TP. Hồ Chí Minh: Giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật chưa đủ đáp ứng nhu cầu

12/08/2022 11:22
Việt Dũng
GDVN- Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, hiện giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thành phố.

Ngày 12/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021 – 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023. Hội nghị này được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 64 điểm cầu trên khắp cả nước.

Phát biểu từ điểm cầu đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm học 2021 – 2022, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh lại vừa kiên trì thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm học.

Trong thời gian học sinh không thể đến trường học trực tiếp vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đã tập trung các nguồn lực có thể để đảm bảo công tác dạy và học qua internet mang lại hiệu quả cao.

Sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt tại thành phố, thành phố đã có kế hoạch, hướng dẫn lộ trình cho các cơ sở giáo dục của thành phố tiếp nhận học sinh đi học trực tiếp trở lại.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: P.L)

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: P.L)

Với tinh thần “An toàn tới đâu, mở cửa đến đó”, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai, kiên trì thực hiện kế hoạch và các văn bản hướng dẫn nhằm bảo đảm học sinh toàn thành phố được trở lại học tập trực tiếp tại trường học, bảo đảm an toàn về phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục.

Tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con đi học trực tiếp ngày càng tăng qua thời gian, là minh chứng cho sự tin tưởng của người dân thành phố.

Việc đưa học sinh trở lại trường học, theo ông Hiếu là ngoài việc đáp ứng công tác chuyên môn, đảm bảo việc dạy và học, đảm bảo việc phát triển học sinh toàn diện, còn là một nỗ lực giúp cho người dân thành phố an tâm công tác, góp phần vào nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, việc thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 được xem là cơ hội để ngành giáo dục thành phố sớm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng phần mềm vào giảng dạy, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kho học liệu số, bài giảng điện tử, nâng cao khả năng thích ứng, linh hoạt, sáng tạo trong công tác lãnh đạo và quản lý.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, một số quy định của trung ương chưa phù hợp với thực tiễn, nên khi triển khai đã gặp phải những khó khăn, bất cập, như chưa có định biên, chế độ chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ, kế toán; giáo viên môn Âm nhạc và Mỹ thuật chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thành phố.

Những lực lượng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhà trường, trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.

Năm học sắp tới, ngành giáo dục thành phố sẽ biến khó khăn, thách thức mà đại dịch gây ra thành động lực, thành cơ hội để thay đổi và phát triển.

Thành phố đã đề ra một số mục tiêu như tăng cường ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ hiện đại vào hoạt động giáo dục, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng xã hội học tập đáp ứng được nhu cầu tự học, tự nghiên cứu của học sinh và nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Triển khai có hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh – sinh viên, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục, xây dựng văn hóa học đường, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Đề án, chương trình đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh để giáo dục thành phố hội nhập và phát triển với các nước trong khu vực, quốc tế.

Việt Dũng