Hội thảo có sự tham dự của Tiến sĩ Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiến sĩ Bùi Quang Tuyến - Giám đốc Học viện Viettel; Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Phạm Xuân Hoan - Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính, Đại học Quốc Gia Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Kim Cương - Phụ trách Đại học số Tập đoàn Công nghệ CMC; Đại diện Trường Đại học Hà Nội có Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường cùng đông đảo cán bộ, giảng viên Trường Đại học Hà Nội.
Tiến sĩ Lương Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng, Phó trưởng ban chỉ đạo Đề án chuyển đổi số Trường Đại học Hà Nội. (Ảnh: Phạm Minh) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Lương Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hội thảo Chuyển đổi số là sự kiện quan trọng mở đầu cho việc thực hiện Đề án Chuyển đổi số của Nhà trường giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 của Trường Đại học Hà Nội”. Ứng dụng công nghệ số là sự thay đổi mang tính cách mạng đột phá. Đối với giáo dục, đào tạo chuyển đổi số phải tập trung cho đối tượng học sinh, sinh viên, lấy người học làm trung tâm.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường tặng hoa cho các diễn giả.(Ảnh: Phạm Minh) |
Trường Đại học Hà Nội là một trong những Trường đại học sớm quan tâm đầu tư và tích cực nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý, giảng dạy của Nhà trường. Qua đó, các trang bị như phòng Lab, hệ thống dạy học ngoại ngữ được từng bước đầu tư, các ứng dụng phần mềm giảng dạy ngoại ngữ quốc tế được đưa vào khai thác. Hiện nay, các thiết bị dạy và học ngoại ngữ chuyên nghiệp và hiện đại bậc nhất, như: phòng Lab, phòng Multimedia hiện đại, phần mềm dạy ngoại ngữ riêng mang bản sắc HANU cũng đã góp phần làm nên sự khác biệt của Nhà trường.
Chia sẻ tại Hội thảo, Tiến sĩ Bùi Quang Tuyến cho rằng: “Mối quan hệ biện chứng giữa tư duy-nhận thức và công nghệ số cho thấy chuyển đổi số không chỉ là một xu thế mà sẽ phát triển mạnh mẽ và xuất hiện nhiều phương thức quản lý mới, mô hình kinh doanh mới”.
Tiến sĩ Bùi Quang Tuyến - Giám đốc Học viện Viettel chia sẻ tại buổi Hội thảo. (Ảnh: Phạm Minh) |
Đối với cơ sở giáo dục, chuyển đổi số nhắm đến mục tiêu tạo ra môi trường học tập mới, tạo ra cơ hội học tập mọi lúc mọi nơi, phát triển năng lực tự học, nói cách khác là phải đưa được các hoạt động của đời sống thực (học tập, giảng dạy, …) có thể thực hiện trên không gian mạng. Tiến sĩ cũng cho rằng: “Vận hành một tổ chức (doanh nghiệp, trường đại học,…) thời kinh tế số cần một số yếu tố căn bản như: Cấu trúc của tổ chức, con người trong tổ chức, cơ chế vận hành của tổ chức và yếu tố quan trọng chính là công cụ quản lý, giám sát cả hệ thống vận hành của tổ chức - đó chính là công nghệ số”.
Xây dựng trường đại học số có giảng viên số, sinh viên số
Giám đốc Học viện Viettel đặt ra vấn đề chuyển đổi số của trường đại học là vai trò trở thành trung tâm quản lý, kết nối, sản sinh tri thức, đổi mới sáng tạo. Muốn làm được điều đó, cần xây dựng nền tảng (platform) ứng dụng công nghệ số với các tính năng bám sát chiến lược phát triển, mục tiêu của nhà trường; là tiền đề xây dựng mô hình quản lý mới, song song với việc tuyên bố giá trị mới như: tiêu chuẩn giảng viên số, sinh viên số…
Giảng viên số phải có khả năng giảng dạy kiến thức cơ bản về chuyển đổi số ngay ở năm học đầu tiên và các chương trình nâng cao, ứng dụng ở những năm tiếp theo cho sinh viên; có khả năng số hóa những bài giảng; giảng viên số cần có công cụ, có năng lực giảng dạy, tương tác trên môi trường mạng; có khả năng tham gia kèm cặp (coaching) cho sinh viên mọi lúc mọi nơi, đồng thời có kiến thức liên ngành, xuyên ngành.
Giảng viên Trường Đại học Hà Nội chia sẻ, trao đổi cùng diễn giả. (Ảnh: Phạm Minh) |
Sinh viên số phải có kiến thức cơ bản về chuyển đổi số ngay năm học đầu tiên và các chương trình nâng cao, ứng dụng ở những năm tiếp theo; cần có thiết bị, công cụ kết nối với môi trường mạng; biết và chủ động tham gia nền tảng kết nối học tập online; chủ động tham gia học tập trên môi trường mạng mọi lúc mọi nơi, đồng thời thực hiện các hoạt động học tập trên môi trường mạng theo KPI của nhà trường.
Hội thảo cũng nhận được nội dung trình bày ấn tượng, có tính thực tiễn cao về nền tảng By Day Learning - phương thức duy trì học tập hằng ngày của Học viện Viettel với nhiều bài học ngắn (micro-learning) được số hóa, triển khai trên ứng dụng mobile app nhằm duy trì đồng thời cho nhiều người học tập mọi lúc mọi nơi; cá nhân hóa, tăng khả năng tự học; giúp tổ chức, doanh nghiệp xây dựng văn hóa học tập. Nền tảng này thể hiện rõ nét chuyển đổi số trong học tập, đào tạo và là yếu tố quan trọng để xây dựng tổ chức học tập và học tập suốt đời.
Hội thảo “Chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo tại Trường Đại học Hà Nội” đã thành công tốt đẹp với nhiều gợi mở trong tư duy, hướng tiếp cận chuyển đổi số cho Nhà trường trong thời gian tới, đem lại nhiều góc nhìn mới cho đội ngũ cán bộ, giảng viên về việc chủ động nâng cao năng lực trong thời 4.0. Bên cạnh đó, gợi mở mong muốn hợp tác giữa Tập đoàn Viettel nói chung, Học viện Viettel nói riêng với Trường Đại học Hà Nội trong triển khai chuyển đổi số.