Có sinh viên sư phạm đã bỏ học vì không chờ đợi được tiền hỗ trợ sinh hoạt phí

16/11/2022 06:40
Anh Trang
GDVN-Năm thứ hai triển khai Nghị định 116 nhưng nhiều trường vẫn tạm thu học phí và sinh viên vẫn chưa nhận được hỗ trợ sinh hoạt phí.

Chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm được quy định tại Nghị định 116 năm 2020 của Chính phủ, áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2021. Theo đó, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo và 3,63 triệu đồng/tháng chi phí sinh hoạt trong thời gian học.

Kinh phí này từ nguồn ngân sách hàng năm chi cho giáo dục, đào tạo của các địa phương, bộ, ngành.

Nhưng đến nay nhiều trường vẫn phải tạm thu học phí và sinh viên vẫn chưa nhận được hỗ trợ sinh hoạt phí. Việc này gây nhiều khó khăn cho sinh viên nghèo, không ít em đang lo phải dang dở việc học vì không có tiền đóng học phí.

Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, em P.C, sinh viên năm 2 ngành Giáo dục tiểu học của Trường Đại học Đồng Nai cho biết, khi vừa vào năm nhất đại học, nhà trường đã tiến hành phổ biến trực tuyến trên trang của khoa sư phạm về tiền hỗ trợ theo Nghị định 116. Theo đó, nếu ký cam kết, mỗi tháng P.C sẽ được hỗ trợ 3,63 triệu đồng tiền sinh hoạt phí và được nhận khi địa phương chi trả.

Tuy nhiên, kể từ ngày ký cam kết đến nay đã hơn 1 năm, sinh viên trong diện được hỗ trợ của trường vẫn chưa nhận được tiền của bất kỳ tháng nào.

Trước đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai có thông báo sẽ giải đáp các thắc mắc của sinh viên trong trường. Vì vậy, P.C và cả lớp cũng đã trình bày băn khoăn về thời gian được nhận hỗ trợ sinh hoạt phí. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể.

“Em là con cả trong gia đình có ba chị em. Nhà em thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm lo cho ba chị em ăn học. Khi quyết định học ngành sư phạm, em nuôi hy vọng vừa được miễn học phí vừa có hỗ trợ từng tháng, không phải xin tiền từ bố mẹ. Nhưng đến nay, tháng nào em cũng gọi điện xin tiền bố mẹ để lo chi phí sinh hoạt.

Từ đầu tháng 11 năm nay, bố mẹ thông báo cho em là công ty ít việc nên cho bố mẹ tạm nghỉ, không rõ thời điểm đi làm trở lại. Vì vậy, bố mẹ em tạm thời thất nghiệp và gia đình đang sống bằng tiền tích góp bấy lâu nay. Em không biết khoản tiền đó duy trì được đến lúc nào. Trong khi tiền học của các em vẫn đang chờ bố mẹ đóng.

Hiện tại, em chỉ mong nhận được tiền hỗ trợ để bố mẹ không phải lo lắng chi phí ăn học cho em nữa và có thể tích góp đóng tiền học phí cho các em, phụ giúp bố mẹ”, P.C nói.

P.C chia sẻ thêm, dù đã được nhà trường miễn học phí, tuy nhiên còn rất nhiều khoản tiền em phải chi trả như tiền quỹ, tiền đoàn phí, tiền sách vở, sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, để tránh là gánh nặng của bố mẹ, hiện tại P.C đang tìm kiếm công việc làm thêm vào buổi tối. Em cũng bày tỏ lo lắng sẽ bị cuốn vào việc đi làm mà không tập trung được cho việc học trên lớp.

Cùng có những băn khoăn về tiền hỗ trợ sinh hoạt phí, em T.N, sinh viên năm 2 ngành Giáo dục mầm non Trường Đại học Sài Gòn cho biết, ngày 8/12/2021 em đã ký đơn đề nghị nhận hỗ trợ của địa phương theo Nghị định 116, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có câu trả lời, không biết đơn đã được duyệt chưa.

Câu trả lời khi T.N gửi thắc mắc về việc đơn đề nghị nhận hỗ trợ đã được duyệt chưa. Ảnh: NVCC

Câu trả lời khi T.N gửi thắc mắc về việc đơn đề nghị nhận hỗ trợ đã được duyệt chưa. Ảnh: NVCC

Trường Đại học Sài Gòn có thông báo tạm thu học phí của sinh viên sư phạm thuộc diện được hỗ trợ, khi nào địa phương chi trả kinh phí, nhà trường sẽ hoàn trả lại. Vì vậy, trong năm vừa qua, T.N luôn đóng đủ học phí cho trường, tổng là hơn 10 triệu đồng.

“Không có tiền hỗ trợ như đã phổ biến tới sinh viên từ hồi mới vào trường, bên cạnh đó còn phải tạm đóng học phí nên có nhiều bạn sinh viên cùng khóa em đã bảo lưu hoặc nghỉ học”, T.N nói.

Cũng theo nữ sinh này, ngành Giáo dục mầm non lịch học nặng, sau ra trường công việc cũng rất áp lực mà lương lại thấp. Vì vậy, nhiều bạn sinh viên dễ nản.

“Theo mức thu học phí với sinh viên các ngành sư phạm khóa 2021, năm nhất em đóng 267.000 đồng/tín chỉ môn học, sau này lên năm 4 sẽ tăng lên 433.000 đồng/tín chỉ. Lúc đó, em không biết xoay sở ra sao. Giờ em chỉ mong được miễn học phí như các anh chị khóa trước chứ tiền hỗ trợ sinh hoạt phí thì không biết bao giờ mới nhận được”, nữ sinh nói.

Ngoài ra, T.N kể, trong lớp em đã có trường hợp sinh viên bỏ học vì không chờ đợi được tiền hỗ trợ của địa phương và không có tiền tạm đóng học phí.

"Bố mẹ bạn đó làm ruộng, ban đầu quyết định vào sư phạm vì nghe nói sẽ được miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng. Tuy nhiên, chờ mãi không nhận được khoản hỗ trợ nên bạn đã đi làm thêm, nhưng thu nhập làm thêm không được bao nhiêu. Vừa không lo được học phí vừa không lo được chi tiêu hàng tháng nên bạn quyết định về quê đỡ đần bố mẹ", T.N cho hay.

Cùng tình trạng chưa nhận được trợ cấp dù đã ký cam kết, một sinh viên năm 2 ngành Giáo dục tiểu học của Trường Đại học Hạ Long bày tỏ: “Em thấy rất thất vọng vì tới hiện tại vẫn chưa nhận được hỗ trợ mà còn phải tạm đóng học phí, điều này không giống với những gì trường đã phổ biến với sinh viên khi mới vào năm nhất đại học”.

Anh Trang