Gặp gỡ giáo viên tiếng Anh ôn luyện học sinh giỏi thi vượt lớp "ẵm" giải cao

21/08/2022 06:56
Mạnh Đoàn
GDVN-Cô Phạm Thanh Hoa (giáo viên THCS Đồng Tiến, Hòa Bình) ôn luyện cho học sinh lớp 8 để các em thi học sinh giỏi cùng học sinh lớp 9 và đạt thành tích cao.

Từ trung tâm thành phố Hòa Bình qua cầu Hòa Bình sang bên kia sông Đà là phường Đồng Tiến (thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), nơi có phần bớt đi sự nhộn nhịp, ồn ào phố xá.

Cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp và các công việc lao động tự do. Vì thế, theo thống kê của Trường Trung học cơ sở Đồng Tiến, nhà trường có khoảng 300 em học sinh thì có đến 50 em thuộc diện hoàn cảnh khó khăn.

Mặc dù có nhiều học sinh thuộc diện gia đình còn khó khăn về kinh tế, nhưng Trường Trung học cở Đồng Tiến luôn giữ vững các thành tích trong giảng dạy và học tập. Những năm qua nhà trường luôn có các em học sinh đoạt giải trong kì thi học sinh giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh.

Một trong những giáo viên đóng góp vào thành tích trên, là cô giáo bộ môn tiếng Anh - Phạm Thanh Hoa, người có thâm niên giảng dạy và kinh nghiệm dày dặn về chuyên môn.

Cô Phạm Thanh Hoa trong một buổi học trên lớp. (Ảnh: NVCC)

Cô Phạm Thanh Hoa trong một buổi học trên lớp. (Ảnh: NVCC)

Gắn bó với bục giảng đến nay đã 20 năm, cô Hoa từng dạy nhiều trường ở các huyện Tân Lạc, Kỳ Sơn, rồi mới chuyển công tác về thành phố Hòa Bình. Cô cũng có hơn chục năm kinh nghiệm về ôn luyện, bồi dưỡng học sinh trong đội tuyển tham gia kì thi học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp thành phố và cấp tỉnh.

Nữ giáo viên vẫn nhớ lúc mới vào nghề, khi mới tiếp xúc với máy tính của nhà trường, cô còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng sau đó nhận thấy những tích cực mà công nghệ có thể hỗ trợ hoạt động giảng dạy, cô đã mua chiếc máy tính cũ để về tìm tòi tài liệu, tự tích lũy kiến thức cho bản thân, cũng như soạn giảng những nội dung sẽ dạy học trò trên lớp.

Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cô Hoa cũng tìm tới các giáo viên là “cây đa, cây đề” trong ngành để lắng nghe những chia sẻ, học tập kinh nghiệm, nhờ hỗ trợ tài liệu để tự học. Cô cũng về Hà Nội để đi tìm các sách hỗ trợ ôn, luyện thi chứng chỉ Ielts, Cambridge...

“Tôi nhận thấy mình phải liên tục trau dồi kiến thức chuyên môn để đáp ứng được nhu cầu học hỏi từ các em với bộ môn mình giảng dạy”, cô Hoa tâm sự.

Đối với các em trong đội tuyển học sinh giỏi, cô Hoa ôn luyện các kĩ năng nghe, đọc, viết. Đó có thể là các format về đoạn văn để các em tham khảo cách trình bày, bố trí bài viết, sau đó các em làm thử để cô sửa bài.

Cô Hoa chia sẻ, bản thân được giao nhiệm vụ ôn luyện học sinh giỏi lớp 9 tại trường, qua nhiều năm kinh nghiệm, cô nhận thấy việc bồi dưỡng lớp kế cận là những học sinh giỏi từ lớp 8 cũng rất quan trọng. Vì vậy, cô tìm cách phát hiện, chọn lọc các em học lớp 8 thông qua các bài kiểm tra.

Quyết định táo bạo hơn nữa là cô Hoa đã đề nghị với lãnh đạo nhà trường cho các em lớp 8 đi thi "vượt lớp" với các học sinh lớp 9 trong kì thi học sinh giỏi cấp thành phố. Đề nghị này được Hiệu trưởng nhà trường chấp thuận.

Dù chọn học sinh lớp dưới đi thi vượt lớp cũng có những khó khăn riêng như: Kiến thức các em tích lũy, sự tự tin của học sinh với kỳ thi có tính cạnh tranh cao... Nhưng đứng trước những khó khăn, thử thách, cả cô và trò đều thể hiện rõ sự quyết tâm sẽ cùng vượt qua để đạt thành tích tốt.

Một trong những học sinh đạt được kết quả từ sự "táo bạo" trong quyết định của cô Hoa là em Đỗ Hoàng Kiên (năm nay lên lớp 10). Năm lớp 8, Kiên đoạt giải ba cấp thành phố, khi lên lớp 9 em giành giải nhất cấp tỉnh môn tiếng Anh.

Bên cạnh thời gian giảng dạy ở trường, thời gian cao điểm gần thi, cô luyện thêm cho đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường vào buổi tối ở nhà miễn phí.

Cô Phạm Thanh Hoa và một số em trong đội tuyển thi học sinh giỏi. (Ảnh: NVCC)

Cô Phạm Thanh Hoa và một số em trong đội tuyển thi học sinh giỏi. (Ảnh: NVCC)

Có những hôm đang học, học sinh đói bụng, xuống bếp pha mỳ tôm để ăn. Hình ảnh đó khiến cô Hoa càng thương các em nhiều hơn, bởi có những học sinh trường khác được phụ huynh cho đi học ở trung tâm, thậm chí ôn luyện ở Hà Nội, còn học sinh trường mình vẫn khó khăn quá nhiều.

Với những nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, vào đầu tháng 8 vừa qua, cô Hoa là một trong 3 "giáo viên tiêu biểu của năm" được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình bình chọn. Khi biết được thông tin này, bản thân cô Hoa cảm thấy bất ngờ, với nhiều cảm xúc đan xen.

"Khi nhận được thông báo tôi được bình chọn là một trong 3 giáo viên tiêu biểu của năm, tôi thật sự rất ngờ và hạnh phúc, đây cũng là động lực để tôi cố gắng hơn nữa. Bản thân tôi luôn tâm niệm cố gắng làm chuyên môn cho tốt, chứ không nghĩ đến việc được tặng thưởng", cô Hoa trải lòng.

Cô Phạm Thanh Hoa Hoa (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp của Trường Trung học cơ sở Đồng Tiến nhận giấy khen chiến sĩ thi đua năm học 2021-2022. (Ảnh: NVCC)

Cô Phạm Thanh Hoa Hoa (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp của Trường Trung học cơ sở Đồng Tiến nhận giấy khen chiến sĩ thi đua năm học 2021-2022. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về đồng nghiệp, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đồng Tiến cho biết, cô Hoa là người có tâm huyết với nghề và có năng lực chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm trong công tác ôn luyện học sinh giỏi.

"Nhà trường có 50 em học sinh thuộc diện khó khăn, có những trường hợp mồ côi cả cha, lẫn mẹ. Vượt lên hoàn cảnh, nhiều em học sinh dưới sự kèm cặp của cô Hoa đã đạt được thành tích cao trong kì thi học sinh giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh", cô Thúy chia sẻ.

Mạnh Đoàn