Gian nan từ kết quả nghiên cứu ở phòng thí nghiệm đến sản xuất thương mại

05/10/2022 06:38
Doãn Nhàn
GDVN-Nếu không có các doanh nghiệp đứng bên cạnh các nhà khoa học thì các kết quả nghiên cứu khoa học rất khó được hiện thực hóa trong cuộc sống.

Hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các trường đại học ở nước ta đã có những thành công nhất định, tuy nhiên, nguồn thu từ các hoạt động này tại các các cơ sở giáo dục đại học còn rất khiêm tốn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Lê Nguyễn Đoan Khôi - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ nhận định rằng chuyển giao khoa học - công nghệ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Cần Thơ.

“Trường Đại học Cần Thơ hội tụ được đội ngũ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và người học hùng hậu; thực hiện nhiều đề tài/ dự án/ chương trình nghiên cứu khoa học (nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng); tạo ra kiến thức mới, quy trình khoa học kỹ thuật mới đã và đang giải quyết nhiều vấn đề khó khăn còn tồn tại trong thực tiễn cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển như vũ bão của xã hội ngày nay.

Tuy nhiên, để các quy trình công nghệ mới, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích,…đi vào thực tiễn, tạo ra giá trị phục vụ cộng đồng thì sự gắn kết, hợp tác và cùng phát triển của các bên liên quan bao gồm trường đại học - Doanh nghiệp - Chính quyền địa phương đặc biệt quan trọng.


Hàng năm thu về hơn trăm tỷ từ hoạt động khoa học công nghệ

Tổng hợp báo cáo tài chính công khai của trường Đại học Cần Thơ, nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ của trường trong vòng 5 năm qua (từ năm 2017-2021) so với mặt chung các trường đại học là khá lớn, dao động từ 106,6 tỷ đồng - 110,4 tỷ đồng.

Cụ thể như sau:

Trong bối cảnh chung khi thực tế ở nhiều trường đại học, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ đạt vài tỷ đồng/năm thì với doanh thu trên 100 tỷ đồng của Trường Đại học Cần Thơ là một con số khá lớn.

Chia sẻ với phóng viên, Phó giáo sư Lê Nguyễn Đoan Khôi cho biết Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đa dạng hóa nguồn thu hoạt động khoa học công nghệ thông qua triển khai các hoạt động khoa học công nghệ cấp quốc gia và cấp Bộ, nhận đơn đặt hàng của địa phương hay liên kết với các doanh nghiệp,...

Cụ thể, trong thời gian qua, Trường Đại học Cần Thơ đã tham gia thành công các hoạt động khoa học công nghệ cấp quốc gia và cấp Bộ như: Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2014-2019 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ”; Các chương trình, đề tài, dự án liên quan đến nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp; Các chương trình, dự án khác liên quan đến khả năng ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Theo Phó giáo sư Khôi, việc tiếp cận và tham gia thực hiện các nhiệm vụ thuộc Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tạo ra sự thúc đẩy phát triển lĩnh vực nghiên cứu cơ bản trong nhà trường nói riêng và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung.

“Với sự tham gia ngày càng nhiều các đề tài thuộc cả lĩnh vực tự nhiên và xã hội càng nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của các giảng viên, nghiên cứu viên đem lại càng nhiều kiến thức mới cho người học nâng cao chất lượng đào tạo của trường, phát triển xuất bản phẩm quốc tế góp phần tăng uy tính và phân hạng trường ở Việt Nam và quốc tế”.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Cần Thơ cũng đã triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học - công nghệ với các địa phương thông qua ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo theo nhu cầu, đặt hàng của địa phương: các tỉnh Miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, các địa phương trong, ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long,...

Cần có doanh nghiệp đứng bên cạnh các nhà khoa học

Năm 2021, hiệu quả từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Cần Thơ là 107,7 tỷ đồng - chiếm khoảng 8,9% nguồn doanh thu của trường. Theo Phó giáo sư Khôi, với tiềm lực của Trường Đại học Cần Thơ thì con số này vẫn chưa thực sự tương xứng.

Trong đó, một trong những nguyên nhân quan trọng chính là các sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa chưa cao. Theo tìm hiểu của phóng viên, các lĩnh vực nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ chủ yếu liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, do đó có đặc thù nghiên cứu là thời gian dài, trải qua nhiều mùa vụ cùng nghiên cứu thực tế tại trang trại với nông dân; Chính vì vậy tính bảo mật trong nghiên cứu không được đảm bảo, dẫn đến gặp khó trong việc thương mại hóa sản phẩm.

Trưởng phòng Quản lý Khoa học của trường Đại học Cần Thơ cho biết thêm rằng, từ kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho đến sản xuất thương mại là cả quá trình rất khó khăn, phức tạp. Nếu không có các doanh nghiệp đứng bên cạnh các nhà khoa học thì các kết quả nghiên cứu khoa học rất khó được hiện thực hiện hóa trong cuộc sống. Và như vậy sẽ lãng phí một lượng rất lớn các công trình nghiên cứu khoa học và có thể là những công nghệ giúp ích rất nhiều trong đời sống.

Ngoài ra, nguyên nhân khiến nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn hạn chế xuất phát từ những điều kiện chủ quan và khách quan của chính các nhà khoa học.

Cụ thể, Phó giáo sư Khôi cho biết về phía nhà khoa học, do thiếu điều kiện để triển khai các ý tưởng khoa học, triển khai thực nghiệm, hoàn thiện công nghệ từ các đề tài nghiên cứu và thiếu kinh phí để triển khai, thiếu thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp, nên hoạt động nghiên cứu chưa sát với nhu cầu của thực tế sản xuất, chưa tạo được lòng tin đối với các doanh nghiệp. Vì vậy, những kết quả nghiên cứu chưa được thương mại hóa, dẫn đến doanh thu từ các hoạt động chuyển giao công nghệ chưa cao, chưa thật xứng đáng với tiềm lực khoa học - công nghệ của trường.

Bên cạnh đó, việc chậm thương mại hóa các tài sản trí tuệ phần lớn là do chính bản thân các tác giả nghiên cứu, sáng chế chưa chủ động khai thác thương mại sản phẩm của mình.

“Thực tế cho thấy, sau khi hoàn thành đề tài, phần lớn các nhà nghiên cứu thường chuyển sang thực hiện các đề tài khác. Nghiên cứu đã được nghiệm thu thường không được chú ý khai thác các bước tiếp theo”, Trưởng phòng Quản lý Khoa học của Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ.

Lý giải thêm về hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ những năm gần đây không đạt hiệu quả tốt như những năm 2017, 2018, Phó giáo sư Khôi cho biết, số kinh phí có biến động qua các năm do nội dung nghiên cứu và sản phẩm đặt hàng của các địa phương khác nhau (26,805 tỷ đồng trong năm 2016; 42,610 tỷ đồng năm 2017; và 42,387 tỷ đồng năm 2018).

Đặc biệt, năm 2019, bên cạnh đề tài hợp tác địa phương có tổng kinh phí 23 tỷ đồng, Trường Đại học Cần Thơ có thêm 2 dự án nhận được kinh phí từ Quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng (Vintech Fund) với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng và năm 2020 trên 2 tỷ đồng.

“Điều này cũng thể hiện được tính tự chủ về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học: gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo, hợp tác quốc tế và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được phát huy và đạt hiệu quả ngày càng cao.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ 2019-2021, hoạt động triển khai trực tiếp đến địa phương và doanh nghiệp bị hạn chế”, thầy Khôi thông tin thêm.

Kiến nghị giải pháp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ trong trường đại học

Để hoàn thành nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm phục vụ hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cả nước, Phó giáo sư Khôi kiến nghị cho phép Trường Đại học Cần Thơ thực hiện và áp dụng một số cơ chế như sau:

Thứ nhất, được quyết định tham gia tuyển chọn nhiệm vụ khoa học - công nghệ của Bộ, ngành (ngoài Bộ chủ quản), quốc gia, nhà nước và nghị định chứ không phải thông qua bộ chủ quản;

Thứ hai, được tự chủ toàn diện tuyển chọn nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp bộ khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo phân giao và báo cáo Bộ chủ quản công nhận;

Thứ ba, được quyết định tiếp nhận hợp tác và triển khai hoạt động khoa học - công nghệ với các cá nhân, đối tác trong và ngoài nước chỉ báo cáo bộ chủ quản;

Thứ tư, các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ hợp tác quốc tế được tính tương đương nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ cấp Bộ, Tỉnh/thành phố;

Thứ năm, được đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các phòng thí nghiệm trọng điểm liên ngành, liên vùng hướng tới đẳng cấp quốc tế cho các ngành chuyên ngành đào tạo trọng điểm;

Thứ sáu, được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng cho trang thiết bị, dụng cụ hàng hóa từ các hoạt động khoa học - công nghệ hợp tác với nước ngoài chuyển đến trường (có xác nhận quà tặng, viện trợ) nhằm mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo;

Thứ bảy, được sử dụng tài sản, cơ sở vật chất và giá trị thương hiệu của trường Đại học Cần Thơ để liên doanh, liên kết thực hiện hoạt động khoa học - công nghệ trong và ngoài nước;

Thứ tám, được quyết định trong liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài gồm đào tạo trong nước hoặc đào tạo tại nước ngoài.

Thứ chín, được quyết định trong việc tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài gồm các viện trợ thông qua chương trình dự án và các viện trợ phi dự án nếu không có các nội dung về an ninh, quốc phòng, tôn giáo.

Doãn Nhàn