Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu khai mạc trước Quốc hội, đồng bào, cử tri và nhân dân cả nước trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Xin trân trọng giới thiệu đến cử tri, Nhân dân cả nước toàn văn bài phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh Cổng thông tin điện tử Quốc hội |
Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng,
Kính thưa Quốc hội,
Thưa các vị khách quốc tế, các vị khách quý,
Thưa đồng bào và cử tri cả nước,
Hôm nay, Quốc hội Khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 4. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc Kỳ họp. Xin trân trọng gửi đến quý vị đại biểu cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, cử tri, nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Kính thưa Quốc hội,
Từ đầu năm 2022 đến nay, Quốc hội đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ 3 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất; đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, “từ sớm, từ xa” cho Kỳ họp thứ 4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 3 phiên họp thường kỳ, 2 phiên họp chuyên đề và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 2 về công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề: “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”; chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội biên tập, xây dựng và gửi tới đại biểu Quốc hội nhiều báo cáo giám sát, báo cáo chuyên đề, tài liệu, tạp chí nghiên cứu chuyên sâu phục vụ thiết thực cho Kỳ họp thứ 4.
Như thường lệ, kỳ họp cuối năm bao giờ cũng có khối lượng công việc rất lớn. Tại phiên họp trù bị, với tinh thần “lấy chất lượng Kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết giảm tối đa thời gian”, các vị đại biểu Quốc hội đã nhất trí rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Theo đó, dự kiến trong 21 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định các nội dung quan trọng sau đây:
Thứ nhất, về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước
Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Trong thời gian qua, chúng ta đã tập trung thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng; Nghị quyết 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 tại Kỳ họp thứ 2, Nghị quyết 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng và Nhà nước; quyết sách phù hợp, chủ động và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022.
Tình hình đất nước trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt được những kết quả tích cực, có nhiều dấu ấn nổi bật. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83% cao nhất kể từ năm 2011 đến nay; các khu vực của nền kinh tế đều có tốc độ phục hồi và tăng trưởng cao (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, dịch vụ tăng 10,57% so với cùng kỳ năm trước). Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, bình quân chỉ tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI thực hiện 9 tháng đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,2%. Có trên 163 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 33,6% so với cùng kỳ, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Loại trừ yếu tố giá, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng tăng 16,8%. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 558,5 tỷ USD tăng 15,1% (trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13%), xuất siêu 9 tháng đạt khoảng 6,52 tỷ USD.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công, chính sách bảo trợ xã hội và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19. Ngành y tế tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngành giáo dục có nhiều cố gắng, kịp thời nghiên cứu, điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết của Quốc hội; có nhiều đổi mới, tăng cường chuyển đổi số trong thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh đại học.
Lĩnh vực văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều sự kiện văn hoá, thể thao quy mô lớn, nhất là SEA Games 31, đã được tổ chức rất thành công. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đất nước; giữ vững môi trường hòa bình, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, sôi động, hiệu quả, góp phần bảo đảm và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Công tác cải cách hành chính, công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đổi mới và tăng cường, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Những kết quả quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật nêu trên tạo thêm thuận lợi, thời cơ để phát triển đất nước. Tuy nhiên, thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023 sắp tới, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Biến động phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế và an ninh-chính trị thế giới, những diễn biến mới, phức tạp trong xung đột Nga-Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, các yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng; áp lực lạm phát, biến động lãi suất, tỷ giá và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng cực đoan hơn… vẫn là những thách thức lớn nhất đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế đất nước.
Vì vậy, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu thật kỹ các báo cáo, tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, tập trung thảo luận, phân tích sâu sắc bối cảnh, đặc điểm nổi bật của năm 2022, nhận rõ những kết quả và bài học đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ, những thách thức phải vượt qua; chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan và đúc kết những bài học có giá trị thực tiễn. Trên cơ sở nhận diện, đánh giá đúng thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân; dự báo chính xác tình hình trong nước và thế giới trong thời gian tới để xem xét, quyết định các quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công cho năm 2023, phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công năm 2023, kế hoạch tài chính trung hạn 3 năm 2023-2025.
Thứ hai, về công tác lập pháp
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, gồm: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá.
Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến 7 dự án luật khác, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự. Đây là khối lượng công việc lập pháp rất nặng nề, vừa có phạm vi rộng lớn, vừa chứa đựng những vấn đề chuyên sâu, trong đó có những dự án luật ngay trước thềm Kỳ họp đã thu hút được sự quan tâm sâu sắc của dư luận, cử tri và nhân dân cả nước.
Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao, các cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ, tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, nhất là đã nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 2, ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện, nhất là đối với các vấn đề lớn, các vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng cao nhất khi xem xét, thông qua các dự án luật và dự thảo nghị quyết.
Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đây là dự án luật quan trọng, định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến sâu hơn về cơ chế bảo đảm tinh thần “lấy người bệnh làm trung tâm” gắn với bảo đảm công bằng xã hội trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh; các quy định cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; định hình hệ thống y tế hiện đại, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ở từng mặt, từng nội dung, từng khâu; cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở khám chữa bệnh công lập, trước hết là tự chủ tài chính, hợp tác công tư, giá dịch vụ…; đồng thời, xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng và tính ổn định, dài hạn của Luật này khi được Quốc hội thông qua.
Việc tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, cách thức tiến hành kỳ họp - hình thức hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất của Quốc hội - là nhân tố quan trọng để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), nhất là các nội dung liên quan đến việc thể chế, quy tắc hóa những cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm trong thời gian qua; những quy định nhằm tăng cường thực hành dân chủ, bảo đảm tính pháp quyền, tính chuyên nghiệp và tinh thần chủ động trong hoạt động của Quốc hội; phân định rõ thẩm quyền, đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, nhất là vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội.
Các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp này đều rất quan trọng nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Trung ương. Trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Trong quá trình thảo luận, xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật rất quan trọng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm một số vấn đề sau đây: (i) Cần bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và thể chế hóa đầy đủ, chính xác, kịp thời thành các quy định cụ thể; chỉ đưa vào Luật những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và đã có định hướng của Trung ương; (ii) Kế thừa các quy định mang tính chất ổn định với thực tiễn, phù hợp của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ; khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, chiến lược, lâu dài; không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; không đưa vào luật những vấn đề mang tính sự vụ, hiện tượng, nhỏ lẻ, cá thể, không thể hiện đúng bản chất của quan hệ đất đai phát sinh trong thực tiễn; (iii) Giải quyết các nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, có phương án xử lý phù hợp nhằm khai thông, giải phóng tối đa nguồn lực đất đai, tạo không gian, động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; (iv) Tách bạch rõ để đưa vào Luật những quan hệ đất đai mang tính chất công và quan hệ đất đai mang tính chất tư, bảo đảm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý, tính phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho các chủ thể xã hội được tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả, bền vững; (v) Cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, luật hóa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết thi hành luật đã được áp dụng phù hợp với thực tiễn, hiệu quả thời gian qua.
Thứ ba, về hoạt động giám sát
Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội cũng xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Đây là nội dung giám sát quan trọng, có quy mô lớn, phạm vi rộng, đang nổi lên cấp bách trên nhiều lĩnh vực được các vị đại biểu Quốc hội, nhân dân và cử tri cả nước rất quan tâm và gửi gắm nhiều kỳ vọng, mong muốn tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cùng với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những lĩnh vực, những địa bàn, những địa chỉ để xảy ra tình trạng lãng phí nghiêm trọng, làm rõ hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chỉ rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan. Căn cứ kết quả giám sát, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chuyên đề giám sát này.
Thứ tư, về quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định miễn nhiệm, bầu Tổng Kiểm toán nhà nước; miễn nhiệm, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Giao thông vận tải; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Y tế. Quốc hội cũng tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và xem xét đề xuất của Chính phủ cho gia hạn hiệu lực Nghị quyết này và một số vấn đề quan trọng khác.
Kính thưa Quốc hội,
Trong những ngày qua, tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, gây ngập lụt trên diện rộng, làm thiệt hại nhiều về tài sản và tính mạng của nhân dân miền Trung. Quốc hội xin gửi lời chia sẻ những khó khăn, mất mát và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực vượt khó của nhân dân để giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra. Rất mong các địa phương sớm khắc phục và nhanh chóng ổn định đời sống của người dân, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chăm lo sức khỏe và an sinh xã hội cho đồng bào.
Kính thưa Quốc hội, thưa các vị khách quý,
Tiếp nối và phát huy những thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XIII với những quyết sách quan trọng, cụ thể hóa nhiều nội dung cốt lõi và vấn đề lớn của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kỳ họp lần này phải thể hiện đậm nét, mang ý nghĩa lan tỏa tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng - như phát biểu bế mạc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - gắn với những quyết sách đúng đắn, sáng suốt cả về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Với quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội, kế thừa, phát huy những thành quả, kinh nghiệm đã tích lũy được cùng với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tôi tin tưởng rằng, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình, mục tiêu đã đề ra và thành công tốt đẹp.