Từ năm 2015 đến nay, ngành Công nghệ thông tin chỉ có thêm 2 giáo sư

28/10/2022 06:47
Doãn Nhàn
GDVN- GS Từ Minh Phương: "Ngay trong HĐGS ngành Công nghệ thông tin, do thiếu người nên chúng tôi phải thêm cả PGS và các GS Toán học vào hội đồng”.

Mới đây, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 356 ứng viên được hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022.

11 ứng viên ngành Công nghệ thông tin bị loại ở hội đồng ngành

Năm nay, Kinh tế và Công nghệ thông tin là hai ngành có số ứng viên bị loại nhiều nhất. Cụ thể, năm 2022, ngành Công nghệ thông tin có 19 ứng viên được hội đồng giáo sư cơ sở đề nghị công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư (2 giáo sư, 17 phó giáo sư).

Ở vòng xét duyệt cấp ngành, liên ngành, số ứng viên từ 19 người giảm xuống còn 8 người (1 giáo sư và 7 phó giáo sư), 11 ứng viên bị loại.

Giáo sư Từ Minh Phương. Ảnh: Học viện Bưu chính Viễn thông Việt Nam

Giáo sư Từ Minh Phương. Ảnh: Học viện Bưu chính Viễn thông Việt Nam

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Từ Minh Phương - Uỷ viên Hội đồng giáo sư ngành Công nghệ thông tin lý giải, số lượng ứng viên bị loại do không đạt tiêu chí về điểm số bài báo khoa học. Cụ thể, Giáo sư Phương cho hay:

“Bài báo khoa học có 2 loại, một là bài đăng trên các tạp chí khoa học, hai là báo cáo ở các hội nghị khoa học. Từ năm ngoái, hội đồng giáo sư ngành đã làm rất chặt vấn đề bài bài báo khoa học này, cụ thể quy định ứng viên phải đạt bao nhiêu điểm ở tạp chí, bao nhiêu điểm ở báo cáo khoa học thì mới đạt chuẩn.

Các ứng viên ngành Công nghệ thông tin đa số có xu hướng sử dụng báo cáo ở hội nghị khoa học, do đó nhiều ứng viên năm nay bị loại vì không đủ điểm các đầu mục theo quy định”.

Đánh giá về số lượng ứng viên năm nay, Giáo sư Phương cho rằng với 8 ứng viên được qua vòng xét duyệt ngành như vậy là khá tốt. Đặc biệt, năm nay, có 2 ứng viên giáo sư, 1 ứng viên qua vòng xét duyệt ở hội đồng giáo sư ngành, liên ngành.

Theo Giáo sư Phương, các ứng viên giáo sư, phó giáo sư đang trẻ dần về độ tuổi. Năm nay, ứng viên phó giáo sư trẻ nhất của ngành Công nghệ thông tin sinh năm 1988 (34 tuổi).

Trước đó, năm 2021, ngành Công nghệ thông tin có 17 ứng viên được hội đồng giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (trong đó có 3 ứng viên giáo sư). Ở vòng xét duyệt của hội đồng giáo sư ngành, liên ngành còn 10 ứng viên, không có ứng viên giáo sư nào.

Trong danh sách 405 ứng viên giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn chức danh năm 2021 được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố hồi tháng 3 vừa qua, ngành Công nghệ thông tin có 9 phó giáo sư. Phó giáo sư trẻ nhất sinh năm 1983, công tác tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Kể từ năm 2019, việc xét đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg. Các quy định ngày càng siết chặt hơn về chất lượng của các ứng viên khiến số lượng giáo sư, phó giáo sư 3 năm trở lại đây giảm đáng kể.

Trước thực trạng này, Giáo sư Phương cho rằng các tiêu chuẩn xét duyệt hiện nay là quy định chung, do vậy ngành nào cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên việc siết chặt các tiêu chuẩn xét duyệt là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo sư, phó giáo sư trong bối cảnh phát triển hội nhập như hiện nay.

“Công bố quốc tế là một tiêu chuẩn bắt buộc. Không riêng khối ngành xã hội, trước đây, ở khối ngành kinh tế, các công bố quốc tế có rất ít, từ sau khi có quy định mới, các công bố quốc tế đang có xu hướng tăng lên, rất tốt.

Do vậy với khó khăn chung, ngành nào cũng cần cố gắng để nâng cao chất lượng các ứng viên giáo sư, phó giáo sư”, Giáo sư Phương nói thêm.

Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 12/2021, giảng viên trong các trường đại học có chức danh giáo sư đạt tỷ lệ chưa đến 1%, phó giáo sư chỉ chiếm 6,21%. So với nhu cầu trong nước và tương quan trong khu vực tỷ lệ này được đánh giá là thấp.

Chia sẻ với phóng viên, Giáo sư Phương cho biết, số lượng giáo sư ngành Công nghệ thông tin hiện nay cũng chưa đáp ứng được so với yêu cầu giảng dạy.

“Quan sát thực tế trong ngành và ở các trường hiện nay, tôi thấy số lượng giáo sư, phó giáo sư ngành Công nghệ thông tin vẫn còn ít. Ngay trong hội đồng giáo sư ngành Công nghệ thông tin, do thiếu người nên chúng tôi phải thêm cả phó giáo sư và giáo sư Toán học vào hội đồng”, ông cho hay.

Trong vòng 6 năm, ngành Công nghệ thông tin chỉ có thêm 2 giáo sư

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thống kê số liệu các ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành Công nghệ thông tin được công nhận đạt chuẩn chức danh những năm gần đây (từ năm 2015 đến 2021, theo công bố của Hội đồng Giáo sư Nhà nước).

Theo đó, từ năm 2015 đến năm 2021, chỉ năm 2019 có 2 ứng viên giáo sư đạt chuẩn là Giáo sư Từ Minh Phương (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) và Giáo sư Lê Hoài Bắc (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo Giáo sư Phương, thực tế đó đã đặt ra một số vấn đề cấp bách với đội ngũ nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin (phục vụ cho giáo dục và đào tạo) như sau:

Thứ nhất, giảng viên ngành Công nghệ thông tin đang thiếu so với nhu cầu, đặc biệt là giảng viên có trình độ cao. Các trường đại học cần có chính sách tốt để thu hút nhân tài, khuyến khích các giảng viên, nhà khoa học, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Thứ hai, trong kỷ nguyên số hiện nay, công nghệ thông tin là ngành đòi hỏi nhân lực rất lớn, do đó người làm công nghệ thông tin có cơ hội công việc đa dạng. Vì vậy, nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong nước đang đối mặt với thách thức lớn là đội ngũ nhân lực chất lượng cao có xu hướng ra nước ngoài làm việc. Theo Giáo sư Phương, thực tế này cũng xảy ra ở các nước phương Tây khi có rất nhiều giáo sư, phó giáo sư đi sang nước khác làm việc.

Giáo sư Phương cho rằng, với sự phát triển nhanh chóng trong thời đại kỷ nguyên số, số lượng giáo sư, phó giáo sư ngành Công nghệ thông tin trong tương lai sẽ có xu hướng tăng lên. Do vậy, chính sách tốt, đảm bảo về đãi ngộ sẽ giúp phát triển bền vững và nhanh chóng đội ngũ nhân lực chất lượng cao này.

Năm 2019, Giáo sư Từ Minh Phương trở thành giáo sư ngành Công nghệ thông tin trẻ nhất Việt Nam (48 tuổi). Đồng thời, cùng năm đó, ông được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Công nghệ thông tin 1 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Hiện, Giáo sư Từ Minh Phương đang là Chủ tịch Hội đồng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Doãn Nhàn