu mô hình tiêu biểu, đồng thời Sở Giáo dục Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh cũng xác nhận đây là mô hình tiêu biểu trong giai đoạn 2015-2020, khuyến khích các trường khác học tập.
Quản lý thời gian hiệu quả trong môi trường đào tạo đặc biệt
Do là trường nội trú, nên các em học sinh sẽ sinh hoạt và học tập tại trường. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ, tệ nạn có thể xảy ra.
Với vai trò quản lý nhà trường, thầy Hùng đã đưa ra nhiều phương pháp để ngăn ngừa được hầu hết các vấn đề có thể phát sinh trong môi trường nội trú như trộm cắp, cầm đồ, chơi điện tử, mâu thuẫn phát sinh trong tình cảm của học trò...
Về thời gian học tập, sinh hoạt của học sinh tại trường, thầy Hùng cho hay, nhà trường chú trọng cả đào tạo kiến thức, cả rèn luyện những hoạt động tập thể, các em học sinh cùng tham gia những lao động phù hợp để yêu thêm lao động, có trách nhiệm với tập thể.
Theo thầy Hùng, do các em học sinh học tập và sinh hoạt trong trường nội trú nên việc quản lý phải chặt chẽ. (Ảnh: NVCC) |
Thời gian biểu cho học sinh được quy định rất chặt chẽ, khoa học: khoảng 5h30 sáng, học sinh dậy tập thể dục và quét vệ sinh trong khuôn viên trường, sau đó, các em về vệ sinh cá nhân và ăn sáng.
Đến 7h15 các em lên lớp học tập; sau giờ ăn cơm trưa tại khu vực nhà ăn, các em sẽ về phòng nghỉ ngơi; khoảng 13h30, các em vào học cho đến 16h30; tan học, các em về chơi thể thao, thực hiện vệ sinh cá nhân và ăn tối; khoảng 19h30, học sinh lại lên lớp để tự học và phòng học chung có camera để thầy cô quản lý tình hình tự học, buổi học kết thúc vào 22h15; đến 22h30 kẻng gõ báo giờ đi ngủ.
Với giờ giấc như vậy, học sinh nào xin đi ra ngoài sẽ phải viết giấy xin phép, ghi rõ lí do, thời gian đi và trở về... để các thầy, cô có trách nhiệm trong công tác quản lý học sinh duyệt.
Việc quản lý học sinh chặt chẽ như vậy, nên trong khoảng thời gian cao điểm Covid-19 đầu năm 2022, nhà trường không có một ca nào mắc bệnh. Đó cũng là khoảng thời gian 2 tháng thầy Hùng ở luôn tại trường để quản lý học sinh phù hợp với yêu cầu học tập và phòng, chống dịch bệnh.
Truyền sự tự tin cho học trò miền núi
Là nơi đào tạo các học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, nên việc rèn luyện, ôn tập để học sinh giành các giải thưởng tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia không phải nhiệm vụ chính của nhà trường. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cố gắng của thầy và trò, trường đã có rất nhiều thành thích đáng khen ngợi trong kỳ thi này.
Riêng thầy Hùng, trong 12 năm (từ 2010 đến 2022), thầy đã tham gia ôn luyện cho đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý của tỉnh đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Với học sinh của Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình, để phát hiện những nhân tố tốt tham gia vào kỳ thi học sinh giỏi các cấp, thầy Hùng sẽ sàng lọc qua những bài kiểm tra, sau đó là bồi dưỡng các em có năng lực.
Lúc mới tham gia vào công tác ôn luyện, thầy Hùng vẫn nhớ đó là những ngày hè nắng nóng phải loay hoay đi tìm tài liệu. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều khó khăn nhất với thầy, bởi cái khó hơn cả là tâm lý e dè của các em học sinh trong trường. Các em cho rằng mình khó có thể bằng được nhiều bạn giỏi học trường chuyên.
Nhận thấy tâm lý này, thầy Hùng đã động viên, tạo niềm tin cho các em để vượt qua những e ngại trên.
Nghỉ hè, tạm gác thời gian về đoàn tụ với gia đình, nhiều học sinh trong đội tuyển thi học sinh giỏi ở lại trường ôn tập, tự túc việc ăn uống. Thấy vậy, vợ chồng thầy Hùng thường mang thực phẩm và gửi bảo vệ để vào tủ lạnh cho các em.
"Nhìn các em chịu khó học tập, chăm ngoan như vậy, vợ chồng tôi cảm thấy tự hào", thầy Hùng chia sẻ.
Với sự chỉ bảo, rèn giũa của người thầy tận tâm Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều lứa học sinh Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình khi rời ghế nhà trường đã tích lũy được kiến thức, vốn sống, bản lĩnh, nghị lực để vượt qua những khó khăn trong học tập và cuộc sống.