Bộ Tài chính đề xuất áp giá trần đối với sách giáo khoa

07/09/2022 11:25
Thiên Nhi
GDVN- Theo đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quyết định giá tối đa với sách giáo khoa, các nhà xuất bản sẽ quyết định giá bán cụ thể.

Dự thảo Luật Giá sửa đổi đang được Bộ Tài chính xây dựng và trong quá trình lấy ý kiến. Đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, Bộ Tài chính đề xuất loại bớt 13 hàng hoá, dịch vụ và bổ sung thêm 4 mặt hàng.

Để hạn chế tác động tiêu cực của giá sách giáo khoa đối với các gia đình, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Luật Giá sửa đổi, trong đó, đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa nhà nước định giá và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định giá tối đa, các nhà xuất bản tự quyết định giá cụ thể.

Ảnh minh họa: Thiên Nhi.

Ảnh minh họa: Thiên Nhi.

Theo Bộ Tài chính, sách giáo khoa là mặt hàng có tính chất đặc thù, ảnh hưởng trên phạm vi rộng đến từng gia đình, đặc biệt gia đình trẻ có con trong độ tuổi đi học. Cho nên, việc quản lý nhà nước về giá sách giáo khoa là điều cần thiết. Trước đó, mặt hàng này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào danh mục hàng hóa được nhà nước định giá.

Tuy nhiên, với phương án nhà xuất bản tự quyết định giá cụ thể dựa trên mức trần do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, một số đại biểu quốc hội đặt ra vấn đề "quy định cứng sẽ khiến mỗi lần thay đổi sẽ rất phức tạp". Bên cạnh đó, danh mục về giá ban hành kèm theo luật hiện chỉ do Quốc hội quyết định, trên thực tế sẽ gặp rất nhiều bất cập nếu có những thay đổi trong thực tế.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, giá sách giáo khoa vào cuối tháng 8 tăng hơn 1%, bút viết các loại tăng 1,4%, giá vở, giấy viết các loại tăng hơn 1% so với tháng trước.

Bộ Tài chính phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu nhà xuất bản tiết kiệm chi phí sách giáo khoa như phí quản lý, quảng bá, lợi nhuận. Đến nay, các đơn vị đã kê khai giảm giá sách giáo khoa 5-15% tuỳ từng cuốn sách, trong năm học 2022-2023.

Thiên Nhi