Cơ chế hiện nay đang biến các trường tự chủ trở thành trường ĐH tự lo

30/08/2022 06:46
Phạm Minh
GDVN- GS Hoàng Văn Cường: “Tăng học phí phải đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng và không để học phí thành rào cản tiếp cận giáo dục đại học của người dân”.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại khoản 2, điều 32 Luật giáo dục đại học (không tính các trường đại học thuộc khối công an, quân đội; các trường đại học quốc tế).

Khi bước vào cơ chế tự chủ, nhiều cơ sở giáo dục đại học đồng loạt tăng học phí.

Vì sao các trường đại học phải tăng học phí?

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Hoàng Văn Cường – đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói rằng, tự chủ là xu thế tất yếu của giáo dục đại học, mục đích của tự chủ là nhằm “cởi trói” cho các trường đại học được tự do sáng tạo, đổi mới, phát triển và tạo ra các giá trị cho xã hội.

Giáo sư Hoàng Văn Cường – đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư Hoàng Văn Cường – đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NVCC)

Trên thế giới, các trường được giao quyền tự chủ rất cao nhưng nhà nước vẫn đầu tư ngân sách cho giáo dục đại học vì đó là nguồn đầu tư cho tương lai.

Ở nước ta, quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ cũng như vậy, tự chủ không đồng nghĩa với tự lo, nhà nước vẫn phải cấp ngân sách và đầu tư cho các trường. Nhưng cách đầu tư của nhà nước sẽ khác so với trước đây. Nếu trước đây nhà nước đầu tư theo cơ chế bao cấp thì khi tự chủ, nhà nước sẽ đầu tư theo cơ chế đặt hàng.

Đây là quan điểm rất đúng và phù hợp khi các cơ sở đào tạo thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn ngân sách của chúng ta còn hạn hẹp nên khi các trường tự chủ, nhà nước không đầu tư theo cơ chế bao cấp nữa nhưng lại chưa đầu tư theo cơ chế đặt hàng.

Cơ chế hiện nay đang biến các trường tự chủ trở thành trường đại học tự lo vì ngân sách bị cắt giảm. Học phí trở thành nguồn thu chính yếu để các trường đại học duy trì hoạt động và đảm bảo các điều kiện đảm bảo chất lượng. Đó là lý do nhiều trường đại học tự chủ tăng học phí.

Nhiều ý kiến cho rằng, các trường đại học phải tìm cách tăng nguồn thu bổ sung để giảm bớt “gánh nặng” học phí cho người học. Theo Giáo sư Hoàng Văn Cường, việc trông chờ các nguồn thu khác ngoài học phí là khó khả thi.

Trường đại học thường sẽ có hai nguồn thu bổ sung, một là thực hiện nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ tư vấn; thứ hai là huy động sự đóng góp của xã hội.

Ở một số trường đại học trên thế giới nguồn thu này rất lớn, họ dùng số tiền đó để cấp học bổng cho người học, tài trợ cho nghiên cứu khoa học, nhờ vậy áp lực học phí cũng giảm đi.

Nhưng ở nước ta, các trường đại học chưa đạt được trình độ trở thành những trung tâm nghiên cứu, kể cả những cơ quan nghiên cứu khoa học cũng chưa tạo ra được nguồn thu từ việc sáng tạo sản phẩm và còn phải “trông chờ” vào ngân sách nhà nước.

Nghiên cứu khoa học của các trường đại học Việt Nam dù đã phát triển mạnh nhưng chưa có đủ khả năng thu hút tạo ra sản phẩm mới cho xã hội, nguồn ngân sách cho nghiên cứu khoa học tại các trường đại học còn hạn chế, thậm chí chúng ta còn phải trích tỷ lệ phần trăm học phí cho nghiên cứu khoa học. Vậy nên rất khó để có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học giúp giảm bớt “gánh nặng” học phí.

“Đối với nguồn thu đóng góp từ xã hội, chúng ta cũng nhận được tấm lòng hảo tâm của các cựu sinh viên, cựu học viên nhưng chỉ mang tính chất biểu trưng là quà tặng chứ chưa phải là những khoản đầu tư như ở các nước.

Chính vì vậy, những nguồn thu bổ sung này chưa thể đóng vai trò thay thế hay bổ sung, hỗ trợ cho học phí được.

Trong khi ngân sách bị cắt giảm, không thể có nguồn thu bổ sung, để không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và ngày càng nâng cao chất lượng, trường đại học buộc phải tăng học phí. Tăng học phí với các trường đại học cũng là điều bất đắc dĩ”, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định.

Tăng học phí - bài toán đa mục tiêu các trường phải cân nhắc

Giáo sư Hoàng Văn Cường cho rằng, muốn phát triển giáo dục đại học phải ưu tiên chất lượng chứ không thể chạy theo số lượng. Muốn vậy, nhà trường phải có nguồn lực, mà nguồn lực chủ yếu hiện nay chỉ có thể lấy từ học phí.

Tuy nhiên, khi tăng học phí có nguy cơ làm mất cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của những học sinh nghèo học giỏi, có năng lực. Nếu để “đánh mất” một số lượng người học có năng lực, học giỏi thì đó chính là thiệt hại với các trường.

Vì vậy, việc tăng học phí cũng giống như con dao hai lưỡi, là bài toán đa mục tiêu mà các trường phải cân nhắc.

Tăng học phí phải đảm bảo được hai mục tiêu: vừa nâng cao chất lượng đào tạo; vừa phải được xã hội thừa nhận, chấp nhận, nghĩa là không để học phí trở thành rào cản, ngăn cản những người có nhu cầu, có năng lực tiếp cận giáo dục đại học.

Khi tăng học phí phải lưu tâm hai vấn đề, thứ nhất, đối với những ngành khoa học cơ bản, những ngành nghề, lĩnh vực mà xã hội cần ưu tiên, nhà nước phải có sự đầu tư trong đào tạo.

Thứ hai là đối với những học sinh nghèo học giỏi, cần có chính sách trợ cấp để đảm bảo cơ hội học tập cho các đối tượng này.

Nhà nước và bản thân các cơ sở đào tạo phải có chính sách xã hội thật tốt để giải quyết vấn đề trên.

Nhà nước phải tiếp tục cấp ngân sách cho giáo dục đại học, để các trường hoạt động được theo cơ chế đặt hàng, đào tạo được sinh viên giỏi.

Bàn về chính sách tín dụng sinh viên, Giáo sư Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phải xem đây là vốn đầu tư cho xã hội, là khoản đầu tư chứ không phải khoản tiêu dùng mất đi.

Học phí ở nhiều nước trên thế giới rất cao nhưng người học vẫn tiếp cận giáo dục đại học được nhờ có chính sách tín dụng tốt. Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động tín dụng cho sinh viên, ngân sách nhà nước cũng phải dành một tỷ lệ thích đáng cho quỹ tín dụng này.

Mức cho vay phải đảm bảo giúp những sinh viên có năng lực tiếp cận được với những chương trình đào tạo tốt, cơ sở đào tạo chất lượng cao, và để họ tăng cường thêm hoạt động đào tạo nâng cao trình độ. Sau này họ tiếp cận được vị trí việc làm tốt, thu nhập cao và khả năng hoàn trả lại khoản vay cũng cao.

Vì vậy, cần xác định đầu tư “đến nơi đến chốn”, vì nguồn đầu tư này không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho người học mà còn là cơ sở đảm bảo sinh viên có khả năng tái hoàn trả lại cho các quỹ này.

Nhà nước cần đầu tư để có quỹ tín dụng lớn, thêm vào đó là trách nhiệm của các ngân hàng, ngoài ngân hàng chính sách xã hội, những ngân hàng thương mại cũng cần đầu tư vào chương trình này. Việc này thể hiện trách nhiệm xã hội của các ngân hàng.

“Tuy nhiên, muốn chính sách tín dụng phát huy hiệu quả, cần có sự tham gia của các cơ sở đào tạo. Trường đại học cần có cam kết với ngân hàng trong việc quản lý các nguồn vay.

Nhiệm vụ của nhà trường là lựa chọn các đối tượng sinh viên được hưởng chính sách hỗ trợ, giám sát các đối tượng sinh viên, để sinh viên sử dụng hiệu quả khoản vay, để khi ra trường các em có khả năng hoàn trả lại khoản vay của mình.

Muốn làm được việc này, cần phải có cơ chế và quy định pháp lý rõ ràng, để nhà trường có quyền và có trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát các nguồn vay, đảm bảo khả năng tái hoàn trả lại các khoản vay sau này”, Giáo sư Hoàng Văn Cường khẳng định.

Phạm Minh