Ngày 17/11/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân quận Bình Tân về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn quận Bình Tân.
Đáng chú ý, quận Bình Tân kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh việc tích hợp, ghép môn ở cấp trung học cơ sở. Nếu không hợp lý, hiệu quả, cần tách thành các phân môn Lịch sử, Địa lý (trong môn Lịch sử - Địa lý), Vật lý, Hóa học, Sinh học (môn Khoa học tự nhiên), Âm nhạc, Mỹ thuật (môn Nghệ thuật) như chương trình giáo dục trước đây. (*)
Thời gian qua, người viết cũng ghi nhận được nhiều ý kiến của giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên bậc trung học cơ sở ở Thành phố bày tỏ sự khó khăn khi dạy môn học này. Xin ghi lại một số kiến nghị, đề xuất của thầy cô dưới đây.
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn |
Rắc rối cách gọi tên danh pháp Hóa học
Thầy Nguyễn Minh Nhật dạy môn Hóa học ở Quận 12 cho biết, trong sách Khoa học tự nhiên, một trang sách mà “mê-tan” ghi là “methane”, còn “nước” vẫn ghi “nước”. Có trang thì vừa tiếng Việt vừa La-tinh, vừa danh pháp quốc tế rất lộn xộn.
“Tôi không dám đọc tên danh pháp luôn vì sợ phát âm sai. Từ trước đến giờ tôi chưa được tập huấn, đào tạo về phần này. Tôi phát âm không chuẩn sợ học sinh chê cười. Tôi có hỏi cách đọc danh pháp thì được một chuyên gia bảo “vào Google mà tìm hiểu”.
Có phụ huynh kể, "không biết con chị học tiếng Anh cái chi (gì) bên môn Hóa đến tận 1 giờ sáng, nó than mãi không nhớ mấy cái tên đọc bằng tiếng Anh".
Khoa học tự nhiên lĩnh vực Hóa học quá khó với lớp 7, nhiều kiến thức lấy của lớp 9, lớp 10 xuống. Học sinh học Hóa học mà không hiểu bản chất là nguy to, thế nên nhiều em muốn bỏ môn học luôn ”, thầy Nhật nói thêm.
Chỉ nên giữ môn 'tích hợp" ở lớp 6, 7
Thầy Lê Văn Quân dạy Vật lí ở Hóc Môn đề xuất bỏ môn “tích hợp” ở lớp 8, lớp 9, chỉ nên giữ lại ở lớp 6, lớp 7 là hợp tình hợp lí hơn cả. Bởi, Khoa học tự nhiên lớp 6, lớp 7 đã thực hiện được 2 năm (năm học 2021-2022 và 2022-2023) thì nên giữ nguyên, mỗi lần viết lại sách tốn kém bao nhiêu tiền của và công sức.
Còn lớp 8, lớp 9 thì nên tách ra vì kiến thức của từng phân môn (Vật lí, Hóa học, Sinh học) khá khó, trong khi đó giáo viên đơn môn phải đảm nhiệm cả 3 phân môn. Giáo viên dạy quá sức sẽ có tâm lí chán nản, còn học sinh thì không hiểu bài, cuối cùng các em là những người chịu thiệt thòi nhất.
“Thầy cô nào dạy chương trình Vật lí cũ thì thấy chương trình mới trong môn Khoa học tự nhiên quá nhạt nhoà, học sinh học như cưỡi ngựa xem hoa. Thế nhưng, vẫn có những câu hỏi đến bản thân giáo viên còn không biết thì làm sao học sinh biết”, thầy Quân trải lòng.
“Hãy trả lại tên cho em”
Thầy Trương Ngọc Quang giáo viên Vật lí ở quận Bình Tân mong muốn “hãy trả lại tên cho em” - tách Khoa học tự nhiên thành các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học như trước đây. Dạy môn Khoa học tự nhiên là một áp lực lớn đối với đa số giáo viên trên cả nước, hi vọng thời gian tới sẽ không còn môn “tích hợp” nữa.
Cùng với đó, thầy Trương Ngọc Quang cũng đề xuất nên thiết kế chương trình như trước đây, cụ thể: Học sinh lớp 6 học Vật lí, đến lớp 8 học Hóa học sẽ giúp các em hiểu rõ bản chất các môn học. Từ đó học sinh sẽ dễ dàng tập trung hơn, đam mê môn học sâu hơn.
“Chuyên viên tập huấn các module đều chia ra 3 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học để bồi dưỡng, còn giáo viên phải dạy cả 3 phân môn là vô lí. Xin hãy trả lại đúng 3 môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, bởi cùng là lĩnh vực tự nhiên nhưng 3 môn có bản chất, đối tượng và phương pháp nghiên cứu khác nhau”, thầy Quang nêu ý kiến.
Mong Chủ biên dạy thị phạm
Thầy Nguyễn Minh Nhật, thầy Lê Văn Quân, thầy Trương Ngọc Quang mong muốn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn hãy dạy thị phạm môn "tích hợp" nhằm giúp thầy cô giáo học hỏi thêm kinh nghiệm.
“Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn đã từng tự tin khẳng định, giáo viên dạy các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học hiện nay có thể tham gia dạy học môn Khoa học tự nhiên được ngay. Đó là do chương trình môn học lựa chọn hình thức tích hợp phù hợp với khả năng dạy học của giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.
Chúng tôi được biết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn từng là Trưởng khoa Sinh học Đại học Sư phạm Hà Nội, không biết đã bao giờ thầy Tuấn đứng lớp giảng 2 môn Vật lý, Hóa học để đào tạo giáo viên bậc trung học cơ sở hay chưa?
Nếu thầy Chủ biên môn Khoa học tự nhiên không "tích hợp", không dạy được 2 môn Vật lý, Hóa học mà buộc giáo viên chúng tôi phải làm cái việc trái khoáy này thì thật oái oăm. Do đó, chúng tôi rất mong được quý thầy Tổng chủ biên, Chủ biên môn "tích hợp" dạy thị phạm để giáo viên được trực tiếp học hỏi, như cách ngành nông nghiệp vẫn tổ chức "hội nghị đầu bờ", nhóm giáo viên đề xuất.
Tâm sự gan ruột của giáo viên dạy tích hợp
Cô giáo Trần Thị Yến ở quận Thủ Đức cho biết sẽ nghỉ việc nếu được phân công dạy môn Khoa học tự nhiên để giữ tự tôn nghề nghiệp, bởi có những phạm vi kiến thức trò hỏi nhưng cô không biết.
“Nếu như học vài buổi, vài tuần, vài tháng để lấy chứng chỉ "tích hợp" và buộc tôi phải dạy cả 3 phân môn (Vật lí, Hóa học, Sinh học) thì tôi sẽ xin nghỉ việc ngay. Chuyên ngành của tôi là Sinh - Môi trường, nếu tôi tiếp tục đứng lớp thì sẽ là tội đồ của học sinh.
Tôi không thể vì cuộc sống của mình mà hại bao thế hệ học trò. Dẫu biết rằng khi nghỉ việc ở tuổi này (giáo viên đã lớn tuổi) có thể tôi không còn cơ hội nào, nhưng tôi chấp nhận kiếm sống bằng nghề lao công còn hơn. Một bác sĩ tồi giết chết một vài người, còn một thầy giáo tồi thì "giết chết" nhiều thế hệ, sao đành”, cô Yến chia sẻ chuyện dạy môn "tích hợp".
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo dạy “tích hợp” thế nào?
Liên quan đến việc dạy các môn "tích hợp", Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản như: Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022; Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn để các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, bố trí thời gian dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất, không bắt buộc phải bố trí số tiết dạy học của môn học đều ở tất cả các tuần.
Cơ sở giáo dục sắp xếp thời khóa biểu phù hợp cho cả năm học hoặc ít nhất cho từng học kì, bảo đảm số tiết/tuần theo quy định dành cho mỗi giáo viên. Sau khi đã hoàn thành nội dung được phân công dạy học môn Khoa học tự nhiên (lớp 6, lớp 7) thì tăng số tiết/tuần đối với môn Vật lý (hoặc Hóa học hoặc Sinh học lớp 8, lớp 9) để bảo đảm thực hiện đúng thời lượng của chương trình môn học phù hợp trong mỗi học kì.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý phân công giáo viên đảm nhận các nội dung phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Bố trí thời gian dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Không bắt buộc phải bố trí số tiết dạy học của môn học đều ở tất cả các tuần; sắp xếp thời khóa biểu phù hợp cho cả năm học hoặc ít nhất cho từng học kì.
Tuy vậy, nhiều thầy cô cho rằng, đoạn trường ai có... dạy môn "tích hợp" mới hay, vì những văn bản chỉ đạo dạy học môn Khoa học tự nhiên và thực tiễn giảng dạy cách xa nhau một trời một vực.
Tài liệu tham khảo:
(*) https://www.sggp.org.vn/quan-binh-tan-de-xuat-tach-mon-tich-hop-trong-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-857068.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.