Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 27/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.
Tại Phiên họp này, các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận ngày 27/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội dành 2 ngày (27, 28/10) thảo luận về 3 nội dung: - Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. - Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu góp ý tại hội trường, Đại biểu Thái Thu Xương - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho biết, do tình hình kinh tế, chính trị khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, chuỗi cung ứng hàng hóa ở các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá cả không ổn định, đã tác động mạnh đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động, đặc biệt là các nhóm yếu thế, lao động nghèo, lao động nhập cư tại các đô thị, khu công nghiệp lớn.
“Bên cạnh đó, tình hình nhiều cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc trong thời gian gần đây, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn, nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Viên chức ngành giáo dục phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến dẫn đến nhiều áp lực.
Đại biểu Thái Thu Xương - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang phát biểu tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn. |
Chính vì áp lực công việc quá lớn nhưng sự quan tâm đối với lực lượng lao động này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức của họ bỏ ra, dẫn đến số lượng công chức, viên chức ngành y tế, giáo dục nghỉ việc lớn” - nữ đại biểu phân tích.
Cùng với đó, Đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương chia sẻ thêm: “Đối với lực lượng công nhân lao động nhập cư làm việc trong các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ học cho con do nhà ở xã hội chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân lao động; vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, các cơ sở giáo dục phổ thông tại các khu, cụm công nghiệp chưa phát triển nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là thiếu điểm giữ trẻ cho các cháu từ 6 đến 18 tháng tuổi.
Sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều gia đình công nhân, lao động nhập cư muốn cho con quay trở lại cùng sinh sống để tiện bề giáo dục, nuôi dưỡng, gắn kết tình cảm gia đình, giữ gìn truyền thống nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển trường cho con… Tuy nhiên, lại vấp phải một khó khăn, đó là do các địa phương sử dụng các bộ sách giáo khoa khác nhau, nên khi chuyển trường, phải tìm hiểu để mua sách mới cho con, sau đó, các con lại mất thời gian để thích ứng với sự thay đổi từ bộ sách này sang bộ sách kia”.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cũng đề cập đến vấn đề tăng lương cơ sở hiện nay đang được dư luận hết sức quan tâm. Cụ thể, sau đại dịch Covid-19, thời gian qua, giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, sách giáo khoa, xăng dầu... đang tăng liên tục, trong khi lương tối thiểu lại tăng thấp hơn so với chỉ số trượt giá.
Từ thực tế trên, từ ý chí, nguyện vọng cử tri và cán bộ, công chức, viên chức, Đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương kiến nghị: “Phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ trong việc giải bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế và giáo dục để đủ sức phục vụ cho nhân dân.
Đồng thời, trước mắt, chúng ta cần có những chính sách hỗ trợ người lao động và con em của họ, như nhà ở, cơ sở giáo dục từ mẫu giáo đến phổ thông phải đáp ứng nhu cầu; nghiên cứu để sách giáo khoa của học sinh khi con theo cha mẹ chuyển vùng, chuyển địa phương có thể thuận lợi hơn trong việc thay đổi môi trường học tập”.
“Đồng thời, nghiên cứu về thời gian tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt, hiện tại, theo nhiều ý kiến, nên tăng lương cơ sở từ ngày 01/01/2023, thay vì chờ đến ngày 01/7/2023; như vậy, có thể góp phần kiềm chế lạm phát, kiềm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng một đồng, giá tăng hai đồng...” - nữ đại biểu cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cũng nhấn mạnh, cử tri đang rất lo lắng khi lương chưa kịp tăng, chỉ mới rục rịch tăng, mà giá dịch vụ đã tăng, lương bổng luôn bị rớt lại phía sau so với phí dịch vụ. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tăng lương cơ sở sớm hơn 6 tháng (tức ngày 01/01/2023). Đây chắc chắn là món quà vô cùng ý nghĩa cho những người làm công ăn lương trong thời gian qua.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh cần rút ngắn thời gian áp dụng tăng lương cơ sở. (Ảnh: quochoi.vn). |
Câu chuyện liên quan đến tăng lương cơ sở có thể giữu chân được công chức, viên chức trong khu vực công hay không, thì đẩy nhanh tiến độ cải cách tiền lương mới là giải pháp. Tăng lương để người làm công ăn lương có thêm điều kiện đáp ứng cuộc sống, lương thấp tức là cán bộ, công chức, viên chức không được phản ánh đúng giá trị, chưa thể bù đắp được quá trình bồi dưỡng, tự bồi dưỡng...
Chính vì vậy, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và cải cách tiền lương là một trong những giải pháp căn cơ có thể cạnh tranh, giữ chân người tài”.