Với niềm đam mê, cống hiến những nghiên cứu khoa học, truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ của đất nước, Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa, giảng viên Bộ môn Vật liệu Từ và Y sinh, Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất sắc trở thành 1 trong 10 người được trao Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2022.
Luôn khát khao trở thành nhà giáo từ khi còn nhỏ
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhà giáo, từ khi còn nhỏ, cô Hoa đã luôn đặt ra mục tiêu và nguyện vọng của mình là trở thành một người dạy học, truyền đạt kiến thức cho các thế hệ tương lai của đất nước.
“Từ hồi còn đi học, tôi đã luôn yêu thích được làm việc trong môi trường giáo dục, bởi tôi thích bản thân trở thành một người mang kiến thức mà mình đã trau dồi và tích lũy được cho các thế hệ sau, những người sẽ phát triển cho đất nước trong tương lai, thay vì vào làm việc tại công ty, nơi mà người ta sẽ sử dụng chất xám của mình nhiều hơn thay vì truyền đạt kiến thức”.
Theo cô Hoa chia sẻ, trước đây cô cũng đã giảng dạy tại Trường Đại học Gachon, Hàn Quốc ngay sau khi cô hoàn thành xong chương trình tiến sĩ của mình. Tuy nhiên, sau một quãng thời gian dài làm việc thì cô Hoa nhận thấy lĩnh vực Công nghệ vật liệu mà mình làm còn rất mới và ở Việt Nam thì công nghệ này dường như chưa có nhóm nghiên cứu nào phát triển.
Do đó, Tiến sĩ Hoa đã quyết tâm đem những công trình nghiên cứu vật liệu mới của mình, những kỹ năng, kiến thức mà mình đã tích lũy, học hỏi được về Việt Nam để triển khai và phát triển ứng dụng giúp cho chính những đồng bào của mình khắc phục những khó khăn trong công tác, hoạt động về mảng sức khỏe, môi trường.
Theo Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa, trong khoảng 4 năm học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, cô cũng nhìn nhận được những lý do và khía cạnh thuận lợi, khó khăn vì sao có nhiều nhà khoa học trẻ băn khoăn khi trở về nước.
“Nhiều nhà khoa học thường băn khoăn về quyền lợi của bản thân cũng như cơ sở vật chất có đảm bảo đủ trang thiết bị như ở nước ngoài để họ tiếp tục phát triển sự nghiệp nghiên cứu của mình hay không.
Ví dụ như khi học tập và làm việc ở Hàn Quốc, tôi nhận thấy đây là một nơi tạo rất nhiều cơ hội để cho các nhà khoa học trẻ qua đó để học tập những công nghệ hiện đại của thế giới. Bởi Hàn Quốc không những được nhà nước chú trọng mà còn có rất nhiều công ty đầu tư vào khoa học công nghệ thiết bị, vật liệu, linh kiện hiện đại để nghiên cứu. Điều này chắc chắn sẽ giúp thu hút nhiều nhà khoa học tài năng.
Tuy nhiên, theo tôi thấy thì trong thời gian gần đây, nhà nước cũng đã có nhiều sự đầu tư mạnh mẽ hơn cho những khoa học. Sau khi về Việt Nam công tác giảng dạy, nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đánh giá và nhìn nhận được rằng nơi đây cũng gần như là đủ thiết bị để giúp tôi đảm bảo được công tác nghiên cứu, giảng dạy cho các em sinh viên được tốt nhất có thể”, cô Hoa chia sẻ.
Người dạy học phải luôn coi học trò như con của mình
Cũng theo Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa chia sẻ, giảng dạy cho người học vẫn luôn là niềm đam mê, hạnh phúc mỗi ngày của bản thân, một công việc cực kỳ tôn quý mà cô luôn trân trọng.
“Đến hiện tại, đặc biệt là cứ đến dịp 20/11 hàng năm là thời điểm tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi các sinh viên, học trò luôn dành tình cảm, tâm tư yêu mến đối với mình. Điều mà tôi cảm thấy tự hào nhất trong suốt sự nghiệp trồng người của mình là khi trở về Việt Nam sau 4 năm dài học tập, làm việc tại Hàn Quốc thì hầu như các bạn sinh viên không biết tôi là ai, thế nhưng, hiện tại tôi nhìn nhận được rằng, bản thân mình đã thu hút được lượng lớn sinh viên tham gia học tập, nghiên cứu cùng.
Khi bắt đầu vào môn học nào, thường tôi sẽ có buổi dạy an toàn phòng thí nghiệm rồi mỗi tuần sẽ có buổi trao đổi học thuật để cho cô trò cùng nhau xem xét, đánh giá xu thế ở nước ngoài, Việt Nam thế nào để xem những công nghệ này ở nước mình đã phát triển hay chưa rồi mình nên làm gì. Những buổi trao đổi như vậy sẽ tạo ra hứng thú cho các bạn về vấn đề đang cần nghiên cứu và nếu muốn thực hiện điều đó thì mình nên chuẩn bị và nên làm những gì.
Các bạn sinh viên luôn hiểu được rằng, hướng nghiên cứu của tôi đem đến cho các bạn là rất tiềm năng, có nhu cầu việc làm rất cao để các bạn phấn đấu và nỗ lực hết mình. Cho đến thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu của tôi cũng đã đào tạo được rất nhiều bạn trẻ tài năng, không những đi du học tại nước ngoài mà còn làm việc tại công ty lớn, đó là điều mà tôi nghĩ ai làm một nhà giáo cũng sẽ luôn trân trọng và tự hào trong sự nghiệp giảng dạy của mình.
Vậy nên, tôi mong rằng các thầy cô giáo hãy luôn cố gắng không ngừng nghỉ, tìm tòi học hỏi kiến thức mới để đem nguồn tri thức, kĩ năng chất lượng nhất. Không những vậy, một điều mà tôi luôn dặn dò bản thân mình là phải xem học trò như con của mình, ở nhà mình giảng dạy con mình thế nào thì khi đi dạy cũng phải giảng dạy như vậy mới là 1 buổi học thành công và có giá trị.
Mỗi nhà giáo hãy luôn là tấm gương sáng cho người học của mình noi theo, để lúc nào khi gặp mình, học trò của mình cũng phải nói rằng: Cô ơi phải làm sao để em có thể được như cô thì đấy đã là một thành công và niềm tự hào lớn nhất rồi.
Bản thân tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ làm một công việc khác không phải giảng dạy. Vậy nên, nếu sau này phải về hưu mà không được tiếp tục công việc nữa chắc tôi sẽ cảm thấy rất đáng tiếc”, cô Hoa nói.
Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa
Giảng viên Bộ môn Vật liệu Từ và Y sinh, Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Thành tựu:
22 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế. Trong đó: 13 bài báo thuộc danh mục Q1 (11 bài là tác giả chính), 8 bài báo thuộc danh mục Q2 (4 bài là tác giả chính), tác giả chính 1 bài báo thuộc danh mục Q3.
05 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước (4 bài là tác giả chính).
18 bài báo khoa học đã công bố trên hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế.
Chủ trì, đồng chủ trình 04 chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học.
Tác giả của 1 chương sách chuyên khảo thuộc lĩnh vực xét thưởng.