Chứng chỉ bồi dưỡng môn KHTN học 3 tháng là có, sợ nhất học sinh hỏi mà GV lơ mơ

27/09/2022 06:32
Phạm Linh
GDVN- Một giáo viên dù có gần 20 năm kinh nghiệm giảng dạy nhưng khi được giao dạy môn KHTN đã sợ rằng học sinh hỏi kiến thức nắm không chắc sẽ thiếu tự tin.

Nhà trường gặp khó khi bố trí giáo viên

Năm học 2022 – 2023 là năm thứ hai cấp trung học cơ sở thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Dù đã có 1 năm kinh nghiệm triển khai đối với khối lớp 6 nhưng đến năm học này, các trường vẫn không khỏi loay hoay trong việc bố trí giáo viên dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học); Lịch sử và Địa lý (tích hợp 2 môn Lịch sử và Địa Lý) đối với lớp 7.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hải Phòng, khi bước sang năm thứ 2 thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trường có khá nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn.

Thuận lợi ở chỗ đội ngũ giáo viên được tập huấn bồi dưỡng chuyên môn để tháo gỡ khó khăn khi dạy học các môn thay sách. Vì thế, sau 1 năm, giáo viên nhà trường đã dần quen với phương pháp dạy học của các bộ sách mới.

Bên cạnh đó, chương trình mới hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực học sinh có nội dung kiến thức gần gũi với cuộc sống nên tạo sự hứng thú cho giáo viên và học sinh.

Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn với nhà trường ở thời điểm này. Đầu tiên phải kể đến việc bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp.

Năm học 2021-2022 trường này bố trí 2 đến 3 giáo viên dạy 1 môn tích hợp (giáo viên được đào tạo môn nào phụ trách dạy phân môn đó).

Tuy nhiên do có nhiều bất cập liên quan đến cấu trúc chương trình và số tiết thực dạy trong tuần của giáo viên nên năm học 2022 – 2023, nhà trường đã bố trí một giáo viên dạy môn tích hợp.

Lãnh đạo này cho biết: “Không riêng ở trường tôi mà nhiều trường khác ở địa phương cũng chia sẻ khó khăn về việc đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo dạy học tích hợp nên rất khó khi sắp xếp chuyên môn cũng như đảm bảo chất lượng, hiệu quả giảng dạy.

Như ở môn Nghệ thuật đòi hỏi giáo viên không chỉ có kiến thức mà còn có năng khiếu. Nhưng thực tế giáo viên hát hay chưa chắc đã vẽ đẹp còn giáo viên vẽ đẹp khó có thể thẩm âm, hát hay.

Vì vậy giáo viên dạy môn Nghệ thuật khó giảng dạy tốt ở cả 2 phân môn trên.

Còn ở môn học Hoạt động trải nghiệm, giáo viên chủ nhiệm tăng áp lực công việc khi họ phải đảm đương cả các tiết ngoài giờ lên lớp và hoạt động trải nghiệm.

Trong khi đó việc tính tiết cho giáo viên chủ nhiệm khi đảm nhiệm thêm việc dạy học hoạt động trải nghiệm chưa có quy định rõ ràng.

Để chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, nhà trường đã cử 4 thầy cô tham gia bồi dưỡng các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Hiện tại các thầy cô đã hoàn thành đăng kí học và sắp tham gia bồi dưỡng theo quy định.

Tuy nhiên, thời gian các đợt tập huấn còn ít trong khi chương trình môn học mới nhiều nội dung nên mất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi.

Theo đó, một giáo viên môn tích hợp sẽ gặp khó khăn với phân môn chưa được đào tạo, việc truyền thụ kiến thức chưa được sâu rộng.

Không riêng giáo viên, học sinh khi tiếp cận môn học tích hợp cũng gặp khó khăn. Ví dụ đối với môn Khoa học tự nhiên, sách thiết kế theo nội dung Hóa – Lí – Sinh, học sinh học cuốn chiếu nên khó nhớ kiến thức khi mới ở độ tuổi từ 11 -15”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc bố trí giáo viên dạy tích hợp, nhà trường có gặp tình trạng giáo viên dôi dư hay không? Nếu có, nhà trường bố trí như thế nào? Lãnh đạo nhà trường cho biết: “Hiện tại, nhà trường còn đang thiếu đội ngũ nên chưa gặp tình trạng thừa giáo viên.

Để tránh tình trạng đó, nhà trường đã chủ động cử giáo viên ở các môn có nguy cơ thừa tham gia bồi dưỡng để dạy môn tích hợp.

Đồng thời, nhà trường cũng bố trí các giáo viên này kiêm nhiệm thêm 1 số mảng việc ở các vị trí nhân viên hiện còn thiếu. Đó là giải pháp để chống nguy cơ thừa giáo viên do dạy học tích hợp’’.

Dù đã có 1 năm kinh nghiệm triển khai đối với khối lớp 6 nhưng đến năm học này, các nhà trường vẫn không khỏi loay hoay trong việc bố trí giáo viên dạy môn tích hợp đối với lớp 7 (Ảnh minh hoạ: Giaoduc.net.vn)

Dù đã có 1 năm kinh nghiệm triển khai đối với khối lớp 6 nhưng đến năm học này, các nhà trường vẫn không khỏi loay hoay trong việc bố trí giáo viên dạy môn tích hợp đối với lớp 7 (Ảnh minh hoạ: Giaoduc.net.vn)

Giáo viên thiếu tự tin khi đứng trước học sinh

Chia sẻ cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo H. (nhân vật đề nghị nêu tên) cho biết: “Năm học trước, trường tôi sắp xếp 2, 3 giáo viên cùng dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, đến phân môn của ai thì người đó dạy.

Tuy nhiên, năm học 2022 – 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu dạy theo cấu trúc của sách giáo khoa.

Nếu một người đầu năm học dạy Hoá có thể kéo theo tất cả các lớp học Hoá. Số tiết của một giáo viên sẽ quá tải, không sắp xếp được thời gian nên bắt buộc phải chia ra giáo viên nhận lớp, trong đó giáo viên kiểu gì cũng bị dạy chéo so với phân môn đã được đào tạo.

Thực tế ở địa phương và ở trường nơi tôi công tác, giáo viên trung học cơ sở hầu hết được đào tạo hệ Cao đẳng gồm hai môn Hóa – Sinh, Thể dục – Sinh, Hóa – Lý; Toán – Lý,…sau đó học lên hệ đại học.

Trong khi đó, môn tích hợp Khoa học tự nhiên dạy cả ba phân môn Lý – Hóa – Sinh nên nhiều giáo viên buộc phải dạy chéo một hoặc hai phân môn.

Như bản thân tôi trước khi có chương trình mới đang giảng dạy môn Hoá – Sinh nên bị chéo phân môn Lý còn có hai giáo viên khác ở trường lại được đào tạo dạy Sinh – Thể dục nên sẽ bị chéo 2 phân môn Hoá học – Vật lý. Đây là chỗ rất bất cập hiện nay.

Với chương trình mới, ngay cả khi được đào tạo chính phân môn, giáo viên vẫn cần cập nhập kiến thức để đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Ví dụ tôi dạy bộ môn Hóa học quen gọi tên nguyên tố theo cách gọi thông thường nhưng theo chương trình mới sẽ gọi tên theo danh pháp IUPAC nên cần phải cập nhật từ cách phát âm, đến sự thay đổi tên gọi của nguyên tố hóa học.

Như vậy, kiến thức môn chéo phân môn sau nhiều năm không tìm hiểu, trau dồi khiến giáo viên gặp rất nhiều khó khăn khi lên lớp. Thậm chí chúng tôi còn cảm thấy thiếu tự tin khi đứng trước học sinh!

Mỗi giờ lên lớp lại sợ học sinh hỏi các câu hỏi liên quan mà bản thân còn lơ mơ, không chắc kiến thức, thậm chí có nội dung không trả lời được.

Với vai trò là người truyền thụ kiến thức mà không có sự nghiên cứu chuyên sâu sẽ rất khó đảm bảo chất lượng của bộ môn.

Từ nhiều năm nay, ở địa phương nơi tôi đang giảng dạy mới có 1 đợt biên chế giáo viên các môn khoa học tự nhiên.

Theo đó, đa số giáo viên khoa học tự nhiên trên ngưỡng 40 tuổi. Ở ngưỡng tuổi này, việc học tập bồi dưỡng lấy chứng chỉ môn Khoa học tự nhiên chỉ là giải pháp nhằm hợp thức hóa trên giấy tờ. Giáo viên ở đội tuổi này rất học khó nhập tâm và lĩnh hội kiến thức.

Mặt khác, giáo viên vừa tham gia công tác giảng dạy, phải đảm bảo chỉ tiêu chất lượng đề ra, vừa tham gia học tập bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên nên cũng không thể toàn tâm, toàn ý cho việc học tập lĩnh hội kiến thức”.

Cô giáo H. nhấn mạnh: “Dù là thiếu giáo viên hay giáo viên dạy chéo phân môn thì người thiệt thòi nhất là học sinh. Đặc biệt là các em có năng khiếu nhưng chưa có điều kiện được giáo viên chính ban dẫn dắt.

Mặc dù giáo viên được phân công dạy môn tích hợp đều phải tham gia tập huấn, nghiên cứu chương trình tuy nhiên độ chuyên sâu không thể bằng giáo viên chính ban được.

Bên cạnh đó, cấu trúc sách viết theo kiểu cuốn chiếu, hết phân môn Hóa học, đến phân môn Vật lý và cuối cùng là Sinh học dẫn đến tình trạng nhiều em học sang phân môn này lại quên kiến thức phân môn khác.

Ví dụ, đầu năm học lớp 6 học Hóa học, sau đó đến đầu năm học lớp 7 các em mới học phân môn này. Với độ tuổi từ 11-12 thì khó có thể nhớ các kiến thức khi ngắt quãng 1 năm mới học lại”.

Phạm Linh