Chủ đề “Nhà cách mạng Nguyễn Thị Bình với những cống hiến cho giáo dục Việt Nam” đã được nhiều tác giả - là những người đã từng làm việc nhiều năm ở Bộ Giáo dục - đề cập đến.
Những cống hiến to lớn của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên là: Bộ trưởng Bộ Giáo dục giai đoạn 1976 - 1987, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 1992 - 2002 cùng các bài viết và những bài phát biểu của bà trong thời kì đảm nhiệm hai chức vụ trên đã được đăng trong cuốn sách nhan đề “Nguyễn Thị Bình, con người và sự nghiệp giáo dục”, dày gần 550 trang do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2003.
Tôi nghĩ rằng, những cống hiến to lớn trong lĩnh vực giáo dục của bà Nguyễn Thị Bình đã được ghi lại đầy đủ trong cuốn sách đó. Trong phạm vi bài viết của mình, tôi chỉ xin tóm tắt những dấu ấn đặc biệt ở một số giai đoạn cũng rất đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục của nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình.
Thống nhất hệ thống giáo dục toàn quốc
Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, sinh ngày 26/5/1927 tại Sa Đéc. Bà là cháu ngoại của nhà chí sĩ cách mạng Phan Chu Trinh, quê ở Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình (Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo) |
Lúc mới 18 tuổi, khi Cách mạng tháng Tám diễn ra trên cả nước, bà đã tham gia giành chính quyền ở thành phố Sài Gòn. Sau đó, bà tham gia phong trào Phụ nữ cứu quốc, làm Đoàn trưởng phụ nữ cứu quốc thành Sài Gòn, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ 1951 – 1953 bà bị địch bắt và giam tại khám Chí Hòa. Khi ra khỏi nhà tù, bà tiếp tục tham gia phong trào đòi hòa bình, thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Năm 1955, bà Nguyễn Thị Bình tập kết ra Bắc và công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Năm 1961, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập, bà được cử phụ trách công tác đối ngoại của Mặt trận. Năm 1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập. Bà được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Pari (1968-1973).
Năm năm tại bàn đàm phán Hội nghị Pari, bà nổi tiếng là người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, thông minh, lý lẽ đối đáp sắc sảo trong những cuộc thảo luận, tranh luận. Cũng trong thời gian này, bà tranh thủ đến thăm nhiều nước trên các châu lục, vận động họ ủng hộ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa tại miền Nam Việt Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Đến ngày 7/1/1973, Hội nghị Pari kết thúc thắng lợi, buộc đế quốc Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, chính quyền phản động Sài Gòn phải chấp nhận đình chiến, tiến tới bầu cử thống nhất đất nước. Lúc đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình đã trực tiếp thay mặt Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký vào Hiệp định đình chiến đem lại hòa bình cho Tổ quốc Việt Nam. Từ 1973 - 1975, bà tiếp tục là Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, nước nhà thống nhất, bà Nguyễn Thị Bình được Quốc hội cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ ngày 26/7/1976 đến 16/2/1987. Mặc dù lĩnh vực giáo dục không phải sở trường của bà, nhưng khi Đảng, Nhà nước cần bà sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Những năm tháng này là thời kì đặc biệt của lịch sử nước ta. Khi bà Nguyễn Thị Bình làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đất nước vừa mới thống nhất hơn một năm. Bên cạnh niềm hân hoan phấn khởi về đại thắng mùa xuân thì nước ta lúc ấy cũng chồng chất bao nhiều khó khăn.
Về giáo dục ở 2 miền Nam - Bắc lúc đó cũng rất khác nhau. Hệ thống giáo dục ở miền Bắc là 10 năm, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong lúc đó, hệ thống giáo dục ở miền Nam là 12 năm - nhiều năm chịu ảnh hưởng của nền giáo dục thực dân kiểu mới. Số người mù chữ ở miền Nam trong vùng mới giải phóng lên đến 95%.
Nhiệm vụ quan trọng lúc này là làm thế nào cho nền giáo dục Nam - Bắc hòa nhập với nhau về mọi mặt. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình khi đó đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp để nhanh chóng làm cho hệ thống giáo dục Nam - Bắc được thống nhất. Chỉ trong vòng 2 năm đã xóa mù chữ cho 1,4 triệu người - chiếm 95% số người mù chữ do chế độ cũ để lại. Đối với giáo dục phổ thông, bà giữ nguyên hệ thống giáo dục 12 năm, không gây xáo trộn, thu nhận toàn bộ các thầy, cô giáo từ mầm non đến đại học đã từng phục vụ trong nhà trường Mỹ - Ngụy trước đây.
Bà chủ trương huy động nhân lực, vật lực có trong hệ thống giáo dục miền Bắc để hỗ trợ cho giáo dục miền Nam. Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình động viên kêu gọi giáo viên miền Bắc sẵn sàng xung phong vào miền Nam, đi đến những vùng mới giải phóng để phát triển trường học, từ mầm non đến trung học phổ thông.
Đặc biệt, bà chú ý phát triển, xây dựng các trường sư phạm đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Củng cố Trường Đại học sư phạm Huế, Trường Đại học sư phạm Sài Gòn và các khoa sư phạm ở Trường Đại học Cần Thơ và Tây Nguyên, mở thêm cơ sở Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn, cơ sở Trường Đại học Ngoại ngữ tại Đà Nẵng,…
Bằng nhiều chủ trương, biện pháp sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã nhanh chóng làm cho giáo dục ở miền Nam theo kịp đà phát triển giáo dục ở miền Bắc.
Còn ở miền Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình cũng có nhiều giải pháp chuyển tiếp hệ thống 10 năm sang hệ 12 năm. Như vậy, chỉ trong mấy năm sau khi thống nhất nước nhà, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã làm cho hệ thống giáo dục trong nước thống nhất cả về hệ thống cũng như nội dung, phương pháp thành một thể thống nhất, đào tạo nguồn nhân lực xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cùng với nhiệm vụ thống nhất hệ thống giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình lại bắt tay thực hiện Nghị quyết cải cách giáo dục số 14 của Bộ Chính trị ban hành vào năm 1979. Như đã nói ở trên, vào thời điểm đó, đất nước ta đang khủng hoảng về kinh tế, lại phải đối phó với hai cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Muốn thực hiện cải cách giáo dục thì phải có thêm tiền, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã đề xuất chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, tìm thêm nguồn lực cho giáo dục từ trong Nhân dân.
Tuy vậy, Nhà nước cũng cần phải đầu tư thêm để tổ chức viết và in sách giáo khoa mới, tăng cường thêm thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình cải cách.
Khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã trình bày những khó khăn đó với Thủ tướng Phạm Văn Đồng là Chủ tịch Ủy ban cải cách giáo dục Trung ương. Thủ tướng nói: “Chị Bình ơi, làm cải cách giáo dục đúng là phải có tiền, nhưng tôi là Thủ tướng, tôi biết ngân sách nhà nước ta còn bao nhiêu tiền. Chưa có gạo cho dân, dân đang đói, tôi phải lo gạo cho dân đã. Chưa có thuốc chữa bệnh cho dân, tôi phải lo thuốc đã. Chị về phát động toàn ngành lao động sản xuất tìm ra nguồn lực để cải cách giáo dục”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã nghĩ ra nhiều chủ trương, biện pháp, chỉ đạo khéo léo thực hiện phương châm: "Nhà nước và Nhân dân" cùng chăm lo sự nghiệp giáo dục để chỉ đạo cải cách giáo dục thành công. Cuộc cải cách giáo dục theo Nghị quyết 14 đã đạt được những thành tựu to lớn trong hoàn cảnh đất nước cực kì khó khăn với những thành tựu không thể nào phủ nhận được, đó là:
Đã thống nhất trong toàn quốc hệ thống giáo dục 12 năm.
Đã hình thành một hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non lên đến đại học và sau đại học, từ Trung ương đến địa phương đảm bảo đủ chỗ học cho mọi đối tượng trong cả nước.
Cải cách toàn bộ nội dung giáo dục phổ thông theo chương trình thống nhất trong cả nước, chương trình mới đã cập nhật được tình hình chính trị xã hội của đất nước ta và thế giới trong giai đoạn bấy giờ và cũng đưa thêm được một số thành tựu khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật vào nội dung giảng dạy.
Đã duy trì quy mô giáo dục trong điều kiện hết sức khó khăn.
Đã hình thành hệ thống quản lí giáo dục từ Trung ương đến địa phương.
Đó là những công việc có đóng góp vô cùng to lớn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình, đặt nền móng cho sự phát triển nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình cũng thường nói với các cộng sự: Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục cần phải xây dựng kiềng ba chân vững mạnh, đó là:
- Đối với người học cần chú ý giáo dục toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ và ý tưởng học tập suốt đời.
- Xây dựng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên và chăm lo đời sống cho họ.
- Xây dựng cơ sở vật chất từng bước tiêu chuẩn hóa và hiện đại hóa phục vụ cho việc giảng dạy học tập.
Trong từng chân kiềng ấy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình có nhiều chủ trương, biện pháp sáng tạo phù hợp để thực hiện với từng hoàn cảnh và từng giai đoạn.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã cho mở ngay các trường, khoa sư phạm đào tạo giáo viên dạy thể dục, mỹ dục cho tất cả các loại hình trường từ mầm non đến đại học. Năm 1982, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đề xuất chủ trương rèn luyện thể dục, mỹ dục qua hội thi Hội khỏe Phù Đổng tại nhà trường địa phương hàng năm và toàn ngành tổ chức hội khỏe theo chu kì 4 năm một lần nhằm mục đích giáo dục rèn luyện thể chất, mỹ dục cho học sinh.
Những năm về sau lại có thêm hội thi hát múa học sinh, sinh viên; hội thi văn hóa thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú; hội thi nghiệp vụ các trường sư phạm. Các hội thi này cũng được tổ chức toàn quốc 4 năm một lần, xen kẽ nhau để năm nào toàn ngành cũng có một hội thi lớn.
Sớm chăm lo đến giáo dục hướng nghiệp
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình rất chăm lo đến công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Bộ trưởng đã trình Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 126-CP ngày 19/3/1981 về công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông và sử dụng hợp lý học sinh phổ thông các cấp tốt nghiệp ra trường.
Việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã giúp các em định hướng được nghề nghiệp tương lai. Nhờ vậy mà việc tuyển lựa học sinh vào các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học rất thuận lợi. Để tạo điều kiện cho công tác hướng nghiệp, Bộ trưởng chủ trương xây dựng hệ thống trung tâm kĩ thuật tổng hợp hướng nghiệp ở các tỉnh, huyện, cụm trường. Ở từng trường học, xây dựng xưởng trường, vườn trường để học sinh thực tập.
Ngày 15/11/2022, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tới thăm, tri ân nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. (Ảnh: nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã phối hợp với Bộ Lâm nghiệp phát động trồng 150 triệu cây trong 10 năm. Chỉ một năm đầu các nhà trường đã trồng được hơn 25 triệu cây. Có rất nhiều điển hình tiên tiến như trường Phổ thông trung học Trương Định ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã trồng được 800 ha cây đước lấn biển, trường Phổ thông trung học Cồn Tiên, tỉnh Quảng Trị đã trồng hơn 100 ha dương liễu phủ kín đất cát trắng hoang hóa sau chiến tranh và hầu hết các trường học trong cả nước đều phủ xanh cây trồng từ sân trường, vườn trường ra đường đi ở cạnh trường tạo nên một cảnh quan tươi đẹp.
Ngày 17/8/1992, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình lại ban hành tiếp Thông tư 31 xác định rõ 4 hình thức hướng nghiệp cho học sinh.
- Hướng nghiệp qua từng môn học.
- Hướng nghiệp qua các hoạt động lao động sản xuất.
- Hướng nghiệp thông qua giới thiệu các ngành nghề cần phát triển.
- Hướng nghiệp thông qua các hoạt động ngoại khóa, tham quan các nhà máy xí nghiệp sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo các bộ ngành, tỉnh thành đề nghị ban hành các Chỉ thị hướng dẫn thực hiện Quyết định 126-CP của Chính phủ; đã có 15 Bộ, ngành ra Thông tư, 39/40 Tỉnh ủy, Ủy ban trong cả nước ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định của Chính phủ.
Sau 5 năm thực hiện Quyết định 126-CP, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình lại đề nghị Chính phủ ra Chỉ thị 142-CT ngày 16/4/1985 “Về việc khuyến khích nhà trường đẩy mạnh lao động sản xuất”. Trong Chỉ thị ghi rõ: Các nhà trường do lao động sản xuất mà có thu nhập thì được miễn thuế.
Có thể nói rằng công tác hướng nghiệp đã có tác dụng giáo dục rất lớn đối với học sinh, giúp học sinh xác định rõ hướng tương lai của mình. Do vậy học sinh rất hăng say học tập.
Chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình khi đó cũng rất chăm lo công tác xây dựng đội ngũ giáo viên từ mầm non đến đại học. Bộ trưởng đã chủ trương phân cấp cho địa phương mở trường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Bộ quản lí các trường đại học sư phạm, đào tạo giáo viên cấp 3, giáo viên cho các trường sư phạm địa phương, các trường dạy nghề.
Ngoài những trường đại học sư phạm đã có, ngay năm 1978, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã cho mở cơ sở Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn. Năm 1974, mở cơ sở Trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng và hiện nay đã trở thành Trường Đại học Ngoại ngữ (Đà Nẵng) có quy mô lớn đào tạo giáo viên các môn ngoại ngữ cho khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên.
Ngay khi lên nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã cho phép Trường Đại học sư phạm Hà Nội 1 mở khoa Bồi dưỡng giáo viên sau đại học. Đến năm 1977, Trường Đại học sư phạm Hà Nội 1 là một trong 6 trường đại học được đào tạo trình độ Phó tiến sĩ trong nước. Trong thời kì này, tình hình kinh tế xã hội rất khó khăn, vai trò vị trí của giáo dục theo quan niệm xã hội vẫn là một bộ phận về phúc lợi xã hội, do đó vị trí xã hội của thầy giáo chưa được đề cao đúng mức, thang bậc lương của thầy cô giáo được xếp vào bậc thấp nhất trong xã hội.
Cùng một trình độ tốt nghiệp, nhưng những người làm việc ở các bộ, ngành khác chẳng hạn như ngành công nghiệp thì thang lương vẫn cao hơn thang lương giáo viên. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã kiên trì làm việc với các bộ, ngành, đấu tranh đưa bậc lương của giáo viên ngang với bậc lương của cán bộ ngành công nghiệp, Bộ trưởng đã đề xuất với Nhà nước quyết định phụ cấp thâm niên cho giáo viên.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình cũng đề nghị Nhà nước phong tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục và tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú cho những thầy cô giáo có nhiều thành tích.
Đặc biệt, trong năm 1982, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình sau khi tham khảo ý kiến của lãnh đạo Bộ, Công đoàn giáo dục Việt Nam, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp,… đã trình Chính phủ ra Quyết định 167-HĐBT ngày 28/9/1982 do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp kí, quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Mặc dù hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn nhưng thầy cô giáo đã được học sinh, cha mẹ và xã hội tôn vinh nên dù khó khăn đến mấy cũng ra sức thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thi đua dạy tốt và học tốt”.
Đối với ngành giáo dục, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình phân công hẳn một Thứ trưởng phụ trách cơ sở vật chất và đời sống giáo viên. Đây là một mảng chân kiềng quan trọng của ngành giáo dục.
Quan tâm cải thiện cơ sở vật chất trường học, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục
Nhận thấy rằng, sau khi kết thúc chiến tranh thống nhất nước nhà, tình trạng trường lớp - nhất là ở miền Nam mới giải phóng - lớp học tranh tre, nứa lá tạm thời rất phổ biến. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình chủ trương phải nhanh chóng xóa bỏ trường lớp tạm bợ.
Để làm nhanh việc này, Bộ trưởng đã làm việc với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) xin viện trợ hàng nghìn phòng học khung sắt lắp ghép, tiến hành xây dựng nhanh chóng để thay thế các lớp học tranh tre. Xin viện trợ hai nhà máy sản xuất thiết bị đồ dùng dạy học đặt ở Hà Nội và ở Thành phố Hồ Chí Minh và một nhà máy sản xuất đồ chơi cho trẻ em đặt tại Đại Kim - Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã làm việc với bà Honecker – Bộ trưởng Giáo dục Cộng hòa Dân chủ Đức xin viện trợ hàng trăm bộ va li vật lí cho trường cấp 3, cấp 2.
Song song với việc xin viện trợ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từ nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình cũng phát động phong trào thi đua tự làm đồ dùng dạy học, hàng năm tổ chức triển lãm các mẫu đồ dùng dạy học tự làm, lập Hội đồng chọn lựa các mẫu đồ dùng dạy học có chất lượng đưa vào nhà máy sản xuất phục vụ giảng dạy, học tập.
Bộ trưởng cho thành lập ba nhà máy in sách giáo khoa, tại Hà Nội có nhà máy in Đông Anh, Diên Hồng và tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhà máy in Trần Phú, thành lập Trung tâm sản xuất băng đĩa, nghe nhìn.
Bộ trưởng đã đề ra 10 tiêu chuẩn về cơ sở vật chất phục vụ trường học, động viên các tỉnh thi đua thực hiện, tổ chức các đoàn kiểm tra chéo để thúc đẩy phong trào.
Ngoài ba mảng công việc phục vụ cho ngành giáo dục nêu trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lí. Bộ trưởng xem cán bộ quản lí là "sĩ quan" của ngành giáo dục. Bộ trưởng đã cho thành lập hai trường Bồi dưỡng cán bộ quản lí trung ương đặt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hai trường này hiện nay là hai Học viện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình cũng rất quan tâm đến đội ngũ quản lí giáo dục là nữ. Bộ trưởng đã ra Chỉ thị về công tác nữ trong ngành giáo dục. Trong Chỉ thị có quy định rõ mỗi cơ sở giáo dục trong bộ máy quản lí phải có ít nhất là một người nữ. Bộ trưởng đã cho mở nhiều lớp bồi dưỡng cán bộ nữ kế cận lãnh đạo, nhờ vậy mà nhiều chị em đã trở thành Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở Giáo dục và từ đó họ đã được tín nhiệm thành Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh phụ trách văn xã, một số chị em đã trúng cử Đại biểu Quốc hội.
Từ chủ trương mỗi cơ sở giáo dục trong ban lãnh đạo phải có một nhân sự là nữ của ngành Giáo dục, Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam đã nhân rộng thành chủ trương chung trong toàn quốc, nêu trong chiến lược Vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam được Chính phủ phê duyệt năm 1992. Hội nghị toàn thế giới Vì sự tiến bộ phụ nữ họp tại Bắc Kinh năm 1995 rất hoan nghênh chủ trương này của Việt Nam.
Đặc biệt quan tâm đến giáo dục vùng khó
Một vấn đề khác cũng rất được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình quan tâm chỉ đạo đó là giáo dục miền núi và vùng khó khăn. Những nơi này có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, nhất là về giáo dục. Phần lớn người dân tộc bị mù chữ, trẻ em thất học, nhất là trẻ em gái.
Bộ trưởng rất quan tâm chỉ đạo công tác xóa mù và sau xóa mù. Ngay từ năm 1978, Bộ trưởng đã ban hành một số văn bản cải tiến công tác bồi dưỡng lãnh đạo các trường miền núi, công tác giáo dục đồng bào Khơ Me, đẩy mạnh phát triển giáo dục vùng Tây Nguyên.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã ban hành Quyết định số 661/QĐ ký ngày 29/6/1985 thống nhất đổi tên các trường thanh, thiếu niên dân tộc trong cả nước thành trường phổ thông dân tộc nội trú.
Chủ trương này được các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số rất hoan nghênh, có thể nói đây là mốc lịch sử của giáo dục miền núi. Trường phổ thông dân tộc nội trú là nơi tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc trở về phục vụ miền núi và vùng khó khăn. Từ chủ trương này, Bộ trưởng kế nhiệm Trần Hồng Quân đã trình Nhà nước xin một đề án củng cố và phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Đề án này đã được Chính phủ phê duyệt và hàng năm cấp hàng trăm tỉ đồng để củng cố xây dựng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú bao gồm 5 trường Dự bị đại học trung ương ở Nha Trang, Sầm Sơn, Việt Trì, Thành phố Hồ Chí Minh, vùng cao Việt Bắc, 42 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, 250 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện và hàng trăm trường tiểu học bán trú cho các tỉnh có đồng bào dân tộc.
Tất cả học sinh học ở trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đều được cấp tiền ăn, trang phục và các chi phí cá nhân khác. Cán bộ giáo viên phục vụ tại các trường phổ thông dân tộc nội trú đều có thêm hệ số lương. Để giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc, Đề án đã đề xuất tổ chức Hội thi văn hóa thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú theo chu kì 4 năm một lần xen kẽ cùng Hội khỏe Phù Đổng.
Qua các hội thi này đã dấy lên phong trào rèn luyện thân thể, năng lực thẩm mĩ, kĩ năng làm công tác xã hội rất sôi nổi. Ở Bộ Giáo dục, Bộ trưởng đã cho thành lập Ban nghiên cứu giáo dục dân tộc và về sau chuyển thành Trung tâm nghiên cứu giáo dục dân tộc.
Nâng tầm vị thế công tác đối ngoại giáo dục
Đối với công tác đối ngoại của ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình có nhiều hoạt động đầy ấn tượng. Để chỉ đạo công tác đối ngoại, Bộ trưởng đã nâng vị trí Ban Đối ngoại trực thuộc văn phòng Bộ thành Ban Đối ngoại trực thuộc lãnh đạo Bộ, sau một thời gian ngắn Bộ lại nâng thành Vụ Hợp tác quốc tế trực thuộc Bộ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã trực tiếp chỉ đạo công tác viện trợ cho giáo dục Lào và Campuchia về chuyên gia, giáo viên, cơ sở vật chất. Cử nhiều chuyên gia giáo dục đi dạy ở nhiều nước châu Phi, tranh thủ sự giúp đỡ về cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực của các nước có trình độ phát triển như Liên Xô, Cộng hoà dân chủ Đức, Cuba, một số nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ. Tranh thủ sự giúp đỡ một số tổ chức quốc tế như UNICEF, UNESCO, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng châu Á,… để có thêm điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình không những chăm lo công tác đối ngoại của ngành giáo dục mà còn thực hiện một số công tác đối ngoại cho Nhà nước, nhất là việc dẫn đầu các đoàn đàm phán hoãn nợ.
Về nhà cách mạng Nguyễn Thị Bình với những cống hiến cho giáo dục Việt Nam, trong bài chia sẻ này không sao nói cho hết được. Người dân Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã từng biết bà Nguyễn Thị Bình là một nhà ngoại giao nữ xinh đẹp, thông minh, bản lĩnh tuyệt vời, lí lẽ vô cùng sắc bén khi đối đầu với những nhà ngoại giao kì cựu Hoa Kỳ tại bàn đàm phán Hội nghị Pari.
Về giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã dám đương đầu với những khó khăn về kinh tế xã hội sau khi thống nhất đất nước, cùng với những “cây đa cây đề” của ngành giáo dục để đưa ra nhiều chủ trương sáng tạo, nhiều biện pháp hữu hiệu, đem lại sự thống nhất cho giáo dục toàn quốc, thực hiện thành công cuộc cải cách giáo dục theo Nghị quyết 14 của Trung ương. Nhiều chủ trương của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình trong các lĩnh vực giáo dục vẫn còn ý nghĩa cho đến ngày nay và trong tương lai.
Để kết thúc bài chia sẻ này, tôi xin trích 2 câu thơ cuối trong bài thơ thất ngôn bát cú chúc thọ nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình ở tuổi 80 của đồng chí Lê Năng An - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Bộ Giáo dục trong thời gian bà Nguyễn Thị Bình làm Bộ trưởng:
“… Trang vàng sử sách còn ghi dấu
Một bậc nữ lưu sáng giữa trời…”.