Không đào tạo từ xa với nhóm ngành sức khỏe và GV là rất đúng và cần thiết

07/11/2022 06:45
Nguyên Phương
GDVN- TS Nguyễn Viết Thịnh cho rằng, nhóm ngành đào tạo giáo viên cần sự tương tác trực tiếp giữa thầy với trò, không phù hợp phương thức đào tạo từ xa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học.

So với quy định hiện hành tại Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT, dự thảo có quy định mới, yêu cầu không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Bước đi thận trọng, trách nhiệm vì chất lượng đội ngũ nhà giáo

Trao đổi vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh khẳng định, dự thảo quy định trên phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh. (Ảnh: Trường Đại học Vinh)

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh. (Ảnh: Trường Đại học Vinh)

Vì đây hai ngành có tính đặc thù nghề nghiệp cao. Trong đó, ngành sư phạm là nghề dạy người, lao động của giáo viên được xem là lao động đặc biệt, khi đối tượng, công cụ, quy trình và sản phẩm đều do con người thực hiện và trực tiếp tác động đến con người.

Đối tượng lao động sư phạm là học sinh, công cụ lao động sư phạm chủ yếu là nhân cách của người giáo viên; nhân cách ấy tác động đến sự hình thành nhân cách của học sinh. Sản phẩm lao động sư phạm cũng chính là học sinh – có được phẩm chất, năng lực và đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội.

Phải khẳng định rằng, chất lượng của hệ thống giáo dục, trong đó có hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ giáo viên. Trong giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay, đào tạo giáo viên càng đòi hỏi nhiều yêu cầu cao, từ mục tiêu, nội dung đào tạo đến hình thức tổ chức đào tạo hoặc các nguồn lực phục vụ quá trình đào tạo.

Hơn nữa, trong bối cảnh đào tạo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, đòi hỏi quá trình đào tạo phải tăng cường phương thức trải nghiệm thực hành; tăng cường tích hợp tri thức, giữa đào tạo lý thuyết và thực hành nghề nghiệp; cũng như tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo giáo viên với các trường học.

Vậy câu hỏi đặt ra là đào tạo từ xa có đáp ứng được những đòi hỏi, yêu cầu đó hay không?

Thầy Nguyễn Ngọc Hiền cho rằng, đào tạo từ xa nhằm tạo điều kiện cho mọi người có thể nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người ở mọi nơi, mọi lúc, qua đó góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội.

Tại thời điểm hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, chất lượng đào tạo từ xa cũng đã được cải thiện rất nhiều, đóng góp cho việc cung ứng nguồn nhân lực.

Dù vậy, những hạn chế của đào tạo từ xa vẫn còn, đặc biệt trước yêu cầu ngày càng cao trong đào tạo giáo viên hiện nay, phương thức này khó có thể đáp ứng trọn vẹn.

“Ngành y và sư phạm là hai lĩnh vực an sinh xã hội lớn mà Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, đầu tư. Vì vậy, việc tăng cường quản lý chất lượng trong quá trình đào tạo là rất quan trọng và cần thiết. Dự thảo có nội dung không cho phép đào tạo từ xa với khối ngành lĩnh vực sức khỏe và khối ngành đào tạo giáo viên là phù hợp, đây là một bước đi thận trọng, trách nhiệm vì chất lượng đội ngũ những người thầy”, Tiến sĩ Hiền nêu quan điểm.

Đào tạo đội ngũ giáo viên có phẩm chất và năng lực tốt hơn

Cũng trao đổi vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang nói rằng, dự thảo quy định trên thiết nghĩ là đúng và rất cần thiết.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Nghề y liên quan đến sức khoẻ, tính mạng con người và nghề giáo liên quan sự phát triển nhân cách của con người. Lẽ tất nhiên xã hội yêu cầu nhân lực của nghề y và nghề giáo phải đạt chất lượng tốt.

Đào tạo từ xa chỉ là một trong các cách đào tạo. Hạn chế của cách đào tạo này là thiếu sự giao tiếp trực tiếp giữa người dạy với người học cũng như giữa người học với nhau.

Trong khi các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ rất cần phải có thực hành với sự hướng dẫn trực tiếp của người dạy, thời lượng thực hành khá lớn mới có thể đảm bảo năng lực hành nghề sau này.

Tương tự, các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên cần sự tương tác trực tiếp giữa thầy với trò. Người thầy không chỉ truyền thụ, hướng dẫn cho học trò tích luỹ kiến thức mà quan trọng hơn, người thầy là tấm gương sống về phẩm chất cho học trò noi theo.

Qua tiếp xúc trực tiếp trong quá trình dạy học thì học trò mới lĩnh hội được nhiều hơn từ phẩm chất người thầy; người học cũng tự học hỏi nhau để tiến bộ về phẩm chất và năng lực, đó là lý do quan trọng mà nghề giáo cần được đào tạo trực tiếp.

Chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng đào tạo nhằm phát triển về phẩm chất và năng lực người học. Do đó các ngành đào tạo giáo viên có đặc thù là phải đào tạo được những thầy cô giáo tương lai có phẩm chất và năng lực tốt. Chính vì vậy, đào tạo từ xa đối với nhóm ngành này là không phù hợp.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cũng khẳng định, dự thảo quy định không đào tạo từ xa đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên sẽ góp phần quan trọng trong việc giúp tạo đội ngũ giáo viên có phẩm chất và năng lực tốt hơn.

Bàn về hoạt động bồi dưỡng cho giáo viên bằng hình thức trực tuyến, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang cho biết, bồi dưỡng cho giáo viên khác với đào tạo sinh viên sư phạm.

Đào tạo là một quá trình với thời gian đủ dài trong khi bồi dưỡng trong khoảng thời gian ngắn hơn. Việc bồi dưỡng dạng này chủ yếu là bổ sung thêm về kiến thức nên hình thức trực tuyến vẫn phát huy được tác dụng với những ưu điểm vốn có.

Để đảm bảo hoạt động bồi dưỡng giáo viên bằng hình thức trực tuyến được hiệu quả và thực chất, Tiến sĩ Thịnh cho rằng, ngoài việc nội dung bồi dưỡng được chuẩn bị tốt, người truyền đạt thu hút người nghe, cũng cần đặt ra yêu cầu cao trong khâu đánh giá, đặc biệt là có phương cách để đánh giá được ý thức học tập, năng lực tiếp thu, tự học, cầu thị, tính trung thực của người học. Làm sao biến được khoá bồi dưỡng ngắn hạn thành quá trình tự đào tạo thường xuyên của người được bồi dưỡng.

Đối với các khoá bồi dưỡng về kỹ năng, hướng đến phát triển năng lực thì hình thức bồi dưỡng trực tuyến có nhiều hạn chế, cần kết hợp thêm hình thức bồi dưỡng trực tiếp với một tỉ lệ thời gian nhất định để đảm bảo hoạt động này được hiệu quả và thực chất.

Nguyên Phương