TP.HCM sẽ có biện pháp tháo gỡ việc thiếu GV Tin học, tiếng Anh bậc tiểu học

31/08/2022 06:33
Lê Phương
GDVN- Lãnh đạo TP.HCM rất quan tâm đến việc thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học và đã trao đổi những biện pháp tháo gỡ, đề xuất với cơ quan cấp cao.

Ngày 30/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023 cấp tiểu học.

Tham dự có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Phòng giáo dục các quận huyện và Thành phố Thủ Đức cùng hàng trăm lãnh đạo các trường tiểu học trên địa bàn.

Tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề thiếu giáo viên tiếng Anh và Tin học

Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng- Phó trưởng phòng giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo tổng kết kết quả đạt được của bậc tiểu học trong năm 2021-2022 và nội dung 9 phương hướng nhiệm vụ trong năm 2022-2023.

Trong đó, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng giáo viên và đội ngũ quản lý, triển khai thực hiện tuyển dụng để có đủ giáo viên đặc biệt năm học này giáo viên Tin học và Tiếng Anh đòi hỏi nguồn tuyển dụng rất lớn.

Phát biểu tổng kết tại buổi hội nghị, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngành giáo dục thành phố ghi nhận công sức, nỗ lực vượt qua khó khăn của tất cả thầy cô của bậc giáo dục tiểu học trong năm học 2021-2022.

Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023 cấp tiểu học (ảnh:P.L)

Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023 cấp tiểu học (ảnh:P.L)

Dịp này, ông Quốc nhấn mạnh thêm nhiều nội dung để các đơn vị, phòng giáo dục quận huyện và Thành phố Thủ Đức triển khai trong năm học 2022-2023. Cụ thể, ông nhắc các trường không chủ quan trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến chưa kiểm soát được tốt. Ngoài công tác đảm bảo an toàn trường học như phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm thì cũng tăng cường đảm bảo phòng chống dịch.

Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 1,2,3, sắp tới sẽ còn nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực. Tuy nhiên với tinh thần chủ động sáng tạo, ông Bảo Quốc đề nghị các Phòng giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố phải sâu sát trong việc phân công nhân sự hỗ trợ điều phối, tuyển dụng…để thực hiện được đầy đủ các môn học của chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các khối lớp 1,2 và 3.

Ông Quốc cũng nhắc lãnh đạo các trường phải có kế hoạch chiến lược dài hơi, trung hạn và mỗi năm để có thể đưa ra những dự báo về nhu cầu giáo viên hoặc đáp ứng những vấn đề đặc thù của nhà trường khi triển khai những nhiệm vụ của năm học. Như thế mới có thể chủ động linh hoạt xử lý hoặc tham mưu cho cấp phòng giáo dục để điều chỉnh kịp thời.

Phó giám đốc Sở khẳng định tất cả những khó khăn của giáo dục tiểu học khi triển khai thực hiện luôn được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đồng hành và sẽ có phản hồi.

"Lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến việc thiếu giáo viên Tiếng Anh và Tin học và cũng đã trao đổi những biện pháp tháo gỡ, cũng như đề xuất với các cơ quan quản lý cấp cao hơn để giải quyết vấn đề. Những biện pháp tháo gỡ này không chỉ dành riêng cho vấn đề giáo viên Ngoại ngữ, Tin học mà còn những vấn đề khác hỗ trợ thêm cho giáo viên mầm non, tiểu học", ông Quốc cho hay.

Chương trình mới việc kiểm tra phải hướng đến năng lực của học sinh

Trong việc triển khai chương trình phổ thông mới, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng lưu ý các thầy cô phải thay đổi thói quen với chương trình cũ, chương trình mới phải hướng đến năng lực của học sinh.

“Trong báo cáo của các phòng giáo dục quận huyện vẫn thấy đâu đó, thầy cô vẫn chờ hướng dẫn cụ thể, từng chút một. Việc thay đổi một chương trình nhiều bộ sách cũng tác động rất lớn đến thầy cô. Ở chương trình mới, sách giáo khoa chỉ là tư liệu thêm để các giáo viên thực hiện việc tổ chức giảng dạy chương trình. Bên cạnh đó, việc kiểm tra đánh giá cũng phải thay đổi, phải điều chỉnh phù hợp để phản ánh năng lực của học sinh”, ông Nguyễn Bảo Quốc chia sẻ.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng khen thưởng cho lãnh đạo các trường tiểu học trên địa bàn (ảnh: P.L)

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng khen thưởng cho lãnh đạo các trường tiểu học trên địa bàn (ảnh: P.L)

Chính vì vậy, ông Quốc nhấn mạnh việc khảo sát khối lớp 3 trong năm học tới là điều hết sức quan trọng. “Chúng ta sẽ đánh giá được sự khác biệt khi triển khai hai nội dung chương trình, trên cơ sở đó sẽ phân tích được những ưu điểm, hạn chế của chương trình mới. Quan trọng hơn nữa, các phòng giáo dục và các trường cũng đánh giá được hiệu quả triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và từ đó điều chỉnh cho phù hợp để thực hiện được mục tiêu của chương trình”, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.

Mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh là đạt 300 phòng học /10.000 dân trong độ tuổi học phổ thông nhưng đến nay nhiều quận, huyện vẫn chưa thực hiện được, kèm theo đó việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày vẫn không thực hiện được. Chính vì thế, ông Quốc đề nghị Phòng giáo dục các quận huyện tiếp tục tham mưu để thực hiện việc quy hoạch mạng lưới trường lớp trong thời gian tới.

Lê Phương