ĐB chất vấn Bộ trưởng TT&TT về triển khai chương trình 'Sóng và máy tính cho em'

04/11/2022 13:47
Ngân Chi
GDVN-Trả lời chất vấn sáng này 04/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã đề cập đến nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, tích cực đưa công nghệ về vùng khó.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 04/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề liên quan lĩnh vực xây dựng, đồng thời tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 - lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.

Giải pháp cho nhân lực công nghệ số là đại học số

Đặt vấn đề chất vấn hội trường, Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đề cập đến giải pháp cho việc thiếu hụt nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin.

Cụ thể, Đại biểu Đào Chí Nghĩa nêu rõ: “Trong báo cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định việc đào tạo nhân lực chuyên trách về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang thiếu hụt về số lượng và chất lượng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ giải pháp cho vấn đề này?

Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ. Ảnh: quochoi.vn.

Bên cạnh đó, việc chậm tổ chức đấu giá việc sử dụng tần số vô tuyến điện gây lãng phí lớn tài nguyên tần số. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề này như thế nào?”.

Trả lời câu hỏi về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện cả nước có xấp xỉ khoảng 1,2 triệu cả người lao động, nhưng nhân lực tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550 ngàn người.

Bộ trưởng cho rằng giải pháp ở đây là đại học số. “Tuy nhiên, nếu đào tạo theo cách truyền thống, thì đã đạt đến mức giới hạn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cấp giấy phép về thí điểm đại học số. Nếu đại học số thí điểm sớm thì sẽ là một trong những giải pháp để có thể nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số” - Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng.

Ngoài ra Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết thêm, một trong những giải pháp mang tính căn bản đột phá mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện là xây dựng các nền tảng đào tạo trực tuyến số lượng lớn đến các đối tượng khác nhau, trên nền tảng này là One Touch và đã đưa vào vận hành được 6 tháng, đã có 10 triệu người Việt Nam lên đó học tập.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Trong nền tảng này, cũng có một phần dành riêng cho cán bộ, công chức có thể tự học, tự đánh giá và sẽ tự cấp các chứng chỉ.

Trả lời câu hỏi về chậm đấu giá tần số vô tuyến điện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện đã hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đấu giá là theo Nghị định 88 để thực hiện các tiến trình đấu giá tần số cho 4G và sắp tới sẽ là tần số 5G. Bộ trưởng cũng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai đấu giá tần số. Tuy nhiên với việc đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để sớm tổ chức đấu giá và dự kiến là đầu năm 2023.

Trả lời chất vấn của đại biểu về đào tạo nhân lực thông tin và chuyển đổi số trong đó có hạ tầng cho ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin cho bà con vùng sâu vùng xa có thể theo dõi tin tức, học tập đã đáp ứng được. Hiện nay cáp quang đã được đưa đến 93% thôn bản. Việt Nam là một trong số ít các nước có tỉ lệ cao như vậy; giá cả cũng nằm trong tốp 20 trên thế giới, tương đối thấp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể đáp ứng được, đáp ứng tốt và giá thì rẻ hơn nước ngoài. Với mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là 100 nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, cần đặt ra nhiều bài toán để các doanh nghiệp công nghệ số phát triển mạnh hơn nữa…

“Sóng và máy tính cho em” không chỉ cần khi dịch bệnh

Tham gia chất vấn tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm của việc không triển khai được Chương trình “Máy tính cho em” với gói hỗ trợ 6.000 tỷ đồng cũng như việc chậm thực hiện nội dung về thông tin truyền thông trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?

“Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Quốc hội, hiện chỉ còn 266 thôn, bản chưa có dịch vụ viễn thông di động. Đây là những nỗ lực rất lớn đáng ghi nhận của ngành Thông tin truyền thông.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm của việc không triển khai được Chương trình “Máy tính cho em”. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm của việc không triển khai được Chương trình “Máy tính cho em”. Ảnh: quochoi.vn.

Tuy nhiên, qua các chuyến công tác như khảo sát và phản ánh của cử tri, còn rất nhiều “vùng lõm” ở các thôn, bản, điểm dân cư không có sóng hoặc sóng rất yếu, nhất là ở các vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Điều này đã hạn chế đến phát triển kinh tế - xã hội và cả công tác bảo đảm an ninh quốc phòng.

Xin Bộ trưởng cho biết con số 266 thôn, bản có thực sự xác đáng không? Giải pháp để đầu tư, cải thiện hạ tầng thông tin ở các tỉnh khó khăn và với nguồn quỹ hỗ trợ từ khi nào các vùng lõm đủ sóng và sóng khỏe, đáp ứng nhu cầu của nhân dân?” - Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lâm Thành về chương trình máy tính cho em, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Chương trình “Máy tính cho em” với 1 triệu máy thì có 600 nghìn máy tính bảng cho em là nguồn lực xã hội hóa. Hiện nay là 500 nghìn máy tính bằng nguồn lực xã hội hóa.

“Chúng ta cũng đã tổ chức đánh giá hiệu quả của các máy tính đưa đến các em. Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thống nhất thời điểm đưa chính thức chương trình học trực tuyến trong lúc không còn Covid-19” - Bộ trưởng thông tin.

Về vấn đề sóng “vùng lõm”, Bộ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt kế hoạch trong đến hết năm nay hoặc đến Quý 1/2023 để giải quyết. Tuy nhiên, để phát hiện những “điểm lõm” về sóng phải do chính quyền địa phương báo cáo về Bộ, từ đó, Bộ tổng hợp và chỉ đạo thực hiện và hiện nay có Quỹ để phủ sóng “vùng lõm”.

Tranh luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao những đóng góp của ngành thông tin đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tạo được sự thay đổi rất lớn…

Tuy nhiên, với góc độ cá nhân cũng như một số đại biểu Quốc hội, đại biểu cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng là chưa thỏa đáng. Liên quan đến việc chậm trễ thi hành một số nội dung liên quan đến Chương trình “Sóng và máy tính cho em” cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ trưởng chưa trả lời rõ vấn đề này.

Đại biểu cho rằng, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” trong bối cảnh mới cần phải được tiếp cận lại. Đó không chỉ là phục vụ cho vấn đề khi học trong điều kiện dịch bệnh, mà còn tạo cơ hội học tập và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và xã hội số.

Đại biểu nhấn mạnh, cần phải làm rõ trách nhiệm trong vấn đề này. Nhiều vấn đề trong nội dung này cần được xử lý để đáp ứng chuyển đổi số và xã hội số, kinh tế số trong điều kiện mới, đặc biệt là áp dụng cho vùng miền núi, dân tộc để hội nhập, giảm khoảng cách tốt nhất giữa các vùng địa hình.

Trả lời tranh luận của Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đính chính về số liệu liên quan đến Chương trình “Sóng và máy tính cho em” với 1 triệu máy, trong đó, 600.000 máy là do các doanh nghiệp và cá nhân tài trợ, 400.000 máy sử dụng quỹ viễn thông công ích. Hiện nay 400.000 máy đang đồng bộ về chương trình học trực tuyến sau Covid-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời tranh luận. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời tranh luận. Ảnh: quochoi.vn.

Còn về nguồn ngân sách Quốc hội cho phép tăng thêm cho các bộ, ngành, địa phương để phát triển các dự án công nghệ thông tin, Bộ trưởng cho biết thực hiện quy định của pháp luật theo đó, các cơ quan Trung ương, địa phương đăng ký dự án với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Có chăng, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chưa đưa ra khuyến nghị với nguồn kinh phí này trọng tâm nên đặt vào đâu để mang lại hiệu quả… Khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra những khuyến nghị cụ thể…” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nêu rõ, cuộc cách mạng 4.0 đã và đang hiện hữu trong cuộc sống. Đi cùng với đó, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại khu vực biên giới, vùng núi, nơi có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế nên còn nhiều rào cản. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên?

Về công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, giải pháp căn cơ là cho bà con phương tiện tiếp cận, cụ thể là sóng 3G, 4G, điện thoại thông minh.

Trong chương trình viễn thông công ích, đã dành ra 400 ngàn điện thoại thông minh cho bà con, 400 nghìn Ipad cho học sinh chưa được triển khai. Vấn đề đặt ra là chính quyền địa phương cung cấp thông tin về số hộ gia đình, bà con, học sinh để Bộ cung cấp phương tiện cho bà con.

Nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc

Tranh luận tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng, trên mạng sẽ khác ở ngoài đời về quản lý theo lãnh thổ, địa giới hành chính. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thông tin và xử lý những tài khoản có vi phạm thì chẳng khác gì khi thực hiện phòng Covid-19 mới đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa…

Vị đại biểu cho rằng: “Giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng với các thông tin xấu độc.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng, giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng với các thông tin xấu độc. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng, giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng với các thông tin xấu độc. Ảnh: quochoi.vn.

Thứ hai, chúng ta cũng cần cho công chúng có thể đọc được nhiều thông tin đa chiều, thông tin phản biện, nhiều thông tin tích cực nhưng mà phải mang tính thuyết phục cao, phải khuyến khích các tờ báo đi thẳng vào vấn đề nóng với một thái độ trách nhiệm, không né tránh và không phải chỉ khen một chiều mới hay.

Bởi vì thực tế nếu thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc. Quan trọng nhất là phải không uống thuốc độc ngay từ đầu. Nếu để độc hại ngấm vào rồi uống giải độc thì chúng ta chắc chắn mãi mãi sẽ phải chạy theo, rất vất vả”.

Nhất trí với quan điểm của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa về nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu quan điểm, cơ quan, tổ chức, cá nhân nào quản lý lĩnh vực này trong không gian thực, thì cũng quản lý trên không gian mạng.

“Bộ hiện đang đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung đào tạo kỹ năng số cho học sinh, đồng thời cũng tạo lập nền tảng online để học tập, xây dựng kỹ năng cơ bản để học tập, làm việc, sử dụng không gian số. Đây cũng là các bước thực hiện để nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc” - vị Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và mọi người dân trong việc làm sạch không gian mạng, nâng cao sức đề kháng trước vấn nạn tin giả, thông tin xấu độc.

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho biết, nhiều cử tri đánh giá rất cao Bộ đã tập trung cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số… nhưng đồng thời, cũng cho rằng, chính vì thế mà Bộ chưa quan tâm tập trung cho công tác quản lý nhà nước về mạng xã hội nên để các vụ việc xảy ra thì mới tiến hành thanh tra, kiểm tra và dẫn đến báo hóa mạng xã hội… gây lúng túng, chậm xử lý những vi phạm như trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng khi thường xuyên đưa tin, không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề nghị nói rõ hơn về việc xử lý vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng.Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề nghị nói rõ hơn về việc xử lý vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng.Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao lại như vậy? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này như thế nào? Và cơ quan có thẩm quyền của Bộ đã xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra việc đó ra sao? Bộ có rút kinh nghiệm gì về việc trên?

Về câu chuyện văn hóa mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, có nhiều việc phải làm trên không gian văn hóa mạng. Theo Bộ trưởng, Bộ Quy tắc ứng xử được ban hành áp dụng cho các cơ quan, tuy nhiên các đơn vị, tổ chức khác cũng coi đây là mẫu để triển khai đối với đơn vị mình. Đảm bảo văn hóa mạng cần ngấm vào từng gia đình, từng tế bào, khi đó việc chung tay thực hiện mới có hiệu quả.

Ngân Chi