Chuyển đổi số giúp giảm áp lực cho cả thầy và trò, hỗ trợ quản lý GD tốt hơn

28/10/2022 15:26
Việt Dũng
GDVN- Chuyển đổi số sẽ làm giảm áp lực cho học sinh, giáo viên, hỗ trợ quản lý giáo dục tốt hơn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Văn Hiếu đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Chuyển đổi số giáo dục – Từ cốt lõi đến toàn diện”.

Hội thảo này được tổ chức vào ngày 28/10, theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với sự tham dự của lãnh đạo các cấp học, bậc học trên địa bàn Thành phố.

Đặc biệt, hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – ông Dương Anh Đức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Anh Đức cho hay, Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị lớn của cả nước lẫn trong khu vực.

Với quy mô khoảng 2 triệu học sinh các cấp từ bậc học mầm non đến phổ thông, trên 100.000 cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên làm trong lĩnh vực giáo dục, đây là một nguồn lực rất lớn để phát triển lĩnh vực giáo dục, nên ngành luôn được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo (ảnh: P.L)

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo (ảnh: P.L)

Để phát triển giáo dục, thành phố đang tập trung triển khai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đến các cán bộ, giảng viên, nhân viên để phục vụ cho việc đào tạo học sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ngành giáo dục thành phố xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo, là công cụ tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, là mục tiêu và động lực quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của thành phố.

Chuyển đổi số sẽ làm giảm áp lực cho học sinh, giáo viên, hỗ trợ cho việc quản lý giáo dục tốt hơn.

Công nghệ thông tin hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi trong công tác quản lý giáo dục, cụ thể như phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu của học sinh, giáo viên, quản lý chuyển trường và tiếp nhận học sinh, quản lý thi và nhiều hoạt động chuyên môn khác.

Hệ thống thẻ học đường thông minh, với nhiều tiện ích không chỉ giúp hạn chế sử dụng tiền mặt mà còn hỗ trợ cho các hoạt động và học tập, sinh hoạt của học sinh. Thành phố cũng đã triển khai kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin. Đây còn là cơ sở quan trọng để kết nối hệ thống phần mềm, tạo cơ sở dữ liệu chung cho ngành.

Người đứng đầu ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giúp trường học có được sự cộng tác, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, sự đồng tình từ phía cha mẹ học sinh.

Bản chất của ứng dụng công nghệ là kết nối, làm thế nào để thông tin giáo dục được minh bạch. Cán bộ quản lý cần biết được giáo viên của họ đang làm gì, dạy thế nào, học sinh học tập ra sao, từ đó có giải pháp để dạy và học tốt hơn.

Toàn cảnh hội thảo quốc tế về chuyển đổi số trong ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Toàn cảnh hội thảo quốc tế về chuyển đổi số trong ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để thực hiện việc chuyển đổi số, đó là: Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số; nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành; thực hiện tốt các quy định hiện hành trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; xây dựng, phát triển dữ liệu số; tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học ở tất cả các cơ sở giáo dục.

Tại hội thảo này, đại diện Ngân hàng Thế giới đến tham dự đã đưa ra lưu ý, ngành giáo dục thành phố cần thiết kế các chiến lược, để đảm bảo sự phù hợp giữa chính sách và quá trình thực thi.

Trong đó, cần đặt giáo viên và học sinh vào trung tâm của chiến lược công nghệ giáo dục, chú ý đến các khối lớp thấp hơn để tăng cường tính nhất quán. Đặc biệt là việc xây dựng các cơ chế hỗ trợ, nhằm hướng dẫn giáo viên sử dụng công nghệ trong giảng dạy là rất quan trọng, thay vì cho lập kế hoạch hoặc hoạt động mang tính chất hành chính.

Ở cấp độ chính sách, rất cần xây dựng, thực hiện các tiêu chuẩn phù hợp, trong đó có xác định năng lực kỹ thuật số của giáo viên.

Việt Dũng