Đã có ai bị miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư chưa?

29/10/2022 06:47
Doãn Nhàn
GDVN- Bị phát hiện và xác định là không đủ tiêu chuẩn quy định vào thời điểm được phong hoặc công nhận sẽ bị hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.

Hiện nay, các quy định, thủ tục liên quan đến xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg.

Cũng căn cứ theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, thủ tục hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện qua 2 quy trình:

Thứ nhất là xét hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Thứ hai là miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Với quy trình thứ nhất, các trường hợp xét hủy bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư bao gồm 4 trường hợp:

1. Bị phát hiện và xác định là không đủ tiêu chuẩn quy định vào thời điểm được phong hoặc công nhận.

2. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, bị thu hồi hoặc bị tước bằng tiến sĩ.

3. Bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.

4. Bị tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

Khi có thông tin, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước phải chủ trì, phối hợp với cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan liên quan xác minh những trường hợp xét hủy bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư; Sau đó, tiến hành tổ chức thẩm định từng trường hợp, ban hành nghị quyết hủy bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước căn cứ nghị quyết của hội đồng để ra quyết định hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh, tước bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư; thông báo cho cơ quan có thẩm quyền quản lý giảng viên, cho các cơ sở giáo dục đại học và đối tượng hủy bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Sau khi thực hiện xong quy trình thứ nhất, thủ tục hủy bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư sẽ tiến tới quy trình thứ hai là thực hiện miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Các trường hợp xét miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư bao gồm 3 trường hợp sau đây:

1. Đã có quyết định hủy bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

2. Được xác định là không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm.

3. Bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ được giao sau khi bổ nhiệm.

Về trình tự miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư: khi nhận được quyết định hủy bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư của Hội đồng Giáo sư nhà nước hoặc minh chứng hợp pháp xác định những trường hợp không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm hoặc bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo quy định, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học thành lập hội đồng xét miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư để rà soát, xem xét từng trường hợp cụ thể;

Sau đó, căn cứ kết luận của Hội đồng xét miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học ra quyết định miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, báo cáo Thủ trưởng cơ quan chủ quản và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cho đến nay, hiện ở nước ta chưa có trường hợp giáo sư, phó giáo sư nào bị miễn nhiệm chức danh phó giáo sư, giáo sư.

Tuy nhiên, cứ đến mùa xét công nhận học hàm lại xảy ra nhiều tranh cãi, các lùm xùm liên quan đến liêm chính khoa học.

Cụ thể, hàng năm có các đơn thư tố cáo, khiếu nại và phản ánh của dư luận xã hội liên quan đến nội dung chuyên môn, học thuật, tính liêm chính và uy tín khoa học của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư. Các nội dung chủ yếu như: bài báo công bố trên các tạp chí chất lượng thấp, hoặc nằm trong danh mục tạp chí bị cảnh báo về chất lượng; bài đăng trên tạp chí đã được đưa ra khỏi danh mục ISI/Scopus; công bố bài báo số lượng lớn trong thời gian ngắn,...

Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng cần trả việc đánh giá, công nhận và bổ nhiệm các ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư về cho trường đại học.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp tăng cường các hoạt động thanh tra, hậu kiểm việc thực hiện quy chế, chỉ tiêu, quá trình xét công nhận và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư.

Được biết, năm nay cả nước có 394 ứng viên giáo sư, phó giáo sư được đề nghị xét tại Hội đồng Giáo sư Nhà nước, trong đó có 36 ứng viên giáo sư và 358 ứng viên phó giáo sư. Trước đó, danh sách ứng viên giáo sư, phó giáo sư được Hội đồng giáo sư cơ sở đề nghị xét tại Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành là 479 ứng viên.

STT

Tên HĐGS ngành, liên ngành

Ứng viên do HĐGSCS đề nghị xét tại HĐGS ngành Ứng viên do HĐGS ngành đề nghị xét tại HĐGSNN

Tỷ lệ đạt

GS PGS Tổng GS PGS Tổng
1 Tâm lý học 0 1 1 0 0 0 0%
2 Công nghệ thông tin 2 17 19 1 7 8 42%
3 Triết học - Xã hội học - Chính trị học 1 7 8 1 4 5 63%
4 Điện - Điện tử - Tự động hóa 3 19 22 1 13 14 64%
5 Xây dựng - Kiến trúc 0 15 15 0 10 10 67%
6 Sinh học 2 23 25 2 17 19 76%
7 Toán học 2 15 17 2 11 13 76%
8 Khoa học Trái đất - Mỏ 5 13 18 2 12 14 78%
9 Cơ khí - Động lực 1 23 24 1 18 19 79%
10 Nông nghiệp - Lâm nghiệp 1 19 20 0 16 16 80%
11 Kinh tế 6 53 59 3 45 48 81%
12 Vật lý 6 21 27 4 19 23 85%
13 Giao thông vận tải 2 13 15 2 11 13 87%
14 Hóa học - Công nghệ thực phẩm 3 47 50 1 43 44 88%
15 Thủy lợi học 2 6 8 1 6 7 88%
16 Y học 7 4 49 7 36 43 88%
17 Văn hóa - Nghệ thuật - TDTT 0 9 9 0 8 8 89%
18 Khoa học quân sự 0 22 22 0 20 20 91%
19 Giáo dục học 0 15 15 0 14 14 93%
20 Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản 3 12 15 3 12 15 100%
21 Cơ học 2 3 5 2 3 5 100%
22 Dược 0 4 4 0 4 4 100%
23 Khoa học an ninh 1 17 18 1 17 18 100%
24 Luật học 1 5 6 1 5 6 100%
25 Luyện kim 0 1 1 0 1 1 100%
26 Ngôn ngữ học 0 2 2 0 2 2 100%
27 Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học/NH 1 1 2 1 1 2 100%
28 Văn học 0 3 3 0 3 3 100%
Tổng cộng 51 428 479 36 358 394 82%

Theo thống kê từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước, tỷ lệ ứng viên giáo sư, phó giáo sư được Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành xét duyệt đạt 82% so với số lượng ứng viên Hội đồng Giáo sư cơ sở đề xuất. Đáng lưu ý, có 11 ứng viên dù đã được các hội đồng cơ sở thông qua rồi nhưng vẫn xin rút hồ sơ; còn 85 ứng viên bị loại do không được các hội đồng ngành thông qua trong quá trình xét hồ sơ.

Hai ngành Công nghệ thông tin và Kinh tế có số ứng viên bị loại nhiều nhất - 11 ứng viên. Tiếp theo là các ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa (8), Hóa học - Công nghệ thực phẩm (6), Sinh học (6), Cơ khí - Động lực (5), Y học (5), Khoa học trái đất - Mỏ (4), Nông nghiệp - Lâm nghiệp (4), Toán học (4), Vật lý (4), Triết học - Xã hội học - Chính trị học (3).

Đáng chú ý, ngành Tâm lý học có 1 ứng viên Phó giáo sư được Hội đồng giáo sư cơ sở thông qua, nhưng lên đến hội đồng ngành thì đã bị loại.

Doãn Nhàn