Không ít thầy cô than, tháng 11 là thời gian GV khổ nhất trong năm

12/11/2022 06:28
Sơn Quang Huyến
GDVN- Tôn vinh, tri ân thầy cô không phải 1 ngày, một tháng, một năm, mà là suốt cuộc đời mỗi người học trò.

Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 167-HĐBT lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.[1]

Ngày 20/11 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Giáo dục Việt Nam, ngày các Nhà giáo Việt Nam được tri ân, tôn vinh với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để học sinh và những người đã và đang ngồi trên ghế nhà trường tri ân tất cả các thầy cô giáo trong cả nước.

Tháng 11 trở thành “tháng tri ân” thầy cô giáo, ngày 20/11 trở thành ngày “Tết” của các thầy cô. Thời chúng tôi đi học những năm 1983, cứ đầu tháng 11 các lớp lại thi đua thực hiện “tuần học tốt, điểm tốt” làm “quà” tặng thầy cô nhân dịp ngày 20/11.

Ngày 20/11, nhà trường tổ chức “Lễ 20/11” trong một tiết học, tuyên truyền về lịch sử ra đời, ý nghĩa của ngày 20/11, tổng kết phong trào “tuần học tốt, điểm tốt”, sau đó lại dạy và học bình thường.

Hầu như rất ít các hoạt động chào mừng ngày 20/11, thế nhưng học sinh, phụ huynh, xã hội khi đó rất tôn trọng thầy cô giáo.

Thầy cô than: tháng 11 là thời gian giáo viên khổ nhất trong năm

Ngày 20/11/2022 vừa tròn 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã, đang có các hoạt động chào mừng ngày 20/11 rầm rộ.

Không biết từ lúc nào, tháng 11 năm trở thành tháng gây áp lực cho thầy cô giáo. Các hội, nhóm giáo viên trên mạng xã hội không ít lời than vãn về tháng 11.

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của giáo viên trên mạng xã hội do tác giả cung cấp

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của giáo viên trên mạng xã hội do tác giả cung cấp

“Tháng 11 là thời gian giáo viên khổ nhất trong năm” đã nhận được sự đồng cảm của quý thầy cô giáo. Tại sao tháng 11 lại là thời gian giáo viên khổ nhất trong năm?

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của giáo viên trên mạng xã hội do tác giả cung cấp

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của giáo viên trên mạng xã hội do tác giả cung cấp

Các thầy cô giáo đã có hàng trăm bình luận, chia sẻ những việc làm, gánh nặng của nhà giáo trong tháng 11, gây quá tải, gây khổ cho thầy cô.

Tháng 11 giáo viên bù đầu với các cuộc thi từ cấp trường đến cấp huyện, như: thi tiết dạy giỏi, thi giáo viên dạy giỏi, thi viết bảng đẹp, thi viết chữ đẹp, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi tổng phụ trách giỏi, thi làm đồ dùng dạy học, thi trang trí lớp học, thi tiếng hát thầy cô…

Cùng với cuộc thi của mình, giáo viên còn phải hướng dẫn, bồi dưỡng học sinh tham gia các cuộc thi: thi vở sạch chữ đẹp, thi tìm hiểu nước sạch, thi tìm hiểu tiết kiệm điện, thi thuyết trình cuốn sách em yêu, thi tiếng hát học sinh chào mừng 20/11, thi báo tường, thi viết về thầy cô …

Bên cạnh các cuộc thi là chuẩn bị ra đề kiểm tra giữa kì, chấm bài, nhập điểm, bồi dưỡng học sinh giỏi, làm giám khảo, ra đề các cuộc thi.

Các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ cấp trường, cấp xã, cấp cụm, cấp huyện … để chào mừng ngày 20/11.

Đôi điều góp ý

Các cuộc thi của giáo viên và học sinh, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ … trong trường học, khách quan mà nói vẫn có tác dụng tích cực trong giáo dục.

Thế nhưng, các cuộc thi của giáo viên và học sinh, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ … trong trường học nếu cùng tổ chức trong thời gian ngắn sẽ phản tác dụng, gây áp lực cho cả thầy và trò.

Điều 4 Nghị định Số: 111/2018/NĐ-CP, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương.

Nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, ghi rõ:

1. Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức.

2. Chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền.

3. Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn. Trường hợp bộ, ngành, cấp tỉnh đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm.

4. Không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm.[2]

Ngày 20/11/2022, vừa tròn 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, các cơ sở giáo dục trên cả nước sẽ có các hoạt động chào mừng ngày 20/11.

Các hoạt động trong nhà trường không nên đều dành mục tiêu "chào mừng ngày 20/11", dẫn đến cấp tập tổ chức trong một thời gian ngắn, tháng 11 trở thành cao trào, sau đó lại rơi vào thoái trào.

Có hoạt động có thể tổ chức dịp khác, chào mừng ngày khác, như thể thao, văn nghệ ... các cuộc thi dành cho học sinh cũng vậy, đừng dồn cục tổ chức trong tháng 11, sẽ không gây áp lực lên thầy cô, học sinh.

Hoạt động chào mừng ngày 20/11 mà gây khó, gây khổ cho nhà giáo thì không nên tổ chức, hãy để tháng 11 bình thường như những tháng khác, tạo tâm lý vui vẻ, thoải mái, mỗi ngày đến trường là một ngày vui cho thầy cô.

Tôn vinh, tri ân thầy cô không phải 1 ngày, một tháng, một năm, mà là suốt cuộc đời mỗi người học trò. Hãy để những tình cảm cao quý của học trò, của xã hội dành cho thầy cô giáo thuận theo tự nhiên, như hơi thở của cuộc sống mỗi người.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-167-HDBT-ngay-Nha-giao-Viet-Nam-43968.aspx

[2]https://luatvietnam.vn/van-hoa/nghi-dinh-111-2018-nd-cp-ve-ngay-thanh-lap-ngay-truyen-thong-cua-cac-bo-nganh-166640-d1.html

Sơn Quang Huyến