Chuyên gia nêu giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

11/12/2022 06:41
Nguyễn Trường Giang - Học viện Quản lý giáo dục
GDVN- Thời gian qua, tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng đối với bậc mầm non, phổ thông ở các tỉnh, thành trong toàn quốc được nói đến rất nhiều.

Chúng tôi không nhắc đến những con số thiếu nữa, mà chỉ xin chia sẻ một vài suy nghĩ và đề xuất một số giải pháp khắc phục mang tính lâu dài, bền vững với tình trạng này.

Thiếu thống nhất trong khâu đào tạo, quản lý con người

Nguyên nhân của việc thiếu giáo viên đối với bậc mầm non và phổ thông chính là sự thiếu thống nhất trong khâu đào tạo và quản lý con người. Cụ thể ở đây chính là sự phối hợp, thống nhất giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Nội vụ.

Ảnh minh họa: nguồn Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương

Ảnh minh họa: nguồn Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương

Tôi rất thông cảm với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi ông phát biểu rằng: Bộ Giáo dục và Đào tạo được quản lý các vấn đề của giáo dục nhưng chỉ có hai vấn đề mà Bộ không được phép là con người và tài chính. Việc thiếu giáo viên tại cơ sở giáo dục các địa phương do Bộ Giáo dục và Đào tạo nắm bắt, thống kê. Giáo viên cũng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý (bổ nhiệm, nâng ngạch, đào tạo) nhưng vấn đề điều tiết, phân bổ số lượng để đảm bảo cung cấp cho các cơ sở giáo dục của các địa phương lại không do Bộ Giáo dục và Đào tạo mà do Bộ Nội vụ.

Bộ Nội vụ đâu có thể kiểm soát, giám sát, hay thống kê một cách chính xác nhu cầu giáo viên cần cho các cơ sở giáo dục tại các địa phương. Bộ Nội vụ chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, còn quản lý chuyên môn để có thể biết được nơi nào thiếu hay thừa; để có thể điều chỉnh một cách hợp lý phải là Bộ giáo dục và Đào tạo (ở các địa phương đó chính là cơ quan cấp là Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành).

Tình trạng trên cũng tương tự như việc không thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục đại học, mà cụ thể là giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hiện nay do để phân tán, cắt khúc và chồng chéo nên hệ thống giáo dục đại học không còn tính hệ thống. Điều đó dẫn đến sự không hiệu quả trong vấn đề liên thông, phân luồng và phân tầng trong hệ thống mở, gây ra mâu thuẫn về thể chế quản lý giữa các Bộ.

Cao đẳng vốn thuộc khối giáo dục đại học nhưng hiện tại ở Việt Nam khối giáo dục đại học bị phân đôi, cao đẳng thuộc đầu mối bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và bị kéo tụt xuống dưới trình độ đại học; còn đại học thuộc đầu mối Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong cao đẳng thì cũng phân đôi, phần lớn các ngành thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; riêng ngành sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp cần gắn với nhau thì lại bị cắt rời. Giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học cũng cần gắn với nhau nhưng cũng bị tách rời. Ngay cả bậc phổ thông đang giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhưng hiện nay cũng xuất hiện sự phân chia khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang làm chương trình cấp bằng giáo dục phổ thông tại các cơ sở đào tạo nghề.

Giải pháp khắc phục ở đây là xem xét để tổ chức lại các Bộ liên quan theo hướng thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục, không chỉ ở phổ thông mà cả ở đại học. Trong đại học bao gồm cả cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học. Không ngại quản lý không nổi vì quá rộng, ở đây cách thức quản lý được thực hiện bằng thể chế chứ không phải chỉ huy trực tiếp.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo dự báo đến năm 2025, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thực hiện ở tất cả các khối lớp, sẽ phải bổ sung hơn 24 nghìn giáo viên ở ba môn học mới (Ngoại ngữ, Tin học cấp tiểu học; Nghệ thuật cấp trung học phổ thông). Cụ thể: môn Ngoại ngữ cấp tiểu học cần bổ sung 11.346 giáo viên, môn Tin học cấp tiểu học cần bổ sung 7.299 giáo viên, môn Nghệ thuật cấp trung học phổ thông cần bổ sung 5.367 giáo viên. [1]

Việc thiếu giáo viên là rõ ràng, không thể bàn cãi. Vấn đề đặt ra là phải bổ sung nguồn giáo viên, vậy bổ sung bằng cách nào?

Vai trò của các trường cao đẳng sư phạm

Trước đây việc đào tạo giáo viên bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở là do các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương chịu trách nhiệm; việc đào tạo giáo viên trung học phổ thông do các trường đại học sư phạm chịu trách nhiệm; chỉ trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 21 trở lại đây, các trường đại học sư phạm mới đào tạo giáo viên các bậc mầm non, tiểu học và trung học với số lượng hạn chế; tiếp theo đó nhiều trường cao đẳng sư phạm ở địa phương mở rộng đào tạo theo diện đa ngành đã làm cho công tác đào tạo giáo viên bị xem nhẹ, không còn được chú tâm.

Ngoài nguyên nhân khách quan do sự thay đổi cơ cấu ngành nghề lao động mà ngành sư phạm không thu hút được nhiều người học thì nguyên nhân chủ quan đó chính là do sự thiếu quan tâm của các cấp chính quyền tại địa phương (vì thực tế, các trường cao đẳng sư phạm chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân các tỉnh); lãnh đạo tại các trường cao đẳng sư phạm không thiết tha với nhiệm vụ đạo tạo giáo viên.

Ở một số địa phương còn xảy ra tình trạng: trường cao đẳng sư phạm sau khi đã “teo tóp” do bị cắt giảm nhiệm vụ (chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non) có khả năng trở thành một khoa trong trường dạy nghề, chịu sự điều chỉnh theo hướng “nghề hóa”, tức không thuộc về giáo dục đại học mà thuộc về Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ảnh minh họa: nguồn Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương

Ảnh minh họa: nguồn Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương

Bên cạnh đó, do sự thay đổi trình độ chuẩn của giáo viên phổ thông theo Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 nên chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở (nguồn tuyển sinh chính của trường cao đẳng sư phạm trước đây) bị cắt, chuyển hẳn cho khoảng 10 trường đại học sư phạm.

Một nguyên nhân nữa là do định hướng quy hoạch hệ thống trường sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên một số trường cao đẳng sư phạm địa phương đã được sáp nhập vào các trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia. Đây là một sự gán ghép khiên cưỡng giữa các trường khác điều kiện, tiêu chuẩn; gây thiệt thòi lớn cho những trường địa phương khi phải chấp nhận tiêu chuẩn của trường đại học trọng điểm vốn có yêu cầu cao hơn trong việc bố trí sử dụng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý.

Từ những phân tích trên có thể thấy: ảnh hưởng của chính sách giáo dục đã làm thay đổi căn bản chức năng của trường cao đẳng sư phạm, do đó việc đào tạo giáo viên bị ảnh hưởng cả về quy mô, chất lượng; là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc thiếu giáo viên từ bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở các địa phương.

Giải pháp đặt ra ở đây là: Duy trì việc phân cấp quản lý công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (kể cả việc giao chỉ tiêu và phân công công tác sau tốt nghiệp) cho các địa phương như vẫn làm từ trước tới nay. Tránh việc cơ quan chủ quản trực tiếp nắm một hệ thống sư phạm tập trung để đào tạo tất cả giáo viên cấp phổ thông (bao gồm tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) – sẽ không khả thi, vì điều này nếu xảy ra, với tình trạng học sinh đăng ký tuyển sinh ngành sư phạm như hiện nay thì giáo viên đã thiếu sẽ càng thiếu trong tương lai. Vì không có lý do gì để đảm bảo các trường sư phạm trọng điểm tuyển đủ chỉ tiêu.

Tiếp nữa là: Xác định rõ sứ mệnh và nhiệm vụ của các trường cao đẳng sư phạm, mở cơ chế cho họ được đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở vì họ có nhiều kinh nghiệm lĩnh vực này, thực hiện đa ngành trong đào tạo, giúp họ phấn đấu có lộ trình đủ điều kiện nâng lên đại học đa ngành địa phương để đào tạo giáo viên theo chuẩn mới.

Một thuận lợi có thể thấy rõ là các trường cao đẳng sư phạm ở các địa phương thực hiện đào tạo nguồn nhân lực giáo viên tại chỗ, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương theo đặc thù riêng của từng vùng miền. Đó chính là sự phân tầng của hệ thống giáo dục theo từng vùng miền vì tốc độ, quy mô, phát triển giáo dục ở các khu vực nước ta là khác nhau. Các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương với lịch sử hình thành và phát triển sẽ còn cần thiết lâu dài và là mắt xích không thể thiếu trong mạng lưới giáo dục quốc gia để bảo đảm sự công bằng xã hội.

Trong điều kiện hiện nay, khi các cơ sở giáo dục đều thực hiện xu hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực thì trường cao đẳng sư phạm không thể đứng ngoài. Tuy nhiên để thực hiện có hiệu quả mà vẫn duy trì, thậm chí nâng cao chất lượng đào tạo đối với khối ngành sư phạm cần phải có một lộ trình thực hiện đúng đắn. Đó là:

Chính quyền địa phương cần căn cứ vào nhu cầu thực tế về giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của địa phương để giao chỉ tiêu đào tạo, đồng thời với việc nâng chuẩn cho trường cao đẳng sư phạm ở địa phương của mình.

Xây dựng kế hoạch đầu tư toàn diện để vừa nâng cấp trình độ đào tạo giáo viên (lên đại học), vừa đa ngành hóa các trường này. Tiến hành hợp nhất với các cơ sở giáo dục đại học khác trên cùng địa phương, tổ chức lại để hình thành một đại học địa phương đa cấp, đa lĩnh vực hoàn chỉnh (Community College / University College / Rural University). Lúc này, việc đào tạo sư phạm có thể thực hiện tại các khoa và môn học trong các trường đa ngành chứ không nhất thiết phải là trường chuyên về sư phạm khi các trường chuyển sang đào tạo đa ngành trong điều kiện mới.

Khi chưa đạt chuẩn đào tạo sư phạm như hiện nay theo quy định tại Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 thì cần thay đổi phương thức đào tạo, đó là: thực hiện quy trình đào tạo kết hợp: 3 năm (tại trường cao đẳng sư phạm địa phương) + 1 năm (tại trường đại học sư phạm trọng điểm). Mô hình đào tạo này hiện nay đang được nhiều nước áp dụng và được xem như một giải pháp quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng học tập cho học sinh ở các vùng khó khăn.

Như vậy có thể thấy được vai trò, tầm quan trọng của các trường cao đẳng sư phạm địa phương trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ giáo viên các bậc. Tuy nhiên, để việc thực hiện có kết quả như đã nói ở trên cần phải có sự vào cuộc, kết hợp của nhiều cơ quan, từ chủ quản đến các cơ quan phụ trách ở địa phương; sự định hướng phát triển một cách khoa học, theo đúng lộ trình để không chỉ khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mà còn đào tạo được những giáo viên có trình độ theo đúng chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và phổ thông.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://nhandan.vn/can-giai-phap-dong-bo-khac-phuc-tinh-trang-thieu-giao-vien-post714936.html)

Nguyễn Trường Giang - Học viện Quản lý giáo dục