Sau vô số phong trào chào mừng ngày 20/11 là áp lực khủng khiếp với thầy và trò

17/11/2022 06:38
LÊ VĂN MINH
GDVN- Sự tri ân, hay tôn vinh người thầy không nhất thiết phải đồng loạt tổ chức nhiều phong trào chồng chéo lên nhau dẫn đến thầy và trò đều đuối sức, mệt mỏi.

Ngày 9/11/2022 vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết Giáo viên, học sinh "bội thực" với các phong trào chào mừng ngày 20/11 của tác giả Nguyên Khang đăng tải thu hút nhiều ý kiến bình luận của bạn đọc. Đa số ý kiến bày tỏ sự đồng tình và cho rằng bài viết phản ánh khá chân thực các công việc mà giáo viên các trường đang phải thực hiện trong những tuần của tháng 11.

Việc bội thực các hội thi, các phong trào do sở, phòng, nhà trường tổ chức đang gây ra những áp lực lớn cho cả thầy và trò ở các nhà trường. Vì thế, tháng tri ân thầy cô giáo thành ra lại gây quá tải cho giáo viên vì ngay cả những ngày nghỉ cuối tuần thì họ vẫn đang tất bật với các phong trào.

Bạn đọc Lê Văn Minh cũng đã có một số chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Sự tôn vinh đối với người thầy không phải là đồng loạt tổ chức các hội thi, các phong trào (Ảnh minh họa: baophapluat.vn)

Sự tôn vinh đối với người thầy không phải là đồng loạt tổ chức các hội thi, các phong trào

(Ảnh minh họa: baophapluat.vn)

Quá nhiều hội thi, phong trào trong tháng 11

Nơi chúng tôi đang công tác, từ những ngày đầu tháng 11 cho đến nay, các cấp sở, phòng, nhà trường đã liên tục tổ chức các hội thi, phong trào khiến cho giáo viên thực sự cảm thấy quá tải.

Cấp sở thì tổ chức Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông; Hội ca múa nhạc “giai điệu tuổi hồng”; thi viết về thầy cô và mái trường; thư viện em yêu.

Cấp phòng tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, Hội thao ngành giáo dục với các nội dung: bóng đá nam, nữ; cầu lông; bóng chuyền; chạy việt dã; hùng biện tiếng Anh; giao lưu thể thao, văn nghệ với địa phương (huyện) khác.

Cấp trường tổ chức thi giáo viên giỏi cấp trường; thi làm báo tường; thi ca múa nhạc cấp trường; tiết học tốt; hoa điểm 10…

Và, tất nhiên những hội thi, phong trào cấp sở, phòng giáo dục tổ chức thì các trường học sẽ phải tham gia nên nhiều thầy cô, học sinh quay cuồng với các phong trào.

Một khi giáo viên đi tham gia các phong trào với sở, huyện cũng đồng nghĩa những giáo viên này bắt buộc không thể dạy ở trường được nên các tổ chuyên môn phải phân công giáo viên khác dạy thay.

Nhiều thầy cô giáo được điều động đi chấm thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên dạy giỏi thì phải đi đến các đơn vị bạn để chấm thi và những công việc ở trường phải nhờ người khác đảm nhận hoặc phải xin Ban giám hiệu xếp thời khóa biểu vào các buổi khác.

Học sinh cũng tất bật với phong trào của trường và đóng góp, chuẩn bị tích cực với thầy cô trong những tiết thi giáo viên dạy giỏi; giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi mà thi giáo viên dạy giỏi cấp trường thì phần lớn giáo viên trong trường tham gia nên có những buổi học, học sinh trở thành “sân chơi” cho thầy cô giáo đến vài ba tiết.

Phong trào này nối tiếp phong trào kia, những giáo viên tham gia các phong trào do phòng, sở tổ chức, chủ nhiệm theo học sinh khi lớp mình thi đã đành, những giáo viên không chủ nhiệm cũng được một số Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu vào cổ vũ, chung vui với học sinh vào ngày chủ nhật.

Cả tuần đi dạy, chỉ mong có một ngày ở nhà để lo chấm bài, nhận xét kết quả giữa kỳ cho học trò nhưng nhiều giáo viên được nhà trường điều động vào trường hoặc tham gia, hoặc cổ vũ cho các phong trào của ngành, của công đoàn phát động.

Tháng tri ân nhà giáo, tháng mà nhiều người, nhiều ngành nghĩ và tôn vinh thầy cô giáo nhưng đâu đó đang lạm dụng các hội thi, phong trào khiến cho đội ngũ nhà giáo trong trường cứ mải miết suốt nhiều tuần nên rất mệt mỏi.

Thầy cô nhiều nơi quá tải

Năm nay, ngành Giáo dục kỷ niệm kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam nên các địa phương đều có kế hoạch tổ chức long trọng ở các cấp. Cũng chính vì thế mà giáo viên các nhà trường gần như không có ngày nghỉ trong tuần, ngay cả ngày Chủ nhật.

Theo quy định, những năm lẻ nên các trường không tổ chức hoặc chỉ tổ chức tượng trưng, đặc biệt là 2 năm qua do dịch bệnh các phong trào có phần lắng xuống, năm nay là năm chẵn, dịch bệnh được kiểm soát nên hiện tượng các cấp đồng loạt tổ chức rầm rộ các hội thi, các phong trào khiến cho giáo viên và học sinh quay như chong chóng.

Nhưng sức người có hạn, giáo viên cũng còn có gia đình, họ cũng cần có những ngày nghỉ trong tuần để nghỉ ngơi, để chuẩn bị giáo án, chuẩn bị cho việc lên lớp theo định mức phân công của nhà trường.

Mỗi tuần có 1 ngày nghỉ (đối với giáo viên trung học cơ sở; trung học phổ thông) và 2 ngày nghỉ (đối với giáo viên mầm non, tiểu học) thì lãnh đạo ngành, lãnh đạo nhà trường cũng nên để họ có một chút thời gian lo cho gia đình, lo cho những công việc cá nhân chứ đâu mà ngày nghỉ cũng tận dụng để kéo giáo viên vào tham gia các phong trào.

Bởi lẽ, trong tuần họ lo giảng dạy, tham gia các hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp, lo chấm bài kiểm tra giữa kỳ để trả cho học sinh đã quá tất bật, vất vả rồi.

Ngày cuối tuần còn tham gia phong trào văn nghệ, thể thao do cấp huyện, cấp tỉnh, công đoàn phát động, nhà trường phát động theo kiểu ấn xuống phải tham gia, phải thực hiện, phải đi khiến cho giáo viên không thể chối từ vì đó là nhiệm vụ mà nhà trường phân công nên không thể không thực hiện.

Tháng 11- tháng mà lâu nay xã hội dành cho đội ngũ thầy cô giáo một tình cảm đặc biệt với tinh thần “tôn sư trọng đạo” nhưng ở nhiều nơi lại đang tạo ra những cách “tri ân” với hàng loạt phong trào, hội thi như một số địa phương đang làm khiến cho thầy và trò ở các nhà trường thực sự quá tải.

Ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến và nó sẽ qua đi như bao nhiêu những ngày tháng khác mà thôi. Vì thế, sự tri ân, hay tôn vinh người thầy không nhất thiết phải đồng loạt tổ chức nhiều phong trào chồng chéo lên nhau dẫn đến thầy và trò đều đuối sức, mệt mỏi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH