5 đề xuất để tránh thất thoát khi dùng ngân sách mua SGK cho học sinh mượn

16/10/2022 06:48
Ngọc Mai
GDVN- Dùng ngân sách nhà nước để thực hiện mua sách cho HS mượn nếu không quản lý tốt thì sẽ gây lãng phí.

Phương án mua sách giáo khoa, cung cấp cho các thư viện trường học để học sinh mượn với số tiền trích ngân sách năm đầu là 3.500 tỷ đồng được đánh giá là đề xuất tốt, nhiều ý nghĩa xã hội. Song vấn đề quan trọng đặt ra là việc quản lý chi tiêu, sử dụng ngân sách này như thế nào từ trung ương đến địa phương.

Nhiều đánh giá cho rằng, sách giáo khoa là tài liệu đặc biệt phục vụ quá trình học tập nên đề xuất này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với sách. Khi sách cấp về cho thư viện trường, học sinh được mượn đầu năm học, cuối năm trả lại thì một bộ sách sẽ được sử dụng qua nhiều thế hệ học sinh, tiết kiệm, hiệu quả.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không nên cào bằng ngân sách vì sẽ dẫn tới tình trạng lãng phí, phân bổ có thể không hợp lý.

Sách giáo khoa lớp 10, bộ Chân trời sáng tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Sách giáo khoa lớp 10, bộ Chân trời sáng tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bế Đoàn Trọng, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn nêu quan điểm: “Nguồn ngân sách chỉ nên hỗ trợ các trường miền núi, vùng khó khăn và học sinh nghèo. Để chống lãng phí thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở, các Phòng, cụ thể nhất là các trường phổ thông phải tiến hành khảo sát để tính toán nhu cầu học sinh thực sự cần mượn sách. Từ đó, có kế hoạch phân bổ ngân sách".

Cũng theo Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất trích 3.500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn là hỗ trợ cần thiết, mang lại ý nghĩa thiết thực không chỉ đối với học sinh mà còn có ý nghĩa với tất cả người dân, nhất là khi cả nước mới trải qua thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, và ở một số vùng, hàng năm học sinh vẫn chịu ảnh hưởng không nhỏ của thiên tai, lũ lụt.

Vị Chánh văn phòng bày tỏ kỳ vọng: “Đây là một chính sách nhân văn, trước hết sẽ giảm bớt áp lực về kinh tế cho những học sinh hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt. Được mượn sách cũng là động lực giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn yên tâm đến trường, tạo cơ hội, điều kiện học tập công bằng trong môi trường học đường.

Thứ nữa là góp phần giáo dục toàn diện, rèn tính cẩn thận, giữ gìn sách đề học tập lâu dài. Qua đó, giáo dục học trò biết trân trọng sách.

Bên cạnh quyền lợi, học sinh với vai trò là người thụ hưởng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với việc mượn sách giáo khoa. Mỗi học sinh cần có ý thức giữ gìn sách, đảm bảo không làm hỏng, rách sách khi trả lại nhà trường".

Sách mới HS có thể thích mượn, khi sách cũ các em không mượn nữa, SGK để cho ai?

Cho rằng, con số 3.500 tỷ đồng ngân sách nhà nước là không nhỏ, hơn nữa ngành giáo dục còn nhiều lĩnh vực cần được quan tâm, đầu tư như: trợ cấp cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy và học... Ông Bế Đoàn Trọng khẳng định: chi một đồng của ngân sách nhà nước thì cũng cần phải tính toán.

Mỗi địa phương cần có định hướng lựa chọn các bộ sách hợp lý, có tầm nhìn trong nhiều năm. Làm được như vậy sẽ giúp việc đưa sách giáo khoa vào thư viện trường cho học sinh mượn được tối ưu, các em học sinh không có điều kiện có thể bớt khó khăn khi tiếp cận với sách giáo khoa.

Để việc thực hiện chi 3.500 tỷ đồng mua sách giáo khoa cho học sinh mượn đạt đúng ý nghĩa, mục đích đề ra, tránh tiếp tay cho một bộ phận tham ô, tiêu cực làm thất thoát ngân sách, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đề xuất các giải pháp, cách làm đồng bộ để triển khai như sau:

Thứ nhất, việc thực hiện chính sách phải đi kèm công tác quản lý để người học được tạo điều kiện thuận lợi nhất. Cụ thể, các học sinh trong nhóm đối tượng thụ hưởng của chương trình, nếu có nhu cầu đều được tạo điều kiện thuận lợi nhất để mượn sách giáo khoa phục vụ học tập. Nếu làm không tốt, cào bằng việc phân bổ thì không mang được sách đến với đối tượng thực sự cần, trong khi những gia đình có điều kiện cuộc sống tốt, khá giả lại lợi dụng chính sách này để không phải chi tiền.

Thứ hai, cần cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng những đối tượng học sinh nào được mượn sách, và có quy định chi tiết, cụ thể cho từng đối tượng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến mua sách giáo khoa đáp ứng cho 70% nhu cầu của học sinh. Do vậy, cần phải xem xét và có quy định cụ thể để cho từng đối tượng mượn sách giáo khoa.

Thứ ba, mỗi chính sách cần đi kèm những điều kiện, quy chế rất cụ thể. Phải khảo sát thực tế từ các địa phương để xem học sinh nào không đủ điều kiện mua sách, học sinh nào thực sự có nhu cầu mượn sách.

Ở một số trường, việc cho học sinh mượn sách ở thư viện đã được triển khai thường xuyên từ trước đó. Năm đầu tiên, sách mới, các em có thể sẽ thích muốn mượn, nhưng các năm sau, sách cũ, các em không mượn nữa mà muốn dùng sách mới thì sách cũ đó để cho ai? Do vậy, sẽ là lãng phí sách giáo khoa nếu như không có khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế, cũng như kế hoạch triển khai mang tính tầm nhìn nhiều năm.

Ngành giáo dục địa phương cần làm rõ số học sinh có sự ưu tiên hơn (học sinh nghèo, cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn) cần mượn sách là bao nhiêu. Khi có con số cụ thể thì việc thực hiện mới đảm bảo hiệu quả, công bằng trong giáo dục, tránh lãng phí nguồn ngân sách.

Thứ tư, chú trọng việc quản lý chi tiêu, sử dụng ngân sách của các địa phương khi được phân bổ.

Số tiền 3.500 tỷ đồng là không nhỏ, chính vì vậy, quy trình thực hiện càng phải công khai, minh bạch ngay từ khâu tổ chức in ấn, phát hành sách, lựa chọn đơn vị đấu thầu… Dễ tiên đoán, nếu công tác quản lý này không thực hiện chặt chẽ, tổ chức đấu thầu không rõ ràng, nghiêm túc, công khai thì nguy cơ tiêu cực, tham nhũng sẽ xuất hiện.

Thứ năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hướng dẫn chi tiết về việc lựa chọn mua bộ sách giáo khoa nào trong khi hiện nay đang thực hiện một chương trình nhiều bộ sách.

Ngành giáo dục đang thực hiện “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”, mỗi trường học, mỗi địa phương đều có lựa chọn sách giáo khoa riêng. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải xác định mua những bộ sách giáo khoa nào để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu, tránh xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở từng bộ sách, sách không được dùng đến.

Ngọc Mai