Chi tiết những lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Việt Nam

04/10/2022 06:54
Linh Anh
GDVN-SGK chương trình 2006 có giá bán rẻ bởi có nguồn vốn vay của WB, đồng thời vì tập trung vào một bộ sách cho cả nước, số bản in lớn, nên chi phí thấp.

Để cung cấp tới độc giả những thông tin căn bản về việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa của Việt Nam qua từng lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liệt kê lại từng giai đoạn mà báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu:

Một là, thời kì loại bỏ giáo dục thực dân, đặt nền móng, tạo tiền đề quan trọng trong việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa của nền giáo dục cách mạng

Sau Cách mạng Tám năm 1945, Đảng và Chính phủ đã chú ý ngay đến việc cải cách giáo dục, nhưng do tập trung vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đến tháng 7/1950, Hội đồng Chính phủ mới thông qua để án cải cách giáo dục, với mục tiêu loại bỏ nền giáo dục thực dân, xây dựng nền giáo dục dân chủ nhân dân.

Theo đó, hệ thống giáo dục thực dân hệ 12 năm và hệ thống phân ban tú tài nội địa hệ 10 năm đều được chuyển sang hệ 9 năm, theo cấu trúc ba cấp học: Cấp 1: 4 năm; Cấp 2: 3 năm; Cấp 3: 2 năm; thực hiện chương trình mới với nguyên lí đại chúng, dân tộc, khoa học.

Để biên soạn sách giáo khoa cho chương trình 9 năm, tháng 7/1950, Bộ Giáo dục đã thành lập Trại Tu thư để biên soạn sách giáo khoa tại Đào Dã, Phú Thọ.

Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng ác liệt, Trại sách không hoạt động liên tục, nhưng đến năm 1952, với tinh thần nỗ lực cao và khẩn trương, Trại sách đã hoàn thành biên soạn lại toàn bộ sách giáo khoa cấp 1 theo chương trình mới. Các sách giáo khoa cấp 2, cấp 3 biên soạn được một số tài liệu về Lịch sử, Chính trị, Giáo dục công dân.

Với nền giáo dục cách mạng non trẻ, trong điều kiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn gian khổ, ngành Giáo dục khi ấy đã có nhiều cố gắng biên soạn sách giáo khoa hệ 9 năm. Đây là thời kì ngành Giáo dục đã đạt được những thành quả, tiền đề đầu tiên trong việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa của nền giáo dục cách mạng.

Hai là, đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần thứ nhất (1956 – 1975): chuyển hệ giáo dục 9 năm thành hệ giáo dục 10 năm

Về cuộc cải cách giáo dục từ năm 1956 đến năm 1975, tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, theo Nghị định 596 ngày 30/8/1956 “ban hành quy chế trường phổ thông 10 năm” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, các trường phổ thông thực hiện dạy học theo hệ 10 năm, chia làm 3 cấp học: Cấp 1: 4 năm, từ lớp 1 đến lớp 4; Cấp 2: 3 năm, từ lớp 5 đến lớp 7 và Cấp 3: 3 năm, từ lớp 8 đến lớp 10. Lần cải cách này, chương trình, sách giáo khoa có nhiều nội dung học tập chương trình, sách giáo khoa các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Để phục vụ cho việc chuyển hệ giáo dục 9 năm thành hệ giáo dục 10 năm, sách giáo khoa đã được tổ chức biên soạn, biên tập lại cho phù hợp. Việc biên soạn, biên tập sách giáo khoa do Ban Tu thư của Bộ Giáo dục đảm nhiệm.

Để xuất bản sách giáo khoa, ngày 1/6/1957, Nhà xuất bản Giáo dục được Bộ Giáo dục thành lập, được coi như một phòng của Bộ nhưng đồng thời lại được cho phép “hoạt động dưới hình thức một doanh nghiệp quốc gia”.

Ảnh minh hoạ: Thế Đại

Ảnh minh hoạ: Thế Đại

Thời gian đầu, Nhà xuất bản Giáo dục chưa có bộ phận biên tập bởi chủ yếu làm công tác điều hành việc in tái bản sách giáo khoa do Ban Tu thư đã từng in hoặc tiếp nhận các bản thảo mới do Ban Tu thư tổ chức biên soạn, biên tập và xử lí những khâu tiếp theo để hoàn thiện việc in ấn. Tuy nhiên qua thực tiễn, sách giáo khoa do Ban Tu thư tái bản hàng năm vẫn cần tiếp tục có những chỉnh lí, sửa chữa. Và do đó, đến năm 1960, khi chuyển trụ sở từ 11 Lê Đại Hành về 81 Trần Hưng Đạo, Nhà xuất bản Giáo dục đã có thêm Bộ phận biên tập nội dung.

Đến những năm 1964 – 1970, Nhà xuất bản Giáo dục được giao chủ động trong việc tổ chức biên soạn và biên tập bản thảo, tổ chức lấy ý kiến và mời tác giả chỉnh lí sách giáo khoa do Ban Tu thư biên soạn và đồng thời tổ chức biên soạn sách của một số môn còn thiếu hoặc cần biên soạn lại.

Năm 1972, khi có Chỉ thị của Trung ương “về việc chi viện cho B về giáo dục”, Bộ Giáo dục ra Quyết định số 385/QĐ ngày 19/7/1972, thành lập Ban Chương trình và sách giáo khoa B (Trại sách B) trực thuộc Bộ.

Về công tác phát hành sách giáo khoa trong khoảng thời gian từ những năm 1957 đến 1963, nghị định 398/NĐ đã giao nhiệm vụ phát hành sách, báo của ngành Giáo dục cho Nhà xuất bản Giáo dục, song do cơ chế, việc phát hành vẫn phải thông qua kênh phát hành của Bộ Văn hoá. Để phát hành trực tiếp lúc đó, Nhà xuất bản Giáo dục chỉ được mở hai cửa hàng bán sách đại học và sách tham khảo tại Hà Nội, Vinh và các quầy nhỏ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Vinh, Trường Đại học Bách khoa…

Ngày 25/7/1967 Thủ tướng Chính phủ kí Quyết định 132 TTg-Vg về giao việc in và phát hành sách giáo khoa cho Bộ Giáo dục phụ trách.

Từ Quyết định 132 đã dẫn đến Quyết định 254/QĐ ngày 12/4/1969 thành lập Cục Xuất bản – Bộ Giáo dục, Quyết định thành lập Công ty Phát hành sách giáo khoa Trung ương số 1 trực thuộc Cục Xuất bản.

Sau khi Cục Xuất bản thành lập được hai năm, Bộ Giáo dục quyết định sáp nhập Nhà xuất bản Giáo dục vào Cục. Từ đó, tháng 9/1971, Bộ Giáo dục quyết định chuyển giao việc tổ chức biên soạn nhiều mảng sách quan trọng cho các Cục, Vụ, Viện, như sách sư phạm giao cho Cục Đào tạo và Bồi dưỡng, sách phổ thông giao cho Viện Khoa học giáo dục, sách bổ túc giao cho Vụ Bổ túc văn hoá. Nhà xuất bản Giáo dục làm nhiệm vụ rà soát bản thảo do các Cục, Vụ, Viện chuyển sang và tổ chức xuất bản.

Ba là, đổi mới chương trình sách giáo khoa lần thứ hai (1976 – 2000): hợp nhất hệ thống giáo dục hai miền Bắc – Nam

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, với chủ trương “xúc tiến việc chuẩn bị thực hiện Cải cách giáo dục theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị”, ngày 4/12/1975, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định 219/CP “Giao cho Bộ Giáo dục nhiệm vụ tổ chức biên soạn sách giáo khoa và sách hướng dẫn giảng dạy các bộ môn theo Chương trình Cải cách giáo dục cho tất cả các lớp từ vỡ lòng đến hết cấp phổ thông trung học (kể cả sách bổ túc văn hoá cho người lớn tuổi)”. Đây là việc cấp bách nhằm thống nhất hai hệ thống giáo dục ở hai miền Bắc – Nam.

Thực hiện quyết định đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã ra Quyết định 410/QĐ “thành lập Trung tâm biên soạn sách Cải cách giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục”.

Dưới sự lãnh đạo của Bộ Giáo dục, Viện Khoa học giáo dục cùng với các Vụ, Cục chỉ đạo các ngành học phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục và Trung tâm biên soạn sách Cải cách giáo dục chỉnh lí sách giáo khoa B, biên soạn những tài liệu sửa đổi bổ sung cần thiết vào các sách giáo khoa phổ thông ở cả hai miền cho phù hợp với hệ thống giáo dục thống nhất ở cả nước.

Trong giai đoạn đầu sau khi thống nhất hai miền Nam - Bắc, từ 1976 - 1981, trong khi chưa có chương trình, sách giáo khoa dùng chung, miền Bắc tiếp tục chương trình 10 năm và miền Nam tiếp tục chương trình 12 năm.

Để đáp ứng yêu cầu của lần cải cách giáo dục, ngày 24/8/1977, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã ra quyết định số 1075/QĐ tách Nhà xuất bản Giáo dục ra khỏi Cục Xuất bản Bộ Giáo dục. Theo đó, Nhà xuất bản Giáo dục không chỉ biên tập mà còn tổ chức biên soạn các loại sách của Bộ.

Trong lần này, cũng tiến hành hợp nhất Nhà xuất bản Giáo dục và Trung tâm biên soạn sách cải cách giáo dục diễn ra vào 7/1/1978 tại 197 Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội.

Qua nhiều khâu chuẩn bị, sau một thời gian khá dài, tới năm học 1981 – 1982, mới thực hiện được việc thay sách Cải cách giáo dục ở lớp 1 trên toàn quốc.

Bên cạnh những thành công thì những bài toán “sao”, việc trích dùng thơ văn của sách Học vần, nhất là vấn đề kiểu chữ viết trong sách Tập viết gây ra những cuộc tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Nhận thấy việc biên soạn sách giáo khoa nhiều khó khăn, không đơn giản, cần có sự chỉ đạo tập trung và trực tiếp, Bộ Giáo dục đã ra 3 quyết định: Quyết định 722/QĐ ngày 11/8/1983, thành lập trại biên soạn sách cải cách giáo dục; Quyết định 934/QĐ ngày 13/9/1983 bổ sung cán bộ vào Ban phụ trách trại và Quyết định 209/QĐ ngày 27/2/1985 thành lập Ban phụ trách mới của trại.

Ban phụ trách trại có 11 thành viên thì có 5 thành viên là cán bộ Nhà xuất bản Giáo dục. Trong những năm thay sách từ 1981 – 1988, Nhà xuất bản Giáo dục đã tiếp nhận chương trình do Viện Khoa học giáo dục xây dựng, căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch biên soạn sách giáo khoa trình Bộ duyệt, đề nghị danh sách tác giả trình Bộ duyệt, tổ chức biên soạn bản thảo, đảm nhiệm các chi phí biên soạn.

Giai đoạn bắt đầu làm sách trung học phổ thông, ngày 23/2/1989, Bộ Giáo dục ra quyết định số 95/QĐ về việc thành lập “Trại biên soạn sách giáo khoa” trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục.

Nhiệm vụ của Trại là hoàn thành việc biên soạn các môn còn thiếu ở tiểu học là Đạo đức, Mĩ thuật, Hát nhạc, hoàn thành biên soạn sách cải cách giáo dục hai lớp còn lại của cấp trung học cơ sở, hoàn thành biên soạn, xuất bản bộ sách trung học phổ thông trong ba năm (1989 - 1991), chuẩn bị làm sách thí điểm trung học phổ thông phân ban, hoàn thành và xuất bản bộ sách 100 tuần, 120 tuần, bộ sách dạy tiếng Mông và tiếp tục xuất bản các giáo trình đại học sư phạm.

Với tư tưởng tạo điều kiện cho học sinh trung học phổ thông có cơ hội được lựa chọn và được học bộ sách giáo khoa phù hợp, nâng cao chất lượng học tập, Bộ chỉ đạo việc làm nhiều bộ sách giáo khoa đối với hai môn Văn và Toán.

Sách giáo khoa Văn làm hai bộ, một bộ giao cho Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I và một bộ giao cho Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì biên soạn.

Sách giáo khoa Toán làm 3 bộ, một bộ giao cho Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm I, một bộ giao cho Viện Khoa học giáo dục, một bộ mời Hội Toán học Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì biên soạn.

Các bộ sách giáo khoa Toán và Văn trung học phổ thông đó đã được sử dụng đồng thời trong 10 năm, đến năm 2000, theo Nghị quyết của Quốc hội đã được chỉnh lí hợp nhất lại thành 1 bộ.

Đến năm 1992, biên soạn xong sách giáo khoa 12 lớp.

Về việc phát hành sách giáo khoa có một số thông tin đáng lưu ý:

Ngay từ đầu năm 1976, Thủ tướng đã ra Quyết định số 41/TTg về việc tổ chức những tủ sách dùng chung cho học sinh các trường phổ thông và bổ túc văn hoá tập trung. Điều 1 của Quyết định ghi rõ: “Từ năm học 1976 – 1977, Ngân sách Nhà nước sẽ cấp kinh phí cho các lớp vỡ lòng, các trường phổ thông và bổ túc văn hoá tập trung để tổ chức những tủ sách giáo khoa dùng chung cho học sinh mượn học tập”. Điều 2 yêu cầu “bảo đảm” cho “tất cả học sinh đều có đủ sách học”.

Tiếp theo đó, hàng loạt quyết định, quy chế, chỉ thị,… của Hội đồng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục về vấn đề thư viện đã được ban hành: Quyết định 243/CP ngày 28/6/1979 về biên chế thư viện, Quyết định số 947/QĐ ngày 31/7/1979 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về quy chế tổ chức và hoạt động của thư viện, Chỉ thị số 27/CT ngày 4/8/1979 về việc tăng cường công tác phát hành sách giáo khoa và công tác thư viện trường học,…

Những quyết định, chỉ thị nêu trên đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước với giáo dục. Tuy nhiên sau một thời gian cho thấy, Nhà nước không đủ kinh phí trang bị sách cho tất cả thư viện trường học trong cả nước để đáp ứng nhu cầu mượn học tập của tất cả học sinh và mặt khác, một bộ phận nhân dân có nhu cầu và khả năng tự mua sách. Do đó, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 57/CT về phương thức phân phối sách giáo khoa.

Theo đó từ năm học 1981 – 1982, ngành Giáo dục được thay đổi phương thức phân phối sách giáo khoa quy định tại quyết định 41/TTg của Thủ tướng Chính phủ bằng cách tổ chức “cho mượn, cho thuê và bán sách cho học sinh dùng riêng”. Quyết định giao cho Uỷ ban Vật giá Nhà nước phối hợp với Bộ Giáo dục, Bộ Văn hoá, Bộ Tài chính quy định giá bán lẻ cơ bản cho sách giáo khoa để áp dụng thống nhất trong cả nước. Đây là sự chấp nhận cơ chế thị trường trong lĩnh vực sách giáo khoa.

Ngày 17/11/1987, văn phòng Hội đồng Bộ trưởng ra thông báo số 1324/V9 truyền đạt quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về giá bán sách giáo khoa theo giá hạch toán không bù lỗ.

Ngày 23/11/1987, văn phòng Hội đồng Bộ trưởng ra thông báo số 1350/V9 giao cho Bộ Giáo dục quản lí toàn bộ khối lượng giấy in sách giáo khoa hằng năm và tiếp đó, ngày 18/12/1987, Bộ trưởng Bộ Giáo dục ra văn bản số 2572/TCCB giao cho Nhà xuất bản Giáo dục đảm nhiệm việc thực hiện nội dung thông báo số 1350/V9 của Chính phủ. Nói cách khác, Bộ Giáo dục đã giao cho Nhà xuất bản Giáo dục quản lí toàn bộ giấy in sách giáo khoa.

Thông tư số V5/VP ngày 10/7/1990 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục hướng dẫn thực hiện phương thức phát hành sách giáo khoa và tổ chức thư viện trong các trường phổ thông. Thông tư yêu cầu các địa phương thực hiện tốt phương châm “Đẩy mạnh việc bán lẻ sách giáo khoa cho học sinh dùng bên cạnh việc củng cố kho sách giáo khoa trong thư viện để cho học sinh thuê hoặc mượn, phục vụ tốt việc dạy và học trong nhà trường”.

Tiếp đó, Thông tư liên Bộ Tài chính - Giáo dục Đào tạo số 30 TT-LB ngày 26/2/1990 hướng dẫn việc quản lí vốn sự nghiệp đầu tư cho giáo dục phổ thông, trong đó quy định “dành tối thiểu từ 8 - 10% tổng ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục phổ thông mầm non, phổ thông cấp I, II, III, Bổ túc văn hoá hằng năm để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa và các thiết bị cho trường học nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học cho nhà trường”. Nhờ thông tư này mà thư viện trường học nhiều tỉnh đã khởi sắc.

Những năm 90, Nhà xuất bản Giáo dục được phép của Chính phủ được vay một số tiền lớn của Ngân hàng Thế giới để tăng cường khả năng làm bản thảo, in ấn và phát hành sách giáo khoa, 10 năm đầu không phải trả lãi và 30 năm sau chỉ phải trả lãi suất rất thấp (0,06%/ tháng).

Qua lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần thứ ba có thể thấy, sách giáo khoa đã trở thành một sản phẩm trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, Nhà nước cũng đã nhận thấy, bên cạnh việc bán sách giáo khoa vẫn cần có sự hỗ trợ cho những học sinh không có điều kiện mua sách giáo khoa bằng cách cung cấp ngân sách để các thư viện trường học mua sắm sách giáo khoa cho học sinh thuê mượn. Đây là một điểm rất đáng lưu ý trong giai đoạn này. Tuy nhiên, việc cấp kinh phí ra sao cho phù hợp với sức chi trả của ngân sách nhà nước để đảm bảo được tính “dài hơi” của chính sách thì cần phải tính toán cân nhắc kĩ lưỡng.

Bốn là, đổi mới chương trình sách giáo khoa lần thứ ba (2002 – 2008) theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội “Đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”

Giai đoạn này có sự kiện đáng chú ý tác động tích cực đến việc làm sách giáo khoa mới theo chương trình 2000, đó là tháng 5 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 102/2003/QĐ-TTG về việc thí điểm chuyển Nhà xuất bản Giáo dục sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định 3961/QĐ-BGDĐT về việc tổ chức lại Nhà xuất bản Giáo dục thành Công ty mẹ - Công ty con.

Theo chỉ đạo của Bộ, Nhà xuất bản Giáo dục đã thực hiện việc biên soạn và xuất bản theo hình thức cuốn chiếu sách giáo khoa, từ năm 2002 trở đi thực hiện sách giáo khoa mới ở các lớp 1 - lớp 6; 2003 là lớp 2 - lớp 7; 2004 là lớp 3 - lớp 8; 2005 là lớp 4 - lớp 9; 2006 là lớp 5...

Ảnh minh hoạ: Thế Đại

Ảnh minh hoạ: Thế Đại

Và theo lộ trình ở trên, đến năm 2006 đã hoàn thành việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến lớp 9 theo Nghị quyết 40 của Quốc hội. Việc biên soạn sách giáo khoa lần này được triển khai theo chương trình khung năm 2000, và đến năm 2006, sau khi hoàn thành việc xuất bản sách giáo khoa từ lớp 1 - 9 thì chương trình chi tiết cũng mới được hoàn thành và được in xuất bản thành tài liệu chính thức. Nên cũng vì thế, chương trình 2000 còn được gọi là chương trình 2006.

Đầu tháng 1/2006, Hội đồng quốc gia giáo dục và Chính phủ mới có quyết định về việc phân ban ở cấp trung học phổ thông (Ban Khoa học cơ bản, Ban Khoa học tự nhiên và Ban Khoa học xã hội và nhân văn) đồng thời yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục hoàn thành việc in xuất bản sách giáo khoa lớp 10 dùng cho 3 ban để kịp thời phục vụ cho đợt tập huấn bồi dưỡng giáo viên dạy sách giáo khoa lớp 10 trước ngày khai giảng năm học mới 2006 - 2007.

Theo đó, đến năm 2008, Bộ Giáo dục chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục hoàn thành việc biên soạn xuất bản sách giáo khoa 12 lớp theo Nghị quyết 40 của Quốc hội.

Việc phát hành sách giáo khoa trong lần này được thực hiện theo cơ chế thị trường, bên cạnh việc sách giáo khoa được ngân sách nhà nước cấp phát cho một số học sinh vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, phần lớn còn lại, phụ huynh học sinh tự mua sách giáo khoa cho con em dùng đi học.

Giá sách giáo khoa có giá bán rẻ bởi có nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới, đồng thời vì chỉ tập trung đầu tư vào một bộ sách cho cả nước, số bản in lớn, nên chi phí tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, nhuận bút... phân bổ trên một bản sách giáo khoa thấp.

Năm là, đổi mới chương trình sách giáo khoa lần thứ tư (2013 đến nay) theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo của Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa nên sách giáo khoa lần này được biên soạn xuất bản theo chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa, bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa. Theo đó, từ năm 2017 đã có thêm nhiều Nhà xuất bản được cấp phép xuất bản sách giáo khoa.

Tháng 12/ 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Năm 2019, Bộ thành lập các hội đồng quốc gia thẩm định để thẩm định các bộ sách giáo khoa lớp 1, từ năm học 2020 - 2021 toàn quốc đã có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được đưa vào sử dụng: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) và bộ Cánh Diều (của Công ty Cổ phần VEPIC kết hợp với một số nhà xuất bản).

Từ đó cho đến nay, theo lộ trình, năm học 2020 - 2021 sách giáo khoa lớp 1; 2021 - 2022 sách giáo khoa lớp 2 - lớp 6; 2022 - 2023 sách giáo khoa lớp 3 - lớp 7 - lớp 10 đã được đưa vào nhà trường sử dụng đại trà.

Để tập trung các nguồn lực nâng cao chất lượng xuất bản sách giáo khoa, từ lớp 2 trở đi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hợp nhất 4 bộ chỉ còn 2 bộ sách là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Chân trời sáng tạo. Nên từ lớp 2, về cơ bản, các cơ sở giáo dục trong toàn quốc có 3 bộ sách để lựa chọn sử dụng là: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều.

Và hiện nay, sách giáo khoa mới đang tiếp tục lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc phát hành sách giáo khoa lần này cũng chủ yếu được thực hiện như giai đoạn ngay trước đó.

Linh Anh