Theo Nghị quyết 02/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành ngày 8/4/2022, có nêu kế hoạch đầu tư xây dựng mới 16 trường học công lập (gồm 7 trường liên cấp và 8 trường trung học phổ thông) trong giai đoạn 2021-2025.
16 trường được đầu tư xây mới trên, ở khu đô thị chỉ có duy nhất 1 trường được xây tại Khu đô thị (trường trung học phổ thông được xây tại ô đất B2.5 - THPT01 Khu đô thị Thanh Hà).
Trong khi đó, nhiều khu đô thị đông dân cư ở các quận như Hoàng Mai có đất được quy hoạch để xây dựng trường học nhưng không xây dựng, cỏ mọc hoang nhiều năm nay.
Giao bán dự án Khu đô thị Ao Sào quảng cáo nhiều tiện ích, đến ở 5 năm, đất xây trường vẫn "án binh bất động"
Chuyển đến nơi ở mới với mong muốn có nhiều tiện ích nhưng nhiều cư dân khu đô thị Ao Sào (phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy bức bối đủ điều. Các tiện ích kèm theo như khi quảng cáo bán nhà ở theo khu đô thị đâu không thấy, lô đất được quy hoạch để xây trường học bị bỏ hoang, nhiều năm không triển khai làm nảy sinh nhiều bất an.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, anh N.VT. cho biết, khi đến tìm hiểu mua đất làm nhà, anh nắm được thông tin bản đồ quy hoạch nơi đây sẽ có 2 trường học (mầm non và trung học cơ sở) ngay phía trước nhà sẽ tiện lợi cho các con nên anh đặt cọc mua từ năm 2014, khi mới mở bán dự án.
"Khi đó, đường đi nơi đây vẫn là đường đất, cỏ mọc um tùm, cư dân thưa thớt, hoang vu", anh T. nhớ lại.
Anh T. cho biết, bên cạnh sự hoang vu, đường bùn đất, cư dân ở đây còn phải chịu cảnh thiếu nước sạch buộc nhiều hộ phải khoan giếng lấy nước sinh hoạt, tranh chấp lối đi, tình trạng này từng được báo chí phản ánh. Sau này khi có nước sạch, vào năm 2017 gia đình anh T. mới chuyển về đây sinh sống.
Thời gian trôi qua, hai lô đất để xây dựng trường học vẫn án binh bất động, khi con anh đi học mầm non, gia đình phải cho cháu đi học trường tư thục ngay trong khu đô thị vì trường công lập quá đông học sinh.
"Lúc mưa đường vào trong làng ngập, lớp mầm non công lập lại đông, nên gia đình tôi quyết định cho cháu học ở trường tư thục gần nhà", anh T. chia sẻ.
Theo bản đồ quy hoạch, ô đất số TH (đánh dấu số 1) là nơi xây dựng trường trung học cơ sở; Ô đất NT (đán dấu số 5) là xây dựng trường mầm non; 2 ô đất CT1 (số 3) và CT2 (số 3) được xây dựng chung cư cao tầng và ô đất cuối cùng là nhà cao tầng hỗn hợp. (Ảnh: NVCC) |
Hình ảnh bản đồ màu. (Ảnh: NVCC) |
Vị phụ huynh này chia sẻ tiếp, theo quy hoạch, trước cửa nhà anh là khu trẻ mẫu giáo, còn bên tay trái kế cận là trường trung học cơ sở.
"Ở phía sau lô đất NT được quy hoạch làm khu nhà trẻ mẫu giáo còn 3 tòa chung cư nữa chưa xây dựng", anh T. chia sẻ thêm.
Anh T. chia sẻ thêm, anh cũng từng nhìn thấy một vài lần cán bộ về đây đo đạc, khảo sát ở lô đất xây dựng trường học nhưng sau đó vẫn không có gì thay đổi.
Tại lô đất để xây dựng trường trung học cơ sở, từng được cá nhân san ủi đổ bê tông làm khu vui chơi, bể bơi, trông giữ xe ô tô nhưng sau đó bị chính quyền cưỡng chế. Sau đó, nó trở thành một khu sân bê tông bỏ không tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Ban quản lý Khu đô thị Ao Sào cho biết, vị trí 2 lô đất xây dựng trường học được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội quản lý, hiện khu vực này đang chờ giải phóng mặt bằng.
Đất xây trường ở khu đô thị Vĩnh Hoàng quây tôn, cỏ mọc um tùm muỗi ở
Cách trung tâm thành phố vài cây số, giáp đường Tân Mai - Tam Trinh (Hoàng Mai) là khu đô thị Vĩnh Hoàng với nhiều tòa chung cư, biệt thự có cảnh quan đẹp, view hồ nước... tuy nhiên cũng giống như nhiều khu đô thị khác, nơi đây không có trường học công lập và ô đất được quy hoạch xây dựng trường cũng bị bỏ hoang.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương cho hay, gia đình con trai bà chuyển về khu tái định cư là tòa chung cư ở đây từ vài năm trước, khi đó khu này còn hoang sơ, cỏ mọc um tùm, ít người ở.
Hai vợ chồng con trai bà làm lao động tự do, thu nhập bấp bênh nên gia đình nội ngoại phải hỗ trợ khi vợ chồng đẻ con sinh đôi. Theo đó, bà ngoại phải từ quê lên để trông một bé tại chung cư, còn một bé được đưa về nhà ông bà nội gần đó trông nom giúp.
Ô đất được quy hoạch xây dựng trường học được quây tôn, bỏ hoang. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Đến nay, hai cháu đã được 2 tuổi đến tuổi đi lớp mầm non nên gia đình đi tìm lớp cho hai cháu.
Theo bà Phương, ở khu đô thị Vĩnh Hoàng bà "mỏi mắt" tìm trường mầm non công lập, trong khi đó có rất nhiều trường, nhóm trẻ mầm non tư thục. Gia đình con trai đã đến tìm hiểu tại hai trường gần nhà, và được chia sẻ mức phí khoảng gần 4 triệu đồng/cháu đã bao gồm ăn bán trú. Tuy nhiên, khi thăm cơ sở vật chất của 2 trường, bà cảm thấy không ưng ý chút nào.
“Một trường mới được xây dựng nhưng lớp học chật hẹp nên chỉ nhận 8-10 cháu/lớp, trường còn lại thì rộng hơn nhưng cơ sở vật chất đã cũ kĩ, nhiều cây cối xung quanh, muỗi bay vè vè. Gia đình không lựa chọn hai trường này vì sợ hai cháu sẽ dế bị ốm vặt nếu vào học ở đây”, bà Phương chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Xinh (trú tại CTI 11B, Tháp A) cho hay, con nhỏ của chị năm nay lên 2 tuổi nên gia đình chị tìm hiểu về trường lớp.
“Tôi tham khảo một số phụ huynh cho con theo học trường công thì biết sĩ số lớp quá đông. Hai cô giáo phụ trách việc trông nom rất khó đảm bảo", chị Xinh chia sẻ.
Bên trong một lô đất được quy hoạch xây dựng trường tại khu đô thị cỏ mọc hoang. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
May mắn là ở khu vực này có một số trường tư thục. Qua tìm hiểu, lựa chọn trường về tiêu chí cơ sở vật chất, diện tích trường..., gia đình chị quyết định sẽ cho con học tại một trường mầm non. Trường này một tuần có 3 buổi giáo viên nước ngoài đứng lớp, 2 buổi giáo viên Việt dạy, với mức học phí 2,9 triệu đồng/tháng (nếu ăn bán trú 30 nghìn đồng/buổi, tổng là khoảng 4 triệu đồng/tháng).
Chị Xinh và nhiều phụ huynh sinh sống tại đây mong các dự án xây trường được quy hoạch sẽ sớm được xây dựng. Bởi họ mua nhà ở đây để sinh sống vì khu vực sẽ có trường.