Hòa chung trong không khí hân hoan đón chào ngày lễ lớn của ngành giáo dục, sáng nay ngày 18/11, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) và khen thưởng các cấp.
Tham dự buổi lễ có các đại biểu đại diện Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy, phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, đại diện lãnh đạo công an phường Dịch Vọng Hậu,...
Về phía trường Đại học Sư phạm Hà Nội, dự lễ kỷ niệm sáng nay có Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Việt Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường,... cùng các thầy cô giáo trong ban lãnh đạo trường, các quý thầy cô nguyên là cán bộ, giảng viên của nhà trường qua các thời kỳ; cùng toàn thể các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Những "thúc ép" ngoài giáo dục đã buộc làm xê dịch lòng tự trọng nhà giáo
Giáo sư Nguyễn Văn Minh phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: Doãn Nhàn |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Giáo sư Nguyễn Văn Minh bày tỏ sự trân trọng và tri ân sâu sắc tới các thế hệ nhà giáo đã thầm lặng, hi sinh làm công việc “trồng người”, đem lại sự tử tế, sự hiểu biết cho tất cả mọi người.
Giáo sư khẳng định những giá trị, ý nghĩa to lớn của của nghề giáo, rằng những người làm giáo dục có quyền tự hào về nghề nghiệp của mình. Trong niềm vui của ngày lễ tri ân, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã có nhiều chia sẻ “gan ruột” về những “nốt trầm” của ngành giáo dục thời gian qua.
Đó là câu chuyện giáo viên nghỉ việc vì áp lực nghề, vì đồng lương còn chưa đủ để lo cơm áo hàng ngày, sự thiếu dân chủ trong môi trường giáo dục, hay những câu chuyện buồn về sự đảo lộn các giá trị đạo đức truyền thống giữa mối quan hệ thầy - trò, cha mẹ - con cái,...
Theo giáo sư, các thầy cô giáo đang sống và làm việc trong những ngày tháng có quá nhiều cung bậc cảm xúc, còn rất nhiều suy tư và trăn trở.
"Những đồng nghiệp của chúng ta giã từ chúng ta, giã từ nghề giáo. Buồn không, rất buồn. Chúng ta chia sẻ với họ và lấy làm tiếc nuối. Vì trong đó, không ít người vẫn đau đáu với nghề, với người; nhưng cơm gạo, áo tiền đã giằng xé họ và cuối cùng đành dứt áo ra đi. Đáng thương hay đáng trách cứ trĩu nặng lòng ta", thầy hiệu trưởng chia sẻ.
Thầy Minh khẳng định, ngọn nguồn của giáo dục là sự tử tế và yêu thương. Khi người ta phải đành lòng giã từ những giá trị đó để theo đuổi mục đích khác thì đó là vấn đề rất đáng lưu tâm đối với xã hội.
"Lẽ ra ở trường học chính là nơi có môi trường thân thiện, khoa học và văn minh nhất, nhưng không đơn giản như thế. Sinh viên của chúng ta ra trường, thu nhập là một phần, một phần nữa, chính một số đồng nghiệp chúng ta khi làm quản lý đã tạo nên những vòng kim cô, những cách thức làm việc có khi trái với nguyên lý giáo dục. Lẽ ra khuyến khích sáng tạo, lại gò ép, máy móc, tạo ra tâm lý sợ hãi và đó cũng là ngọn nguồn của chán nản. Có lúc, những thúc ép “ngoài” giáo dục, thúc ép hành chính, thúc ép thành tích đã buộc làm xê dịch lòng tự trọng nhà giáo. Cam chịu có khi thành đồng lõa”, ông bày tỏ niềm trăn trở.
"Đừng để những giằng xé của bổn phận, của tình cảm và khó khăn, trăn trở lấn át thiện tâm của người thầy!"
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm sáng nay. Ảnh: Doãn Nhàn |
Theo Giáo sư, trước những thực tế đáng buồn đó, cần có sự nhìn nhận lại thật nghiêm túc, bởi khi không tự soi, tự sửa thì khó mà tiến bộ. Thầy hiệu trưởng mong mỏi các thầy cô giáo hãy đem đến nụ cười và niềm hứng khởi cho các em thơ, đừng đem đến cho các em sự hà khắc và nghiệt ngã, sự chán chường và thất vọng.
“Hãy thương yêu học trò như chính thương yêu con cái của mình thì sẽ bớt đi nhiều điều đáng tiếc; và các cấp quản lý, xin hãy để nhà giáo làm đúng thiên chức của họ; đừng bắt họ làm những điều trái với lương tâm để vấy bẩn lên danh dự người thầy; xin các bậc phụ huynh hãy thấu hiểu rằng, tất cả thầy cô chân chính đều mong muốn con cái họ tiến bộ, vì vậy hãy đồng hành với thầy cô, đừng làm tình yêu thương trở thành thương tổn”, Giáo sư chia sẻ.
Cuối bài phát biểu của mình, vị hiệu trưởng bày tỏ sự tin tưởng, hy vọng vào các thầy cô giáo tiếp tục kiên cường, bền bỉ với sự nghiệp “trồng người” dù còn “điều này, điều kia”; đừng để những giằng xé của bổn phận, của tình cảm và khó khăn, trăn trở lấn át thiện tâm của người thầy.
“Chúng ta có tâm tư, có trăn trở, nhưng hơn cả là giữ bản lĩnh, trau dồi tư cách và giữ trọn tình yêu thương với con trẻ. Đừng để nghèo khó bào mòn tình yêu thương và lòng tự trọng. Giữ vững niềm tin về những điều chân chính, chính là niềm tin tốt đẹp cho tương lai.
Chúng ta hy vọng xã hội, những bậc cha mẹ sẽ nhận ra và cùng đồng hành, vì ai đều cũng mong muốn con cái mình tiến bộ. Hãy để những nhà giáo chân chính làm đúng bổn phận và lương tâm của họ”, thầy hiệu trưởng gửi gắm niềm tâm tư.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học vừa qua. Ảnh: Doãn Nhàn |
Cũng trong buổi lễ sáng nay, trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức khen thưởng, trao bằng khen và quà cho các thầy cô giáo có thành tích xuất sắc trong năm học vừa qua.
Cụ thể, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho 02 cá nhân; Trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 02 tập thể và 04 cá nhân; Tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Giáo dục” cho 48 cá nhân; Và khen thưởng 13 cá nhân đạt danh hiệu Giảng viên tiêu biểu trong năm học 2021-2022.
Một số hình ảnh khác tại lễ kỷ niệm sáng nay:
Các tiết mục văn nghệ mở đầu chương trình. Ảnh: Doãn Nhàn |
Giáo sư Nguyễn Văn Minh trao huân chương Lao động hạng Ba cho Phó giáo sư - Tiến sĩ Lục Huy Hoàng, Giảng viên cao cấp khoa Vật lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Doãn Nhàn |
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Tùng, Khoa Lý luận chính trị - Giáo dục công dân đại diện cho cán bộ giảng viên trẻ nhà trường phát biểu cảm nghĩ tại buổi lễ. Ảnh: Doãn Nhàn |
Giáo sư Nguyễn Văn Minh trao tặng bằng khen cho các giảng viên tiêu biểu. Ảnh: Doãn Nhàn |