THPT Lương Thế Vinh "xé rào" tuyển vượt: Đừng để nhà quản lý chạy theo trường

18/08/2022 09:19
Trần Phương
GDVN- Về tuyển sinh đầu cấp hiện nay đối với các trường ngoài công lập, liệu có thể tin tưởng để các trường tự quyết chỉ tiêu thay vì cơ chế "xin - cho"?

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, 135 học sinh được tuyển vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã được trở lại trường sau khi bị nhà trường cho nghỉ học, trả lại hồ sơ.

Diễn biến vụ việc bắt đầu từ chuyện: năm học 2022 - 2023, Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh giao chỉ tiêu tuyển sinh 675 học sinh vào lớp 10. Thế nhưng nhà trường đã tự ý tổ chức tuyển sinh vượt 135 học sinh so với chỉ tiêu.

Ngày 20/7/2022, Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh có văn bản gửi Ủy ban nhân dân thành phố Cẩm Phả và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đề xuất được tăng chỉ tiêu.

Tuy nhiên đề xuất chưa được xem xét nên nhà trường đã thông báo cho 135 học sinh vượt chỉ tiêu tuyển sinh nghỉ học, khiến các em học sinh hoang mang, còn phụ huynh các em rất bức xúc. (1)

Đến ngày 14/8, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có tờ trình gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề nghị xem xét, phê duyệt bổ sung 135 chỉ tiêu hiện đã được Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh tiếp nhận hồ sơ

Cùng ngày 14/8, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đồng ý với đề nghị trên của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao trong khi chưa được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt (Ảnh: Lã Tiến/CTV)

Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao trong khi chưa được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt (Ảnh: Lã Tiến/CTV)

Việc có trường tự ý “xé rào”, tuyển vượt chỉ tiêu được giao, sau đó mới xin cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý bổ sung số hồ sơ tuyển thừa khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Trước tình trạng “xin – cho” trong tuyển sinh đầu cấp như hiện nay đối với các trường trung học phổ thông ngoài công lập, đã có ý kiến kiến nghị các cơ quan quản lý xem xét để các trường chủ động tuyển sinh theo năng lực, tránh tình trạng cứ đầu năm học lại phải xin chỉ tiêu và chờ xem xét, cho phép.

Về quan điểm này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lê Kim Truyền – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy Lợi cho rằng: đến thời điểm hiện tại, rất khó để các trường trung học phổ thông ngoài công lập chủ động chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp. Vai trò quản lý của các cấp chính quyền, sở, ngành vẫn quan trọng trong việc quy định chỉ tiêu tuyển sinh.

"Nếu để các trường tự xác định chỉ tiêu trong thời điểm hiện nay, sẽ có rất nhiều vấn đề khó kiểm soát được bởi mấy lý do:

Thứ nhất, các trường cần phải đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để thực hiện các hoạt động dạy và học. Căn cứ năng lực giảng dạy, cơ sở vật chất hiện có, các cấp quản lý mới tính số chỉ tiêu giao cho từng trường. Nếu muốn tuyển nhiều thì phải đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng giáo viên và cơ sở vật chất.

Thứ hai, nếu không kiểm soát chỉ tiêu của các trường, rất dễ dẫn đến tình trạng bất chấp chất lượng để chạy theo lợi nhuận. Hiện nay, chúng ta đang nói đến vấn đề tự chủ, tự chủ không có nghĩa là "tự trị", tự do tuyển sinh tràn lan, không có sự quản lý của các cấp chính quyền.

Do vậy, thời điểm hiện tại, chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp phải được kiểm soát đầy đủ, chặt chẽ chứ chưa thể để các trường ngoài công lập tự xác định được”, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy Lợi nêu ý kiến.

Cũng trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề có nên để các trường trung học phổ thông ngoài công lập được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Giáo sư Nguyễn Viết Tùng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: đây chưa phải là thời điểm các trường phổ thông ngoài công lập có thể tự xác định chỉ tiêu.

Bởi theo Giáo sư Nguyễn Viết Tùng: “Trước hết chúng ta đang có Luật Giáo dục và các thông tư, hướng dẫn của ngành giáo dục về vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh và phương thức tuyển sinh của các trường phổ thông ngoài công lập. Tuyển sinh và xác định chỉ tiêu của nhóm trường này phải phù hợp với các Luật, quy định liên quan".

Giáo sư Nguyễn Viết Tùng cho rằng, việc xã hội hóa các loại hình đào tạo để giảm bớt gánh nặng cho giáo dục công và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước là việc mà nhiều quốc gia trên thế giới đang làm.

Theo kinh nghiệm của một số quốc gia, để tự chủ tuyển sinh, tự chủ xác định chỉ tiêu ở trường phổ thông ngoài công lập thì các trường phải công bố năng lực của trường (bao gồm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…) và được tổ chức có chức năng, nhiệm vụ và có năng lực đánh giá. Các trường muốn tự đưa ra khối lượng tuyển sinh thì phải tùy theo nguồn lực mà các trường có.

“Tôi có cơ hội được tham gia học quản lý giáo dục ở Mỹ, ở đó đánh giá về điều kiện đảm bảo chất lượng phổ thông của họ rất chi tiết. Không chỉ là chuyện có bao nhiêu bàn, bao nhiêu ghế, diện tích phòng học… mà họ còn đánh giá tiêu chí phòng thư viện thế nào, phòng thí nghiệm ra sao; còn với đội ngũ dạy học, vừa phải kiểm soát số lượng, vừa phải kiểm soát bằng cấp.

Kiểm soát những điều kiện đảm bảo đó không phải là cơ quan nhà nước có chức năng như Bộ Giáo dục mà là các tổ chức, các hiệp hội khoa học trong từng lĩnh vực. Các tổ chức này sẽ xác nhận trường đó có thể dạy môn học nào với quy mô bao nhiêu học trò", Giáo sư Nguyễn Viết Tùng cho hay.

Các phụ huynh bức xúc vì con họ bị Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh trả lại hồ sơ (Ảnh: Lã Tiến/CTV)

Các phụ huynh bức xúc vì con họ bị Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh trả lại hồ sơ (Ảnh: Lã Tiến/CTV)

Giáo sư Nguyễn Viết Tùng cũng nêu quan điểm: đối với nước ta, mặc dù kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay thực hiện theo chu kỳ, theo các mức độ (của Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học - PV) thì nhiều phụ huynh vẫn chưa nắm được thông tin về năng lực giáo dục của trường phổ thông ngoài công lâp nơi con mình theo học. Đa phần, chúng ta mới chỉ để ý tới tỷ lệ đỗ đại học là bao nhiêu phần trăm, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là bao nhiêu phần trăm...

"Trở lại câu chuyện các trường phổ thông ngoài công lập hiện nay có nên được giao tự chủ xác định chỉ tiêu không, tôi cho rằng chưa phải là thời điểm thích hợp để thực hiện điều đó.

Nếu các trường ngoài công lập chạy theo nhu cầu của xã hội, thấy nhu cầu cao mà ồ ạt tuyển sinh khi chưa kịp mở rộng cơ sở vật chất, chuẩn bị đội ngũ thầy cô để đảm bảo chất lượng dạy và học tương ứng với số lượng chỉ tiêu tuyển sinh thì không thể được.

Do vậy, hiện tại vẫn phải kiểm soát và thực hiện vai trò quản lý của nhà nước đối với chỉ tiêu của các trường phổ thông ngoài công lập", Giáo sư Nguyễn Viết Tùng nói.

* Tài liệu tham khảo:

(1) https://giaoduc.net.vn/quang-ninh-lum-xum-vu-truong-thpt-luong-the-vinh-tuyen-vuot-chi-tieu-post228875.gd

Trần Phương