Với trường đại học có đào tạo khối ngành sức khoẻ, Nghị định 111/2017 Quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe đã “mở đường” cho hoạt động phối hợp giữa các cơ sở đào tạo y khoa và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh một cách chặt chẽ hơn.
Nghị định này cũng đã quy định rõ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của các bên trong quá trình hợp tác.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về vấn đề đội ngũ nhân sự hay chi phí đào tạo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết An – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. (Ảnh: NVCC) |
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết An – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, trong những năm qua, nhà trường đã triển khai thực hiện được một số hoạt động liên quan đến Nghị định 111/2017.
Cụ thể, trường bắt đầu thực hiện Nghị định 111 từ năm học 2017-2018, tổ chức lồng ghép hội thảo về giảng dạy lâm sàng và triển khai Nghị định 111/2017/NĐ-CP cho toàn thể giảng viên các khoa có tham gia giảng dạy lâm sàng như: Khoa Y, Khoa Dược, Khoa Điều dưỡng-Kỹ thuật y học, Khoa Răng- Hàm - Mặt và lãnh đạo các bệnh viện thực hành trên địa bàn thành phố Cần Thơ và một số tỉnh trong khu vực.
Định kỳ hằng năm, nhà trường đã cử khoảng 232 cán bộ tham gia công tác khám chữa bệnh, giảng dạy lâm sàng tại các bệnh viện thực hành.
Hàng năm, trường có thảo luận và lấy ý kiến của các bên liên quan, đặc biệt là đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và lãnh đạo bệnh viện thực hành (cơ sở thực hành) về chương trình kế hoạch đào tạo. Đồng thời, nhà trường tổ chức hội nghị giao ban đào tạo để triển khai chương trình kế hoạch đào tạo năm học mới cho tất cả giảng viên nhà trường và giảng viên giảng dạy lâm sàng của cơ sở thực hành.
Trong quá trình thực hiện tổ chức đào tạo thực hành, các Sở Y tế và các bệnh viện thực hành hợp tác đều hỗ trợ, ủng hộ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ trong công tác đào tạo thực hành lâm sàng.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Một số quy định trong Nghị định 111, thực tiễn chưa thể đáp ứng.
Cụ thể như điểm b, khoản 2, điều 9 của Nghị định này yêu cầu đối với cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải “có phòng học, phòng giao ban, phòng trực dành cho người học thực hành và người giảng dạy thực hành”, nhiều cơ sở thực hành không đáp ứng được điều kiện này. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế cho nhà trường đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp cơ sở vật chất giảng dạy tại các bệnh viện thực hành. Chính vì vậy, hoạt động đào tạo thực hành còn gặp một số khó khăn nhất định.
Điểm e khoản 2 điều 9 quy định: “Cơ sở thực hành thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này phải bảo đảm: Tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 50%, tối đa là 80% tổng thời lượng chương trình thực hành được thực hiện tại cơ sở thực hành và chỉ được là cơ sở thực hành thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này của không quá 02 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ đại học, sau đại học và 01 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng”
Theo Phó Giáo sư Trần Viết An, yêu cầu tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 50%, tối đa là 80% tổng thời lượng chương trình thực hành được thực hiện tại cơ sở thực hành là chưa phù hợp.
Hiện nay, các bệnh viện chưa thực hiện được yêu cầu này do bác sĩ phải dành nhiều thời gian để thực hiện công việc chuyên môn: khám chữa bệnh, làm thủ thuật, hội thảo, xây dựng phác đồ điều trị, trực, các thủ tục hành chính trên hồ sơ bệnh nhân, cập nhật quy định bảo hiểm y tế… Hầu như các bác sĩ tại các bệnh viện chưa thể đảm nhận số giờ giảng nhiều.
Hơn nữa, phần lớn bệnh viện tự chủ xây dựng đề án vị trí việc làm theo chức năng nhiệm vụ chính là khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học và hoạt động cộng đồng nên kiêm nhiệm thêm công tác giảng dạy lâm sàng cho các cơ sở giáo dục rất khó thực hiện và khó đạt hiệu quả.
Các bệnh viện hiện nay đa số bước vào cơ chế tự chủ, và cho dù bệnh viện chưa thực hiện tự chủ, thì vai trò của bác sĩ là ưu tiên khám chữa bệnh, điều trị cho bệnh nhân. Sinh viên, học viên trường đại học qua bệnh viện để được đào tạo thực hành, nhưng yêu cầu bác sĩ của bệnh viện giảng dạy từ 50% - 80% là chưa thực sự hợp lý.
Mặt khác, thực hành lâm sàng là mấu chốt quan trọng trong đào tạo các ngành Y Dược. Do vậy, nhà trường luôn tăng cường đội ngũ giảng dạy lâm sàng tại các cơ sở thực hành nhằm hướng dẫn thực hành lâm sàng hiệu quả nhất.
Vậy là còn bất cập rất lớn trong việc cân đối thời lượng đào tạo giữa trường đại học và bệnh viện. Đây là vấn đề cần phải xem xét lại để đảm bảo hoạt động đào tạo tại cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, điều 12 quy định về chi phí đào tạo thực hành: Chi phí đào tạo thực hành tại cơ sở thực hành được kết cấu trong giá dịch vụ đào tạo (học phí) khối ngành sức khỏe gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Mức chi phí đào tạo thực hành được xác định trên cơ sở tương ứng với tỷ lệ thời lượng thực hành trong chương trình đào tạo; Cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành thỏa thuận, thống nhất mức chi phí đào tạo thực hành và quy định cụ thể trong hợp đồng đào tạo thực hành...
Nhưng thực tế, các khoản phí tính vật tư y tế tiêu hao, điện, nước… không có định mức áp dụng.
Trước những vấn đề khó khăn, bất cập khi triển khai Nghị định 111, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ kiến nghị, điều chỉnh lực lượng giảng viên dạy lâm sàng của cơ sở thực hành (bệnh viện thực hành) phù hợp với khả năng và điều kiện của cơ sở thực hành và cơ sở đào tạo, có sự linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chức năng xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về định mức chi trả chi phí thực hành các khoản như: vật tư y tế, điện nước, quản lý phí… thống nhất để trường và cơ sở thực hành dễ thực hiện. Đặc biệt, lưu ý giá định mức chi phí đào tạo thực hành riêng cho cơ sở đào tạo công lập và tư nhân.
Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần có chủ trương, cơ chế cho cơ sở giáo dục được phép đầu tư nâng cấp hoặc mở rộng cơ sở thực hành tại bệnh viện thực hành nhằm đảm bảo điều kiện tối thiểu phòng học, phòng giao ban, phòng trực dành cho người học thực hành và người giảng dạy thực hành.