Điều tra, xử lý dịch khi có chùm ca bệnh Adenovirus tại cộng đồng, trường học

30/09/2022 12:47
Lam An
GDVN- CDC Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động giám sát bệnh Adenovirus khi 30/30 quận huyện đều ghi nhận ca mắc.

Theo đánh giá của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, hiện nay, thời tiết tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn giao mùa thu - đông, là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát và lây lan của các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có bệnh do Adenovirus.

CDC Hà Nội vừa có văn bản số 2170/KSBT-PCBTN về việc tăng cường giám sát và phòng, chống bệnh do Adenovirus, gửi Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã.

Bệnh nhi mắc Adenovirus tăng cao trong thời gian gần đây. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Bệnh nhi mắc Adenovirus tăng cao trong thời gian gần đây. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh do Adenovirus trên địa bàn thành phố, CDC Hà Nội đề nghị, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện ca bệnh tại cộng đồng, các phòng khám, bệnh viện tư nhân và tại các cơ sở y tế được phân cấp đóng trên địa bàn.

Đặc biệt, tập trung giám sát tại các khoa khám bệnh, khoa nhi, khoa truyền nhiễm tại các bệnh viện, đảm bảo tần suất tối thiểu 3 lần/tuần để thu thập thông tin về tình hình bệnh nhân Adenovirus đến khám và điều trị.

Theo CDC Hà Nội, tại Hà Nội, bệnh nhân mắc Adenovirus phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, một số đơn vị ghi nhận số mắc cao như: Long Biên (147 ca), Hà Đông (87 ca), Nam Từ Liêm (82 ca), Hoàng Mai (75 ca), đồng thời, đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong tại 3 quận, huyện: Mỹ Đức, Phú Xuyên, Tây Hồ.

Điều tra dịch tễ, xử lý dịch khi ghi nhận các chùm ca bệnh tại cộng đồng, trường học

CDC Hà Nội yêu cầu Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phải tổ chức ngay các hoạt động điều tra dịch tễ, xử lý dịch khi ghi nhận các chùm ca bệnh tại cộng đồng, trường học. Đồng thời, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ số mắc, số tử vong hằng tháng trên hệ thống báo cáo trực tuyến theo quy định.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động tuyên truyền phòng, chống bệnh do Adenovirus, trong đó, tập trung vào các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, che mũi miệng khi ho, hắt hơi, không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh…

Trước đó, ngày 26/9, trước số lượng ca mắc Adenovirus phải nhập viện tăng cao, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm Adenovirus.

Thực hiện tốt công tác phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Trong trường hợp phát sinh lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh phải tiến hành xử lý quyết liệt.

Adenovius có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi

Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây cho biết, từ tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh Adeno dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương gia tăng đột biến.

Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang, viêm não, màng não,…

Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người.

Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh.

Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.

Lam An