Sáng ngày 7/10, tại Huế đã diễn ra Hội thảo Khoa học Quốc gia: ’Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới”. Hội thảo do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Đại học Huế tổ chức.
Tại hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế bày tỏ sự vui mừng và vinh dự khi Đại học Huế được chọn là địa điểm tổ chức hội thảo với nhiều ý nghĩa quan trọng.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương (Ảnh: Doãn Nhàn) |
Phó giáo sư Chương thông tin, Đại học Huế với tiền thân là Viện Đại học Huế, được thành lập vào năm 1957. Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Viện Đại học Huế được tách thành các trường đại học chuyên ngành độc lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ chủ quản.
Đến năm 1994, theo chỉ đạo của Trung ương về việc hình thành các Đại học Quốc gia, Đại học vùng trọng điểm cả nước và thực hiện Nghị định 30/CP của Chính phủ, Đại học Huế được tái thành lập trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các trường đại học, cao đẳng ở Huế.
Đại học Huế và 2 đại học vùng là Đại học Đà Nẵng và Đại học Thái Nguyên, cùng với 2 đại học quốc gia là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh ra đời đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của nền giáo dục đại học Việt Nam; trong đó Đại học Huế đóng chân tại thành phố Huế thơ mộng và cái nôi giáo dục và văn hóa, nghệ thuật cả nước.
Hội thảo Khoa học Quốc gia: ’Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới”. Ảnh: Doãn Nhàn |
Trải qua hơn 65 năm xây dựng và phát triển tính từ khi có Viện Đại học Huế, Đại học Huế là cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; luôn xếp trong tốp 05 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất Việt Nam, Top 401 - 450 các đại học hàng đầu châu Á.
Đại học Huế hiện có 8 trường đại học thành viên: Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Luật, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Y - Dược; 01 viện thành viên: Viện Công nghệ sinh học; 01 trường thuộc: Trường Du Lịch; 03 khoa thuộc: Khoa Giáo dục Thể chất, Khoa Quốc tế, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ; 01 Phân hiệu tại Quảng Trị; 05 trung tâm, viện, nhà xuất bản phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Theo Phó giáo sư Chương, tính đến tháng 6/2022, Đại học Huế có gần 4000 viên chức, người lao động, trong đó có gần 1000 Giáo sư, Phó giáo sư và tiến sĩ. Đại học Huế hiện có 153 ngành đào tạo đại học; 102 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ; 58 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ 75 chuyên ngành đào tạo chuyên khoa cấp I, II, bác sĩ nội trú; 17 chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học với nước ngoài.
Quy mô sinh viên có trên 40 ngàn sinh viên đại học, gần 5000 ngàn học viên cao học, 250 nghiên cứu sinh, 1.202 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 235 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 316 bác sĩ nội trú.
Theo Điều 7, Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 một lần nữa khẳng định: Đại học vùng, Đại học Quốc gia trong đó có Đại học Huế là thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Và mục tiêu, hướng đến một hệ thống đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong, trọng điểm của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, vào top 300 châu Á và 1000 thế giới trong 10 năm đến.
Đặc biệt, Đại học Huế đã và đang triển khai mục tiêu phát triển thành Đại học Quốc gia theo của Nghị quyết 54-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83 năm 2020 của Chính phủ.
Các đại biểu tham gia Hội thảo. Ảnh: Doãn Nhàn |
Trong bối cảnh diễn ra buổi Hội thảo, Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương bày tỏ kì vọng vào sự phát triển của giáo dục đại học trong bối cảnh mới.
Hội thảo diễn ra trong cả ngày 7/10 tại Đại học Huế với 4 phiên làm việc. Các đại biểu tham dự sẽ cùng lắng nghe các báo cáo tham luận và trao đổi về các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học trong bối cảnh mới, bao gồm các rào cản từ luật pháp, về việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, việc hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp, thực hiện tự chủ đại học,...
Thông qua buổi Hội thảo Khoa học Quốc gia hôm nay, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kỳ vọng sẽ góp phần tìm ra những giải pháp cũng như các cơ sở lý luận thực tiễn góp phần phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới sau đại dịch Covid-19.