Ai cho Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thu học phí Tiếng Anh qua tài khoản cá nhân?

25/10/2022 06:30
Mạnh Đoàn
GDVN- Việc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân yêu cầu sinh viên đóng học phí qua tài khoản cá nhân là không đúng quy định pháp luật, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ.

Liên quan đến vụ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giữ bằng của cử nhân quốc tế, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, các cử nhân quốc tế cho biết, nhà trường từng thu học phí thi lại, học lại qua tài khoản cá nhân của chủ thẻ là V.M.H. - Kế toán Viện đào tạo Quốc tế.

Nội dung thông báo về việc thi lại, học lại đối với sinh viên cử nhân quốc tế vào tháng 9/2021 và tháng 1/2022. (Ảnh: NVCC)

Nội dung thông báo về việc thi lại, học lại đối với sinh viên cử nhân quốc tế vào tháng 9/2021 và tháng 1/2022. (Ảnh: NVCC)

Cụ thể, một cán bộ trong trường đã gửi thông báo đến cho các sinh viên về việc đăng ký và nộp phí học lại môn Tiếng Anh cấp độ 4 cùng khóa 17 Mùa Thu.

Theo đó, phí thi lại là 600 nghìn đồng và 10 triệu đồng phí học lại qua số tài khoản 190262535XXXXX do V.M.H (Kế toán Viện Đào tạo Quốc tế) đứng tên.

Trong nội dung thông báo cũng yêu cầu sinh viên sau khi chuyển khoản, sẽ gửi ảnh biên lai chuyển khoản học phí qua email của nhà trường là hltl.isme@isneu.org.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Thái (Luật sư thành viên Công ty Luật Bross và Cộng sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là đơn vị sự nghiệp có thu của nhà nước, nhà trường được quyền tự chủ về kinh tế nhưng về nguyên lý họ vẫn đang là một tổ chức do nhà nước thành lập, đầu tư.

Luật sư Nguyễn Văn Thái. (Ảnh: NVCC)

Luật sư Nguyễn Văn Thái. (Ảnh: NVCC)

Theo đó, các khoản thu của nhà trường phải theo quy định của pháp luật.

“Các khoản thu của nhà trường cũng giống như hoạt động kinh doanh, tương tự như các doanh nghiệp. Các khoản thu đó phải được kê khai theo luật kế toán, kê khai khoản thu phải nộp thuế, luật giáo dục… Số tiền được thu qua tài khoản cá nhân được nhà trường sử dụng như nào, đúng quy định hay không. Đó là câu hỏi mà nhiều người có thể thắc mắc”, luật sư cho hay.

Luật sư Thái cho rằng, việc nhà trường không thu qua tài khoản của trường thể hiện sự khuất tất, thiếu minh bạch.

Trong vụ việc trên, nếu nhà trường thu tiền học lại, thi lại, vượt quá khung pháp luật quy định, điều này sẽ ảnh hưởng tới kinh tế tài chính của gia đình sinh viên. Bên cạnh đó, việc chuyển tiền qua tài khoản cá nhân có thể sẽ dẫn đến rắc rối khi sinh viên đã đóng học phí nhưng nhà trường kiểm tra tài khoản của đơn vị lại không có thông tin việc chuyển khoản.

Từ đây, sinh viên có thể bị giữ bằng khi chưa hoàn thành các khoản phí theo quy định của nhà trường...

“Về mặt pháp lý, nhà trường thu học phí hay bất kì một khoản phí nào đối với sinh viên, đều phải thu theo hai hình thức là chuyển khoản vào tài khoản của nhà trường, hoặc là sinh viên đến nộp tại bộ phận tài chính, tài vụ của nhà trường”, Luật sư Thái chia sẻ.

Ngoài ra, Luật sư Thái cũng cho rằng, nhà trường phải đưa chương trình đầu vào tiếng Anh theo Nghị định 86 vào chương trình học, để đảm bảo quyền lợi của sinh viên.

“Nếu yêu cầu đầu vào bắt buộc sinh viên phải có đầu vào tiếng Anh theo quy định, nhưng nhà trường không thực hiện là vi phạm ngay từ khâu tuyển sinh. Nhà trường phải khắc phục ngay trước khi sinh viên vào chuyên ngành”, Luật sư Thái nói.

Luật sư Thái đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần vào cuộc để kiểm tra xem việc thu chi đó có đúng quy định pháp luật hay không.

"Cơ quan chức năng thậm chí cần phải vào cuộc điều tra hoạt động thu, chi từ số tiền học phí được sinh viên nộp qua tài khoản cá nhân của cán bộ trường", luật sư nhấn mạnh.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Luật sư Hoàng Văn Hướng (Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay, theo quy định của Luật kế toán năm 2015, yêu cầu kế toán đối với các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước đó là phải: “Thông tin, số liệu kế toán phải được phản ánh liên tục từ khi phát sinh đến khi kết thúc hoạt động kinh tế, tài chính, từ khi thành lập đến khi chấm dứt hoạt động của đơn vị kế toán; số liệu kế toán kỳ này phải kế tiếp số liệu kế toán của kỳ trước” (khoản 5 Điều 5).

Luật sư Hướng cũng cho hay, tại Điều 12 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục theo hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cũng quy định, cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức thu học phí và nộp học phí vào ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để quản lý, sử dụng.

"Do đó, số tiền học lại, thi lại lên đến hàng chục triệu đồng/sinh viên được chuyển khoản vào tài khoản của cá nhân sẽ có khả năng xảy ra thất thoát tiền của nhà trường. Cũng có thể xảy ra việc một số cá nhân lợi dụng việc này để chiếm dụng khoản tiền trên.

Luật sư Hoàng Văn Hướng. (Ảnh: Zing)

Luật sư Hoàng Văn Hướng. (Ảnh: Zing)

Hơn nữa, khi số tiền này được chuyển khoản vào tài khoản cá nhân thì việc hạch toán vào sổ sách kế toán của Trường như thế nào? Nếu trường có sai phạm thì sinh viên đòi lại tiền sẽ khó khăn, mất thời gian", luật sư cho hay.

Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng cho rằng, Trường Đại học kinh tế quốc dân cần trả lại khoản tiền trên cho các sinh viên đã nộp tiền và thanh kiểm tra lại hoạt động đóng học phí nêu trên.

Trước đó như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, tháng 8 vừa qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông báo cho sinh viên học chương trình quốc tế về việc không trả bằng do không có tiếng Anh đầu vào theo Nghị định 86 (chứng chỉ Bậc 4 - khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc IELTS 5.5/TOEFL 500). Thông báo trên được nhà trường thông tin trước 5 ngày trao bằng tốt nghiệp.

Trong khi đó, theo thông báo tuyển sinh, nhóm sinh viên này trong năm nhất phải vượt qua đầu vào tiếng Anh là chứng chỉ TEG level 4 Singapore để được học chuyên ngành. Thực tế, các sinh viên đều đã đạt được yêu cầu của nhà trường để hoàn thành chương trình học.

Theo quy định tại Nghị định 73Nghị định 86 của Chính phủ, điều kiện tuyển sinh đối với sinh viên học chương trình liên kết quốc tế phải đảm bảo đầu vào tiếng Anh. Tuy nhiên, những sinh viên trên lại thuộc nhóm thí sinh không yêu cầu đầu vào phải có chứng chỉ tiếng Anh, nhà trường chỉ kiểm tra kĩ năng nghe, nói, viết với họ.

Theo chuyên gia, đầu vào tiếng Anh là điều kiện bắt buộc theo quy định trước khi vào học chuyên ngành năm hai, nhằm đảo bảo chất lượng học tập. Việc nhà trường để sinh viên đến năm cuối mới yêu cầu họ có chứng chỉ tiếng Anh đầu vào là không đúng quy định.

Mạnh Đoàn