Cử nhân quốc tế bức xúc "tố" Trường ĐH Kinh tế Quốc dân giữ bằng tốt nghiệp

30/09/2022 06:38
Mạnh Đoàn
GDVN- Cử nhân Quốc tế khóa 14 tố nhà trường không trao bằng tốt nghiệp do không có chứng chỉ tiếng Anh đầu vào, trong khi theo sinh viên, họ đã hoàn thành yêu cầu này.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một số sinh viên khóa 14 (nhập học tháng 10/2018, tốt nghiệp vào tháng 8/2022) thuộc Viện đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) phản ánh về việc nhà trường không trao bằng tốt nghiệp do không đáp ứng chứng chỉ tiếng Anh đầu vào được quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (có hiệu lực từ 1/8/2018).

Theo nội dung đơn phản ánh, những sinh viên trên đã hoàn thành chương trình Cử nhân Quốc tế và được trường Đại học West of England, Vương quốc Anh công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên, 5 ngày trước lễ tốt nghiệp, Viện đào tạo Quốc tế cử người đại diện gọi điện, thông báo từ chối trả bằng cho sinh viên với lí do "sinh viên không có chứng chỉ tiếng Anh đầu vào theo Nghị định 86/2018 của Chính phủ".

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bị "tố" giữ bằng tốt nghiệp của sinh viên khóa 14. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bị "tố" giữ bằng tốt nghiệp của sinh viên khóa 14. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Theo đó, nhà trường yêu các sinh viên khóa 14 phải có chứng chỉ Bậc 4 (khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) hoặc có IELTS 5.5/TOEFL 500, mới được nhận bằng tốt nghiệp.

Điều này khiến các sinh viên bức xúc vì kể từ khi nhập học đến thời điểm biết thông tin trên, sinh viên không hề nhận được bất cứ thông báo nào về việc trên.

"Trước đó vào tháng 5 và tháng 8/2022, nhà trường tổ chức thi chứng tiếng Anh IELTS 5.5/TOEFL 500 cũng không nhắc đến yêu cầu "chứng chỉ tiếng Anh đầu vào theo Nghị định 86/2018 của Chính phủ"", đơn của sinh viên nêu.

Thông báo của nhà trường gửi đến sinh viên về việc tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh vào tháng 5/2022.

Thông báo của nhà trường gửi đến sinh viên về việc tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh vào tháng 5/2022.

Sinh viên cho biết, khi vào học, họ được biết, theo chính sách của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khi trúng tuyển vào chương trình cử nhân quốc tế (IBD@NEU), nếu sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh Quốc tế IELTS 7.0 sẽ được miễn giai đoạn học tiếng Anh theo chương trình của Trường Quốc tế TEG của Singapore, và chỉ phải học các môn cơ sở cùng chuyên ngành.

Như vậy, nếu sinh viên chưa có chứng chỉ IELTS 7.0 sẽ phải học và thi đạt chứng chỉ tiếng Anh TEG cấp độ 4 mới đủ điều kiện theo học chuyên ngành.

"Chứng chỉ TEG cấp độ 4 được hiểu là tương đương với chứng chỉ IELTS 7.0, bởi nhiều sinh viên chỉ có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 6.5 vẫn buộc phải học TEG", trích nội dung đơn.

Theo đó, việc nhà trường yêu cầu sinh viên thi lấy chứng chỉ tiếng Anh bậc 4 hoặc IELTS 5.5/TOELF 500, trong khi sinh viên đã có chứng chỉ TEG Cấp độ 4 là hết sức mâu thuẫn với chính sách của nhà trường.

Theo thông báo tuyển sinh của nhà trường, các sinh viên học xong năm nhất sẽ được nhận chứng chỉ tiếng Anh cấp độ 4 của Trường quốc tế TEG, Singapore. Để hoàn thành chứng chỉ với 4 cấp độ này, sinh viên phải đóng học phí trên 50 triệu đồng (Ảnh: NVCC)

Theo thông báo tuyển sinh của nhà trường, các sinh viên học xong năm nhất sẽ được nhận chứng chỉ tiếng Anh cấp độ 4 của Trường quốc tế TEG, Singapore. Để hoàn thành chứng chỉ với 4 cấp độ này, sinh viên phải đóng học phí trên 50 triệu đồng (Ảnh: NVCC)

Sinh viên Lưu Thị Phương Mai (ngành Quản trị Kinh doanh) cho hay, việc nhà trường giữ bằng tốt nghiệp đã ảnh hưởng đến danh dự và công việc của hơn 30 sinh viên.

"Chúng tôi theo học chương trình, tổng học phí các loại hết gần 400 triệu đồng. Trong khi các bạn cùng khóa được trao bằng tốt nghiệp bởi đã có chứng chỉ tiếng Anh theo yêu cầu của nhà trường, còn chúng tôi thì chỉ nhận được tờ giấy hoàn thành chương trình, điều này đã ảnh hưởng tới danh dự và khiến chúng tôi cảm thấy xấu hổ với gia đình, bạn bè mặc dù đây là lỗi của nhà trường.

Bên cạnh đó, việc không được nhận được bằng tốt nghiệp đã ảnh hưởng đến công việc của chúng tôi. Những công việc, cơ hội nghề nghiệp, hay những bạn đang có dự định học tiếp lên Thạc sỹ vì chưa có bằng nên đã bị lỡ", Mai chia sẻ.

Đối với vụ việc trên, sinh viên Phương Mai cho biết, các em đã gửi đơn phản ánh vụ việc lên Bộ Giáo dục và Đào tạo vào ngày 13/9 nhưng đến ngày 27/9 vẫn chưa nhận được văn bản phản hồi.

Bên cạnh đó, nhóm sinh viên cũng gửi đơn đến cơ quan chức năng về việc Viện đào tạo Quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) thu tiền học phí của sinh viên thông qua tài khoản cá nhân của chủ thẻ là V.M.H. - Kế toán Viện đào tạo Quốc tế. Sinh viên đặt câu hỏi, việc này có vi phạm các quy định pháp luật về quản lý tài chính?.

Tin nhắn thông báo từ cán bộ quản lý sinh viên nhà trường đến đối tượng học lại tiếng Anh cấp độ 3, đề nghị chuyển phí 10 triệu đồng vào số tài khoản của bà V.M.H (Ảnh: NVCC)

Tin nhắn thông báo từ cán bộ quản lý sinh viên nhà trường đến đối tượng học lại tiếng Anh cấp độ 3, đề nghị chuyển phí 10 triệu đồng vào số tài khoản của bà V.M.H (Ảnh: NVCC)

Để làm rõ những thắc mắc của sinh viên và có thông tin khách quan nhất liên quan đến vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên lạc và gửi giấy giới thiệu tại văn phòng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vào ngày 9/9. Tuy nhiên, sau đó khoảng 2 tuần, nhà trường vẫn không có liên hệ để thông tin về sự việc trên.

Phóng viên gọi điện nhắn tin cho Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng vị này không trả lời.

Tiếp đó, phóng viên nhắn nội dung liên quan đến vụ việc tới Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, vị này cho biết trong tuần (19-23/9) nhà trường sẽ có thông tin về vụ việc trên nhưng sau đó phóng viên không nhận được thông tin như Hiệu trưởng hứa hẹn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại điểm d khoản 3 Điều 16, Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ: " d, Trình độ ngoại ngữ: Đối tượng tuyển sinh trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam ít nhất phải có trình độ Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương; trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và trường hợp đồng thời cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, đối tượng tuyển sinh ít nhất phải có trình độ Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương, đối với đối tượng tuyển sinh các chương trình liên kết đào tạo nhóm ngành ngôn ngữ nước ngoài thì yêu cầu về ngoại ngữ theo quy định của cơ sở giáo dục nước ngoài;

đ) Căn cứ nhu cầu của người học, các cơ sở giáo dục liên kết có thể tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ giúp học viên đạt trình độ quy định tại điểm d khoản này trước khi tổ chức giảng dạy chính khóa".

Vậy, sau khi sinh viên học xong toàn khóa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới yêu cầu về trình độ ngoại ngữ có đúng với quy định tại Nghị định 86 không? Điều này rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ.

Mạnh Đoàn