2 thách thức lớn của giáo dục đại học Việt Nam
Giáo dục đại học có 2 sứ mệnh quan trọng là phát triển con người và đào tạo đáp ứng nhân lực chất lượng cao. Điều này gắn với phát triển đột phá chiến lược của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay giáo dục đại học đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Duy Thông |
Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Giáo dục đại học - Thách thức và cơ hội” do báo Đại biểu nhân dân tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Hoàng Minh Sơn chỉ ra thách thức lớn đầu tiên chính là bài toán vừa phải nâng cao quy mô vừa nâng cao chất lượng.
Cụ thể, trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, sự biến động không đoán định được, giáo dục đại học phải nắm được yêu cầu của thế giới, của công nghệ, không chỉ phát triển về chất lượng mà còn là quy mô.
“Nền kinh tế chúng ta có thể nhìn một chiều là nhu cầu thị trường lao động nhưng phải nhìn quan hệ biện chứng là có nguồn nhân lực chất lượng thì các nhà đầu tư mới vào, đầu tư vào nền kinh tế tri thức”, ông Hoàng Minh Sơn nói.
Một thách thức lớn đặt ra tiếp theo với giáo dục đại học chính là sự cạnh tranh. Đây là một thực tế mà Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã nhắc lại nhiều lần ở các hội thảo, tọa đàm liên quan tới giáo dục đại học.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hệ thống giáo dục đại học phải cạnh tranh trong nước, và cả cạnh tranh quốc tế. Hiện nay, tỷ lệ sinh viên đi học nước ngoài không ít. Năm 2021 tuyển sinh tốt hơn năm 2022 vì một phần là sinh viên không đi học nước ngoài được; và đội ngũ giảng viên không giống ngành khác, giảng viên đại học có trình độ cao, uy tín khoa học có thể đi bất cứ nơi nào. Trường đại học phải cạnh tranh lực lượng tinh túy này. Nhiều ngành nghề gửi sinh viên đi học tiến sĩ nước ngoài, nhưng trở về không nhiều.
“Con người là quan trọng nhất, nhưng làm sao phát triển được chứ không phải chỉ lưu thông trong hệ thống? Giảng viên trình độ Tiến sĩ chúng ta chỉ 30%, thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu. Đây là những thách thức lớn”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Một thực tế khác của giáo dục đại học hiện nay là tỷ lệ nhập học đại học của Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Lý giải điều này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Hoàng Minh Sơn cho rằng có 3 yếu tố chính tác động, cụ thể:
Thứ nhất, trong quan hệ thị trường, nhu cầu của thị trường kinh tế xã hội đối với nguồn nhân lực trình độ cao tính từ đại học, sau đại học ở nước ta còn chưa cao.
“Yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ, chúng ta nhìn thấy quy mô đào tạo đại học, sau đại học thấp nhưng tỉ lệ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ còn thấp nữa”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định.
Thứ hai, do nguồn cung về năng lực đào tạo, chất lượng đào tạo, nguồn lực con người, cơ sở vật chất và tài chính còn hạn chế. Theo ông Hoàng Minh Sơn, chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học chưa đồng đều, mặc dù nhiều biến chuyển, nhiều thành tích thời gian qua nhưng chúng ta còn phải suy nghĩ rất nhiều về vấn đề chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Yếu tố tác động thứ ba mà Thứ trưởng chỉ ra chính là yếu tố liên quan đến người học. Theo ông, người học luôn cân nhắc lợi ích giữa chi phí với lợi ích đạt được. Lựa chọn trường này hay trường kia, trong nước hoặc ngoài nước, thậm chí là đi học hay không đi học. Và đặc biệt, nếu người học chưa tin tưởng chất lượng thì số lượng không thể tăng được.
Ông Hoàng Minh Sơn nhận định: nguồn lực phát triển giáo dục đại học chưa tương xứng với yêu cầu phát triển quy mô và chất lượng.
Con số thực chi cho giáo dục đại học chỉ là 0,18% GDP
Ông Hoàng Minh Sơn thừa nhận, mức chi dành cho giáo dục đại học hiện nay ở nước ta đang thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn |
Nhiều nhiệm vụ, thách thức đặt ra, tuy nhiên điểm bất cập với giáo dục đại học hiện nay là ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học còn rất khiêm tốn.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Hoàng Minh Sơn cũng thừa nhận, mức chi dành cho giáo dục đại học hiện nay ở nước ta đang thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.
Con số chính thức mà Bộ Tài chính đưa ra năm 2020, ngân sách chi cho giáo dục đại học chưa đến 17.000 tỉ, chiếm 0,27% GDP, nhưng con số thực chi chưa được 12.000 tỉ. Nếu tính theo con số thực chi là 0,18% GDP.
Nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học hiện nay đến từ 3 nguồn: Nhà nước, người học và xã hội. Người học có trách nhiệm chi trả cho lợi ích của mình nhưng để hiện đại hóa một cơ sở giáo dục đại học, mở rộng khuôn viên, xây dựng cơ bản, trang thiết bị nghiên cứu, đặc biệt để đầu tư cho các ngành công nghệ cao thì học phí không thể chi trả được.
“Học phí chi trả thì người học muốn được nhìn thấy ngay, còn đầu tư lâu dài, đầu tư phát triển đội ngũ thì rõ ràng Nhà nước cần quan tâm hơn”, Thứ trưởng Giáo dục nhấn mạnh.
Trong đó, ông Hoàng Minh Sơn lưu ý nhấn mạnh tới những ngành học không phục vụ trước mắt mà về lâu dài để phục vụ đất nước như những ngành về khoa học cơ bản, nông lâm ngư nghiệp, những ngành nghệ thuật, đào tạo trình độ sau đại học...
Ông Sơn cho biết:
"Không có công nghệ nền tảng thì không thể có công nghệ cao, không có khoa học cơ bản thì không có công nghệ nền tảng. Những vấn đề này không dễ gì xã hội hóa để người học chi trả được, nhưng chúng ta lại đang hạn chế về nguồn lực. Đó là yếu tố quan trọng, bởi yêu cầu là quy mô phải tăng, đòi hỏi chất lượng cũng phải tăng.
Như vậy, thách thức lớn là làm sao bảo đảm tương xứng, để đáp ứng yêu cầu về số lượng nhưng phải có đầu tư trọng tâm trọng điểm, những ngành nghề thiết yếu đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tạo lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực then chốt".
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ học đại học, cao đẳng của Việt Nam năm 2019 là 28,6%, thuộc nhóm thấp trong khối ASEAN, và chỉ bằng một nửa so với bình quân 55,1% của các quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Trong khi đó, số lượng các cơ sở giáo dục đại học và quy mô đào tạo đại học hiện nay đã tăng lên được cải thiện đáng kể. Theo số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm 2020 cả nước ta có 240 trường đại học, học viện, bao gồm 175 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài. Quy mô đào tạo đại học của nước ta có tỉ lệ sinh viên đại học/1 vạn dân là 195,4.