EVN được xếp trong tốp đầu các ngành có lương cao nhất 2010

23/11/2011 06:57
Thành Chung
(GDVN) - Mức lương trung bình của nhân viên các ngành cao nhất năm 2010 là 5,5 - 9,2 triệu, gấp từ 2,6 đến hơn 4 lần mức lương trung bình ở các ngành thấp nhất.
Những ý kiến của ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tỏ ra "đau lòng khi biết lương của cán bộ tập đoàn chỉ được có vậy", tức "chỉ được" 7,3 triệu đồng/ người/ tháng đang được dư luận quan tâm. Bởi theo đánh giá, so với mức lương trung bình của nhân viên nhiều ngành khác mới được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố vào tháng 10/2011, thì con số "chỉ được" của nhân viên ngành điện được xếp nằm trong số những ngành có mức trả lương cao nhất Việt Nam. EVN đứng thứ 3 ở tốp đầu các ngành có lương cao nhất 2010

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiền lương của người lao động trong năm 2009 ước đạt 2,84 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, các doanh nghiệp Nhà nước ước đạt 3,35 triệu đồng, Tổng công ty hạng đặc biệt và công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế Nhà nước đạt 5,9 triệu đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 2,65 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh đạt 2,05 triệu đồng. Như vậy, mức lương trung bình là 7,3 triệu đồng của cán bộ, công nhân viên EVN còn cao hơn cả các doanh nghiệp có mức lương trung bình đầu bảng năm 2009.


Nhân viên ngành mỏ, luyện kim có mức lương trung bình cao nhất Việt Nam.
Nhân viên ngành mỏ, luyện kim có mức lương trung bình cao nhất Việt Nam.
Cũng theo thống kê của Bộ LĐ,TB và XH được công bố vào tháng 10/2011, năm 2010, tiền lương bình quân của người lao  tiếp tục ổn định và có xu hướng tăng. Tiền lương của lao động trong các loại hình doanh nghiệp đạt 3,2 triệu đồng/người/tháng; tăng 10,3% so với năm 2009. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước có mức lương bình quân là 3,8 triệu đồng, tăng 8,6%; doanh nghiệp cổ phần có vốn đầu tư nhà nước là 3,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,0%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 3 triệu đồng, tăng 11,1%; doanh nghiệp dân doanh là 2,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 12,5% so với năm 2009. Trong năm 2010, theo công bố mức lương mức lương của các nhân viên làm trong ngành mỏ luyện kim đứng đầu trong bảng lương Việt Nam, với thu nhập bình quân là 9,2 triệu/ người/ tháng; tiếp theo đó là nhân viên của ngành ngân hàng với thu nhập 7,6 triệu/ người/ tháng, nhân viên ngành dược 7 triệu/ người/ tháng; nhân viên ngành điện tử Viễn thông là 5,5 triệu/ người/ tháng. Và nếu tính theo con số  7,3 triệu/ người/ tháng mà EVN đưa ra thì mức lương trung bình của nhân viên ngành điện năm 2009 này đứng ở vị trí thứ 3 với mức lương của nhân viên các ngành đứng đầu năm 2010. Cũng theo bà Tống Thị Minh (Vụ trưởng Vụ lao động - tiền lương, Bộ LĐ, TB và XH) trả lời trên báo chí,  lương của cán bộ quản lý cao hơn gấp 20 lần so với lương của lao động giản đơn. Chẳng hạn, chênh lệch tiền lương giữa lao động quản lý so với lao động giản đơn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2006 ở mức 9 đến 10 lần nhưng đến năm 2010 khoảng cách này là 20 đến 21 lần; doanh nghiệp trong nước có mức chênh lệch này thấp hơn, chỉ từ 7 đến 8 lần.
Dệt, da giày, thực phẩm... có mức lương thấp nhất?
Cũng theo thống kê được Bộ LĐ, TB và XH đưa ra năm 2010, so với  nhân viên các ngành đứng đầu bảng lương như mỏ, luyện kim, ngân hàng, dược... thì nhân viên ngành dệt may, da dày, thực phẩm... mặc dù hàng năm đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu lên tới nhiều tỉ USD (riêng Tập đoàn dệt may Việt Nam năm 2010 xuất khẩu gần 11,2 tỉ USD), nhưng mức lương trung bình lại chỉ được từ 2,1 - 2,3 triệu/ người/ tháng, đứng ở top cuối.

Nhân viên ngành dệt may có mức lương thấp nhất trong bảng xếp hạng lương Việt Nam.
Nhân viên ngành dệt may có mức lương thấp nhất trong bảng xếp hạng lương Việt Nam.
So sánh giữa mức lương trung bình của nhân viên các ngành ở top đầu thì mức lương của nhân viên ở các ngành này thấp hơn từ 2,6 đến hơn 4 lần. Và khi so với mức lương trung bình của nhân viên ngành điện năm 2009, thì mức lương của nhân viên các ngành năm 2010 vẫn thấp hơn từ 3,1 - 3,4 lần. Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, mức lương của nhân viên phục vụ giảng dạy trong ngành giáo dục cũng không hề cao, nhiều giáo viên có thâm niên hàng chục năm công tác, lương chỉ 3 - 4 triệu/ tháng, thậm chí kể cả các kỹ sư, bác sỹ có thâm niên công tác cũng có mức lương tương tự. Lý giải về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sự khác biệt giữa các nghề, vị trí lao động đã tạo ra khoảng cách chênh lệch tiền lương. Đối với lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, lao động quản lý giỏi, đóng góp nhiều vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì tiền lương cao hơn rất nhiều so với mức trung bình và lao động giản đơn.
Thành Chung