Nhiều trường y dược mong NĐ 111 sớm được sửa đổi để phù hợp với thực tế

08/11/2022 06:43
Ngọc Mai
GDVN- Thông qua ký kết hợp đồng, Nghị định 111 làm rõ vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ giữa Nhà trường với bệnh viện, cơ sở y tế.

Năm 2017, Nghị định 111 quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe được ban hành với kỳ vọng sẽ tạo sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo y khoa và các cơ sở y tế, bệnh viện.

Thực tế, sau 5 năm triển khai, Nghị định 111 đã cơ bản tạo ra những thuận lợi. Tuy nhiên, nghị định vẫn còn bộc lộ một số vướng mắc trong đào tạo thực hành.

Để góp phần tháo gỡ vướng mắc, một số đề xuất, kiến nghị chủ yếu đã được đưa ra như: đơn giản hóa hợp đồng nguyên tắc, có thêm quy định cụ thể về mức chi phí đào tạo thực hành…

Kiến nghị các đơn vị chức năng liên quan tổng hợp, thông tin tới cơ sở giáo dục

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một cán bộ phụ trách Phòng Đào tạo đại học, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam chỉ ra những ưu điểm, thuận lợi cơ bản của Nghị định 111 đối với thực tế nhà trường khi triển khai như sau:

Một là, sinh viên, học viên của Học viện được học tập thực hành lâm sàng tại các cơ sở thực hành tốt hơn.

Hai là, các cơ sở giáo dục đào tạo về y dược nói chung và Học viện nói riêng có thêm các điều kiện để đảm bảo tốt hơn chất lượng giáo dục và đào tạo.

Ba là, nghị định giúp tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành. Cụ thể, nhờ có Nghị định 111 mà hai bên cùng trao đổi về đội ngũ nhân lực, trình độ chuyên môn. Cán bộ của cơ sở thực hành sẽ tham gia giảng dạy cho cơ sở giáo dục đào tạo và ngược lại.

Ảnh minh họa: Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa: Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

“Liên quan đến vấn đề nhân lực cán bộ, giảng viên, tại mục b, điều 10 của nghị định cũng quy định có ít nhất 20% người giảng dạy chương trình thực hành là người làm việc cơ hữu của cơ sở giáo dục có đăng ký hành nghề tại cơ sở thực hành và được cơ sở thực hành bố trí làm công tác khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với năng lực, kinh nghiệm và phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề. Về điều này, hiện nay, Học viện đang triển khai theo đúng quy định, phối hợp với các cơ sở thực hành, đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như phù hợp với yêu cầu của đôi bên”, vị này cho biết.

Bên cạnh đó, cũng theo vị này, quy định nhà trường và bệnh viện, cơ sở y tế phải ký kết hợp đồng đào tạo thực hành cũng góp phần tích cực trong việc làm rõ ràng vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của đôi bên thông qua ký kết hợp đồng. Hiện tại, Học viện đang triển khai theo quy định.

Về đề xuất, kiến nghị sau thực tế 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 111, cán bộ này cho biết: “Theo Học viện được biết, hiện nay, Bộ Y tế giao cho Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo; Viện Chiến lược và Chính sách đang triển khai việc xin ý kiến các bên liên quan. Do vậy, Học viện kiến nghị các đơn vị chức năng liên quan sau khi tổng hợp thông tin, có thể sẽ thông tin tới các cơ sở giáo dục được biết”.

Trường mong sớm được xem xét, sửa đổi bổ sung để sát với thực tế

Cùng bàn về vấn đề này, một vị trưởng phòng đào tạo của một trường đại học về y khoa ở miền Bắc chia sẻ, từ khi có Nghị định 111, việc đào tạo thực hành cho sinh viên của trường được cải thiện và nâng cao rõ rệt.

“Nhà trường không có sẵn các cơ sở thực hành trực thuộc trường mà sẽ kết hợp với một số cơ sở thực hành để cho sinh viên học tập, thực tập. Nhờ đó, việc thực hành lâm sàng của sinh viên được tốt hơn.

Y dược là khối ngành đào tạo ra những y sỹ, bác sĩ, dược sĩ phục vụ chăm sóc liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Hơn bao giờ hết, các em phải được thực hành ngay trên những mô hình mô phỏng hiện đại, máy móc, thiết bị, và thậm chí là thực hành trên cơ thể người bệnh (với hướng dẫn trực tiếp của giảng viên, cán bộ hướng dẫn tại bệnh viện, cơ sở y tế).

Song, những thiết bị này không phải trường nào cũng có sẵn để đáp ứng đủ yêu cầu. Do vậy, việc ra đời của Nghị định 111 là cơ hội giúp sinh viên được chú trọng, nâng cao chất lượng thực hành, có cái nhìn trực quan, sinh động về nghề”, vị này cho biết.

Tuy nhiên, vị này cũng chỉ ra khó khăn của trường đó là không biết “bám víu” vào đâu trong vấn đề xác định chi phí đào tạo thực hành. Chủ yếu hiện nay, trường và cơ sở bệnh viện, y tế tiến hành tự thỏa thuận với nhau trong quá trình đào tạo.

“Việc này càng không dễ thực hiện khi các cơ sở bệnh viện chuyển dần sang tự chủ một phần, hoặc tự chủ hoàn toàn, giá các trang thiết bị, chi phí khấu hao sẽ có biến động… Khi đó, chi phí đào tạo thực hành của mỗi cơ sở, mỗi ngành, mỗi năm học, khóa học khác nhau. Do đó, để thuận tiện thì nên có một quy định chung để trường cũng như cơ sở thực hành có căn cứ xác định mức chi phí”, vị này chia sẻ.

Tại Điều 6, Chương II, Nghị định 111 quy định:

“1. Hợp đồng đào tạo thực hành bao gồm hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng chi tiết, được ký theo thỏa thuận giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành đáp ứng các yêu cầu trong đào tạo thực hành quy định tại Chương III Nghị định này. Trường hợp cơ sở thực hành trực thuộc cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục trực thuộc cơ sở thực hành thì không bắt buộc phải ký hợp đồng đào tạo thực hành”.

Căn cứ theo quy định này, nhà trường không có cơ sở thực hành trực thuộc, do đó phải làm hợp đồng đào tạo thực hành. Tuy nhiên, thực tế quá trình xây dựng 2 mẫu hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng chi tiết còn nhiều phức tạp, giải quyết thủ tục hành chính tốn nhiều thời gian.

Ngoài ra, quy định "có ít nhất 20% người giảng dạy chương trình thực hành là người làm việc cơ hữu của cơ sở giáo dục có đăng ký hành nghề tại cơ sở thực hành..." là khó thực hiện nhất là đối với những trường mới mở mã ngành đào tạo, ít thâm niên.

Như vậy, có thế thấy, Nghị định 111 được ban hành là cơ hội để các trường đào tạo khối ngành sức khỏe chấn chỉnh, chăm lo và quan tâm đến tổ chức chương trình thực hành bài bản, nề nếp, chặt chẽ và hiệu quả.

Hơn nữa, chú trọng công tác đào tạo thực hành không chỉ là chủ trương đúng đắn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành sức khỏe, mà còn là xu thế phát triển mà các nước trong khu vực cũng như trên thế giới định hướng và quan tâm hơn.

Tuy nhiên, để các trường, cơ sở thực hành bớt đi những cái vướng, cái chưa được rõ ràng trong quá trình thực hiện, mong muốn chung là Nghị định 111 sớm được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

Ngọc Mai