Cầu Thanh Trì được thông xe vào năm 2007, đây là cây cầu lớn nhất trong dự án 7 cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng. Cây cầu nằm trên lý trình km164 + 646 Quốc lộ 1 nối quận Hoàng Mai với huyện Gia Lâm, bắt đầu từ điểm cắt Quốc lộ 1 tại Pháp Vân, cắt đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại Thạch Bàn, Long Biên, điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Cổ Bi.
Với mật độ giao thông cao, cầu Thanh Trì thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông và nguy cơ tai nạn.
Nguy cơ ùn tắc
Theo thiết kế ban đầu (Quyết định 1106/QĐ-TTg ngày 26/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ), cầu Thanh Trì có 2 làn ô tô, mỗi làn rộng 3,75m; một làn xe hỗn hợp rộng 3m; một làn xe thô sơ và người đi bộ rộng 3m. [1]
Năm 2013, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện dự án tổ chức lại giao thông trên mặt cầu Thanh Trì trước khi bàn giao cho Thành phố Hà Nội quản lý.
Cầu Thanh Trì nhìn từ trên cao. (Ảnh: Cục CSGT) |
Cụ thể mỗi chiều đường: Hai làn xe ô tô rộng 3,75 m/làn. Giữa làn xe ô tô và xe mô tô, xe thô sơ có lắp đặt dải phân cách mềm (khoảng cách 1,8m), làn xe máy, xe thô sơ rộng 4,4m.
Quý III/2016, Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội thực hiện điều chỉnh tốc độ theo Thông tư 91/2015/TT-BGTVT, điều chỉnh tốc độ ô tô từ 80 km/h lên 90 km/h, xe máy và xe thô sơ từ 50 km/h lên 60 km/h.
Quý II/2017, Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội điều chỉnh tốc độ trên làn ô tô từ 90 km/h xuống 80 km/h theo Văn bản số 1917/TCĐBVN-ATGT ngày 7/4/2017 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (làn xe máy và xe thô sơ giữ nguyên là 60 km/h).
Quý I/2018, Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì theo sự thống nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Theo đó, điều chỉnh dải phân cách mềm để mở rộng làn xe máy từ 4,4m lên 5,5m tổ chức giao thông hỗn hợp ô tô con và xe máy lưu thông trên làn xe này, điều chỉnh tốc độ lưu thông từ 60 km/h xuống 50 km/h.
Giữ nguyên 2 làn xe ô tô lưu thông hỗn hợp (mỗi làn 3,75m) và giữ nguyên tốc độ 80 km/h.
Tình trạng tắc đường, ùn tắc giao thông trên cầu Thanh Trì thường xuyên xảy ra do sự bố trí, sắp xếp phân làn, tốc độ chưa hợp lý. (Ảnh: Hải Đăng) |
Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), số vụ tai nạn giao thông không hề có sự thuyên giảm.
Cụ thể, từ ngày 15/12/2018 đến ngày 14/4/2020 đã xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8 người, bị thương 14 người, so sánh thời gian cùng kỳ tăng 5 vụ, tăng 5 người chết và 4 người bị thương, trong đó 19 vụ tai nạn giao thông liên quan đến làn đường hỗn hợp dành cho ô tô con và xe môtô xe máy.
Bởi vậy, vào năm 2020, Cục Cảnh sát giao thông đã có văn bản kiến nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội khắc phục tổ chức lại giao thông trên cầu Thanh Trì. [2]
Cục Cảnh sát giao thông đề nghị Sở Giao thông vận tải nghiên cứu điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì theo hướng bố trí mặt cầu thành 3 làn đường dành cho xe ôtô và 1 làn đường dành cho xe môtô; có dải phân cách mềm giữa làn đường dành cho xe môtô và làn đường dành cho xe ôtô.
Tháng 3/2021, Sở Giao thông Vận tải đã điều chỉnh tốc độ làn xe ô tô trên cầu Thanh Trì đã được điều chỉnh từ 80 km/giờ xuống 60km/giờ, giữ nguyên tốc độ tại làn xe hỗn hợp là 50km/giờ.
Tuy nhiên tình trạng mất an toàn giao thông vẫn còn tồn tại nhiều nguy cơ.
|
Để giải quyết tình trạng trên, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hà Nội đã tổ chức thu hẹp dải phân cách, mở thêm làn cho xe ô-tô và bố trí làn đường dành riêng cho xe máy trên cầu Thanh Trì kể từ ngày 3-4/10/2022.
Giảm ùn tắc, tai nạn giảm nhờ phân riêng làn xe máy
Cuối tháng 10/2022, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận tình hình giao thông trên cầu Thanh Trì vào khung giờ cao điểm dễ xảy ra ùn tắc. Theo đó, tình trạng ùn tắc đã thuyên giảm đáng kể.
Ông Lê Văn Quyết (quê ở Hà Nam) chạy xe ôm trên cầu Thanh Trì đã nhiều năm nay không khỏi ngán ngẩm mỗi khi chở khách qua cầu mỗi khi tắc đường.
"Khi còn làn xe hỗn hợp xe máy với ô tô, đường ùn tắc, ôtô cứ bíp còi đòi xe máy nhường đường, khung cảnh đó thật hỗn loạn", ông Quyết chia sẻ.
Tài xế này cũng cho hay, việc lái xe máy đi cùng đường với ôtô cũng khiến tài xế cảm thấy mất an toàn khi chiếc xe kềnh càng đi bên cạnh chạy tới 50km/h.
Cầu Thanh Trì hiện tại khi đã phân riêng làn xe máy. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Tuy nhiên, kể từ ngày Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hà Nội phân làn đường cho xe máy, những người chạy xe ôm cũng như người dân đi qua cầu cảm thấy an tâm hơn nhiều.
Ông Quyết cho hay, nếu như trước đây tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm buổi chiều, thì nay tình trạng này đã giảm đáng kể.
"Việc phân riêng làn xe máy và tốc độ đi trên cầu như vậy, thì tôi thấy hợp lí rồi. Giờ phải làm sao cho cầu sạch không còn vật liệu xây dựng rơi vãi, sửa mặt cầu mấp mô nữa là tốt", ông Quyết chia sẻ.
Là một người dân thường xuyên đi làm qua cầu Thanh Trì, chị Nguyễn Thị Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hàng ngày chị đi qua cầu để sang Gia Lâm làm việc, những ngày mưa to, gió lớn việc đi qua cầu rất khó khăn, bên cạnh đó xe ô tô đi chung vào làn đường xe máy khiến chị cảm thấy bất an.
"Kể từ khi phân riêng làn xe máy với ô tô, phụ nữ chúng tôi tay lái yếu cảm thấy an lòng hơn. Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc, va chạm theo quan sát của tôi đã giảm nhiều", chị Mai phấn khởi nói.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Công an Thành phố Hà Nội) cho biết, việc tách riêng một làn xe máy, ba làn ô tô đã giúp giảm tai nạn và ùn tắc trên cầu. Về mặt cầu Thanh Trì có nhiều đoạn gồ ghề, vấn đề này đang được cơ quan quản lý cầu thi công khắc phục; vật liệu rơi vãi trên cầu cũng thuộc trách nhiệm của đơn vị quản lý cầu.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận việc tham gia giao thông trên cầu Thanh Trì vào cuối tháng 10/2022:
Theo người dân, vào giờ cao điểm, nhất là buổi chiều lượng phương tiện qua cầu rất nhiều. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
"Ngày trước ô tô đi chung với làn xe máy thỉnh thoảng lại xảy ra va chạm, dẫn đến tắc đường, những người làm xe ôm chúng tôi chở khách qua cầu rất vất vả. Tuy nhiên khoảng gần 1 tháng nay, giảm rất nhiều tình trạng trên. Bên cạnh đó, tôi lái xe qua cầu cũng cảm thấy an tâm hơn khi không đi chung làn với ô tô", ông Lê Văn Quyết chia sẻ. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Làn đường dành riêng cho xe máy rộng 2,9m. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Có 3 làn đường ô tô, mỗi làn rộng 3,5m, ngăn giữa làn ô tô và xe máy là dải phân cách bê tông. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
"Lái xe qua cầu khi không có ô tô đi sát bên cạnh, tôi cảm thấy rất an tâm, không phải lo sợ cảnh ô tô mất lái va chạm với người đi xe máy", chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Dải phân cách bị phương tiện húc đổ. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Trên mặt cầu Thanh Trì ngoài biển thông báo cho phương tiện về việc đường mấp mô, nơi đây còn tồn tại nhiều vật liệu xây dựng, rác thải rơi vãi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Những tấm xốp bay, rải tứ tung đoạn đường xuống cầu, hướng ra ngoại thành (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Ở phía bên kia, đường hướng về trung tâm Hà Nội, mặt cầu có nhiều đá, cát vương vãi. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Cầu Thanh Trì đang trong quá trình thi công khắc phục sự xuống cấp của mặt cầu (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Tài liệu tham khảo:
1/https://baochinhphu.vn/ha-noi-phan-hoi-kien-nghi-ve-giao-thong-tren-cau-thanh-tri-102251655.htm
2/https://www.csgt.vn/tintuc/11071/De-tinh-hinh-TTATGT-khu-vuc-cau-Thanh-Tri-chuyen-bien-tich-cuc-hon.html