Hằng năm, nhiều nước trên thế giới kỷ niệm ngày hiến chương nhà giáo để tôn vinh nghề dạy học.
Đến nay, dù là một ngày mang ý nghĩa tôn vinh quốc tế, hay tùy quy ước riêng từng quốc gia thì mục đích của ngày nhà giáo là thể hiện sự ủng hộ, tôn trọng của cộng đồng đối với giáo viên toàn cầu.
Ở Việt Nam, lần đầu tiên ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo" được tổ chức toàn miền Bắc vào ngày 20/11/1958.
Đến năm 1982, Quyết định số 167, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.
Đến nay đã là 40 năm, mặc dù con số 40 năm ấy không thể nói hết về “nghĩa sư đồ” của một dân tộc hàng ngàn năm văn hiến, nhưng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 từ lâu đã trở là ngày Tết của nhà giáo, ngày hội của một đất nước hiếu học, tôn sư.
Sáng 18/11, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Tiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam; đón nhận khen thưởng cấp Nhà nước và vinh danh Nhà giáo tâm huyết sáng tạo lần thứ II.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ Chào cờ trong buổi Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (Ảnh: Lã Tiến) |
Dự Lễ kỷ niệm có ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố cùng lãnh đạo các Sở, Ban, ngành các địa phương.
Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng ôn diễn văn (Ảnh: Lã Tiến) |
Ôn diễn văn tại Lễ kỷ niệm, ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng bày tỏ tri ân sâu sắc tới những nhà giáo, những thế hệ lãnh đạo đã xây đắp truyền thống ngành giáo dục và đào tạo Hải Phòng: “Với giáo dục Hải Phòng, chúng ta tưởng nhớ về Nhà giáo Lê Xuân Phùng,Giám đốc Sở Giáo dục Hải Phòng, Nhà giáo Hoàng Xạ, Trưởng Ty Giáo dục Kiến An – những người đã “Mở lối cho giáo dục Hải Phòng”.
Và những thế hệ lãnh đạo ngành giáo dục kế tiếp đã tiếp tục xây đắp nên truyền thống giáo dục Hải Phòng: thầy Lê Văn Ngươn, thầy Nguyễn Trọng Lô, cô Bùi Thị Sinh, thầy Trần Xuân Đình, thầy Đỗ Thế Hùng, thầy Nguyễn Xuân Trường, thầy Lê Quốc Tiến, và lớp lớp cán bộ giáo dục, nhà giáo với rất nhiều tên tuổi lớn, rất đáng kính trọng, ngưỡng mộ về tài năng và đức độ.
Với giáo dục Hải Phòng, 67 năm qua, từ những viên gạch đầu tiên cho tới cơ ngơi giáo dục như ngày hôm nay là những chặng đường đầy thử thách nhưng rất đáng tự hào.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố qua các thời kỳ, sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, đơn vị, sự tin tưởng và giúp sức của nhân dân, của cha mẹ học sinh, giáo dục Hải Phòng đã góp phần xứng đáng vào những bước tiến của ngành giáo dục cả nước cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố chúng ta".
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng chào mừng và chúc các cán bộ, giáo viên, những người công tác trong ngành giáo dục và đào tạo thành phố lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Lã Tiến) |
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố nhấn mạnh, những năm qua thành phố luôn quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, ban hành các chế độ, chính sách liên quan đến nhà giáo, tôn vinh đội ngũ những người làm nghề dạy học.
Cùng với đó là việc động viên tinh thần và vật chất, còn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; đổi mới, sáng tạo trong dạy và học…
Tạo môi trường giáo dục thuận lợi để các nhà giáo phấn đấu, rèn luyện, học tập nâng cao trình độ, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Lê Khắc Nam đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho Phòng Giáo dục Mầm non – Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố. |
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Lê Khắc Nam tặng Cờ thi đua của Uỷ ban nhân dân thành phố cho 2 tập thể (Ảnh: Lã Tiến) |
Để tiếp tục đưa giáo dục Hải Phòng tiến nhanh và tiến chắc, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố đề nghị đội ngũ nhà giáo phải hết sức cố gắng, chủ động khắc phục khó khăn, không ngừng sáng tạo, đổi mới;
Tiếp tục học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nhà giáo trong sáng; thực hiện sâu rộng, triệt để việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đổi mới công tác quản lý; tích cực nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm để ứng dụng vào giảng dạy, quản lý.