Thủ tướng: Xây dựng và nâng tầm thương hiệu quốc gia có ý nghĩa chiến lược

03/11/2022 09:39
Theo TTXVN; baochinhphu.vn
GDVN- Tối 2/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022.

Chương trình thương hiệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, giao Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp các bộ, ngành triển khai.

Tại buổi lễ, 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm có chất lượng và uy tín được ghi nhận và vinh danh.

Thủ tướng nhấn mạnh: Những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình Thương hiệu Việt Nam là rất đáng trân trọng nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm và có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn, cố gắng hơn nữa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh: Những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình Thương hiệu Việt Nam là rất đáng trân trọng nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm và có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn, cố gắng hơn nữa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dưới đây là toàn văn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại sự kiện này.

Thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, quý vị đại biểu, các vị khách quý!

Thưa các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp!

Hôm nay, chúng ta rất vui mừng dự Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8, năm 2022 - một sự kiện quan trọng, đầy ý nghĩa nhằm tôn vinh những thương hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng, có uy tín, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế, góp phần đưa thương hiệu Việt ngày càng trở nên thân thiện, uy tín và hấp dẫn hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng 172 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2022; đồng thời ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực và những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Tôi cũng biểu dương Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, Bộ Công Thương đã tích cực chỉ đạo, triển khai đạt kết quả tốt trong các hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia, góp phần củng cố, nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Thưa các đồng chí, quý vị đại biểu, khách quý!

Xây dựng Thương hiệu quốc gia là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, có phạm vi rộng, nhiều việc phải làm với tác động, ảnh hưởng lớn và đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, nhân dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Đây là nguồn lực của từng doanh nghiệp, nhưng cũng là của quốc gia, nên việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với doanh nghiệp và đất nước.

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia với mục đích xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hấp dẫn, uy tín và chất lượng cao, số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 172 doanh nghiệp năm 2022. Sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam ngày càng được khẳng định vị trí vững chắc ở thị trường trong nước và thị trường toàn cầu qua những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, thị phần, thứ hạng trong nhiều lĩnh vực và sự coi trọng của các đối tác quốc tế. Đây cũng chính là sự khẳng định đầy sức thuyết phục về chất lượng hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.

Đặc biệt, 172 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022 có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2021 khoảng 1.570 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 129.000 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho gần 600.000 lao động, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Nhìn lại 10 tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới biến động phức tạp hơn, có những yếu tố chưa có tiền lệ, vượt dự báo, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, giá dầu thô, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh, lạm phát ở mức cao, lãi suất tăng và thu hẹp chính sách tiền tệ ở nhiều nước dẫn đến suy giảm tăng trưởng và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu là hiện hữu; nhiều đối tác, thị trường thương mại lớn, truyền thống của ta bị ảnh hưởng nặng nề. Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Trong bối cảnh đầy khó khăn đó, tôi đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam bằng bản lĩnh, trí tuệ, tư duy sáng tạo, tinh thần trách nhiệm với đất nước, cùng đội ngũ người lao động đoàn kết, gắn bó, sẻ chia, vẫn luôn vững vàng, mạnh mẽ, nỗ lực vượt khó, duy trì, thúc đẩy sản xuất, giữ vững thị trường nội địa và xuất khẩu, đóng góp quan trọng cho những thành quả chung của đất nước.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia nói riêng không chỉ thể hiện xuất sắc ở nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, mà còn nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội, chung tay cùng với cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lụt và nhiều hoạt động, nghĩa cử cao đẹp khác; thể hiện giá trị nhân văn, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nghiệp, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Cùng với sự phát triển và khẳng định uy tín của sản phẩm, của doanh nghiệp Việt Nam, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã góp phần thúc đẩy Thương hiệu quốc gia thăng hạng mạnh mẽ, đưa Việt Nam lọt vào nhóm các nước có thương hiệu mạnh. Theo tổ chức Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022, đồng thời Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74% giai đoạn 2019-2022). Cùng với sự phát triển của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước có mức tăng trưởng 36%. Đây là sự nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng với kết quả của Chương trình Thương hiệu quốc gia và các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi của Đảng, Nhà nước. Đó cùng là niềm tự hào của đất nước chúng ta!

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng sự nỗ lực và những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là sự đóng góp của những doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được vinh danh lần này.

Thưa các đồng chí, quý vị đại biểu, khách quý!

Những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình Thương hiệu Việt Nam là rất đáng trân trọng nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm và có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn, cố gắng hơn nữa. Tạo ra được thương hiệu rất khó, duy trì được thương hiệu lại càng khó hơn. Để làm được điều đó chúng ta cần xây dựng được niềm tin của xã hội, của nhân dân, của cộng đồng quốc tế với thương hiệu Việt. Niềm tin đó được hội tụ bởi nhiều nhân tố như chất lượng, giá trị sản phẩm, đạo đức kinh doanh chuẩn mực, hình ảnh người đứng đầu doanh nghiệp tốt, sự đóng góp, tính nhân văn của doanh nghiệp với cộng đồng xã hội, với đất nước và với các đối tác, bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, chúng ta đang sống trong một thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường với rất nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro tiềm ẩn. Trong bối cảnh chung cạnh tranh chiến lược trên toàn cầu ngày càng gay gắt trên nhiều phương diện, cạnh tranh kinh tế, thương mại, giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia, khu vực ngày càng quyết liệt, phức tạp và tác động, ảnh hưởng ngày càng lớn đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thực hiện nhất quán chủ trương chủ động, tích cực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, chúng ta xác định rõ thời gian tới khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi và phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng và nâng tầm thương hiệu quốc gia có ý nghĩa chiến lược và đây cũng là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng hết sức vẻ vang của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022. Ảnh: TTXVN

Đảng, Nhà nước rất tin tưởng và kỳ vọng vào bản lĩnh, năng lực, trí tuệ, sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó, năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập của đất nước, ngày càng phát huy sức sáng tạo để nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trên thị trường thế giới. Tôi đánh giá cao Báo cáo của Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân và đề nghị các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong thời gian tới tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, tận dụng lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu thông qua các biện pháp nâng cao giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hình ảnh đẹp của mỗi thương hiệu quốc gia sẽ là hình ảnh đẹp về thương hiệu của đất nước, truyền thống, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam.

Hai là, đảm bảo và không ngừng củng cố, nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm thương hiệu Việt thông qua hệ thống sản xuất, quản trị kinh doanh tiên tiến và hoạt động tài chính công khai, minh bạch, lành mạnh, bền vững.

Ba là, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các cải tiến kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh; tăng cường chủ động hội nhập thực chất, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bốn là, tập trung đào tạo đội ngũ người lao động có trình độ, kỹ năng, chuyên nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập trên tất cả các lĩnh vực.

Năm là, không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức kinh doanh; tuân thủ đúng quy định, pháp luật của Nhà nước; xung kích, đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Chú trọng hơn nữa công tác thông tin truyền thông; bảo vệ bản quyền, giá trị thương hiệu.

Sáu là, không ngừng xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thưa các đồng chí, cùng toàn thể quý vị đại biểu, khách quý!

Sự thành công và phát triển của cộng đồng, doanh nghiệp, thương hiệu, uy tín của sản phẩm, dịch vụ là thước đo sự thành công của công tác điều hành, quản lý của Nhà nước. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Từ đó, các doanh nghiệp có đủ điều kiện trong chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Tôi yêu cầu Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia tham gia tích cực hơn nữa trong xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao biểu trưng vinh danh các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao biểu trưng vinh danh các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022. Ảnh: TTXVN

Tôi đề nghị các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, vì lợi ích của doanh nghiệp gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam, nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Chúng ta mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia tiếp tục theo đuổi các tiêu chí của Chương trình là "Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong", nỗ lực hơn nữa để ngày càng xứng đáng là những doanh nghiệp đi đầu, là đại diện cho Thương hiệu quốc gia; đồng thời, xứng đáng với niềm tin, sự yêu mến của người tiêu dùng trong nước, ngoài nước và sự kỳ vọng của tất cả chúng ta.

Thưa các đồng chí, cùng toàn thể quý vị đại biểu, khách quý!

Với tinh thần trách nhiệm cao, với khí thế và niềm tin của cả nước và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng, trong thời gian tới sẽ có thật nhiều doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của Chương trình, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Sự cố gắng của mỗi doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia sẽ là những hạt nhân góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Chúng ta tin tưởng rằng, hai tiếng "Việt Nam" gắn với hình ảnh sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng cao sẽ ngày càng phát triển và góp phần củng cố vững chắc vị thế, uy tín trên toàn thế giới.

Chúc các đồng chí, quý vị đại biểu, khách quý sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn.

Theo TTXVN; baochinhphu.vn