Hành trình 30 năm Trường Marie Curie qua những lời chia sẻ xúc động của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang; những tiết mục văn nghệ hơi thở hiện đại, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của mái trường Marie Curie cùng những phần dự thi "MC’s Got Talent", "MC X-factor” độc đáo… đã tạo dấu ấn khó quên trong Gala 30.
Hội trường gần 4.000 ghế chật kín, ai cũng xúc động, tự hào trong ngày Gala 30. Hàng nghìn người chăm chú dõi theo những lời tâm sự, sẻ chia tình cảm của các thầy cô, học sinh, cựu học sinh và cả các bậc phụ huynh qua video phóng sự về trường. Ai cũng cảm thấy tự hào về chặng đường phát triển 30 năm của mái trường Marie Curie.
Hội trường gần 4.000 ghế chật kín, ai cũng xúc động, tự hào trong ngày Gala 30 |
Dù ở Khương Đình, Trần Quốc Toản, Trung Yên hay Mỹ Đình, Kiến Hưng, Văn Phú… thì Marie Curie vẫn luôn tràn ngập tình yêu thương và lòng nhân ái. Đó không chỉ là ngôi trường mà còn là mái nhà, là gia đình của biết bao thế hệ thầy trò.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang cắt bánh sinh nhật tròn 30 năm tuổi của ngôi trường Marie Curie |
Mở đầu bài diễn văn tại Gala 30, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang nói “30 năm Marie Curie là 3 thập niên lúc thăng, lúc trầm. Trong khó khăn có may mắn, trong hạnh phúc có rủi ro”.
Khương Đình là nơi trường Marie Curie khởi nghiệp
Thầy Khang bắt đầu kể lại hành trình thuê toàn bộ Trường Trung cấp sư phạm Nhà trẻ - Mẫu giáo Hà Nội ở Khương Đình, có giảng đường, kí túc xá, nhà ăn… thuận lợi cho học sinh bán trú, nội trú.
Năm đó, nhà trường có kế hoạch tuyển 360 học sinh/12 lớp, từ lớp 6 đến lớp 10. Đến khi tuyển trường tổ chức tuyển sinh thông qua hình thức học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc giải nhất tỉnh/thành phố được tuyển thẳng, miễn học phí, cấp học bổng; Học sinh khác thi 60 phút, trắc nghiệm năng lực trí tuệ theo chuẩn quốc tế (Test Raven). Hơn 1.000 thí sinh dự tuyển. Ra khỏi phòng thi, cả ngàn gương mặt đều tươi rói nói với bố mẹ: “Chưa bao giờ thi sướng như hôm nay, chỉ "ngắm" và "khoanh", không phải tính toán đau đầu, chẳng phải viết lách dài dòng”. Kết quả là gần 600 học sinh trúng tuyển, nhà trường thành lập 17 lớp, trong đó có 2 lớp 11 ngoài kế hoạch.
Còn giáo viên chỉ trong 10 ngày trường tuyển đủ. Nhiều thầy giáo dạy giỏi nổi tiếng ở Hà Nội, được dân tôn vinh như những “nghệ nhân giảng dạy”, sẵn sàng hợp tác với trường. Những cô giáo vừa tốt nghiệp trường đại học sư phạm, tràn đầy sức trẻ, cũng xin gia nhập đội ngũ giáo viên của trường.
Mở đầu bài diễn văn tại Gala 30, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang nói “30 năm Marie Curie là 3 thập niên lúc thăng, lúc trầm. Trong khó khăn có may mắn, trong hạnh phúc có rủi ro”. |
Và thế là ngày 29/8/1992, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành quyết định cho phép thành lập Trường phổ thông dân lập cấp 2 - 3 Marie Curie. Ngày 6/9, trường Marie Curie tổ chức trọng thể Lễ Thành lập trường và Khai giảng năm học đầu tiên 1992 - 1993.
Đêm ngày 2/9, nhà bếp nhóm lò, cúng ông Công, ông Táo. Sáng ngày 4/9, nấu bữa trưa cho học sinh ăn thử. Đến 9h30, hai chảo cơm quân dụng rất to gặp sự cố, phải nấu lại. Bữa trưa đầu tiên kéo dài đến 13h30. Lãnh đạo trường họp với nhà bếp và một quyết định “lịch sử” được ban hành: cơm, canh, vừng, dưa được dùng thoải mái, ra khỏi nhà ăn không ai đói bụng.
Hằng ngày có 5 tuyến xe bus, sáng đón học trò đến trường, chiều đưa về nhà. Học 2 buổi, ăn và ngủ trưa ở trường. Trên xe bus có học sinh nhỏ cấp 2 và học sinh lớn cấp 3, cùng với bác lái xe, thân thiết như một gia đình. Tháng nào cũng có “sinh nhật di động” trên xe. Học sinh làm thơ: “Chọn trong những từ yêu thương/ Em gọi bác lái xe là bố/ Vì em nhớ, khi em còn bé nhỏ/ Chỉ có bố mới đưa em đến trường/ Chỉ có mẹ mới chiều chiều đến đón…”.
Lúc này cả hội trường lặng đi trước những lời kể rưng rưng, nghẹn ngào của thầy Hiệu trưởng về những chặng đường đã qua của trường Marie Curie. Giọt lệ thầy đã rơi khi nhắc về khoảng thời gian thầy trò ở nội trú. Lúc ấy, thầy trò không chỉ học mà còn ăn chung, chơi chung, tắm chung. Cuộc sống gần gũi, gắn bó như một gia đình.
Khương Đình như “một cái áo” quá chật, cần tìm thêm nơi khác để phát triển trường. Cuối năm 1999, thầy Nguyễn Xuân Khang ghé thăm địa chỉ số 3 Trần Quốc Toản, chủ nhà mời xem từ tầng 1 đến tầng 3 của một xí nghiệp ngừng sản xuất nhiều năm, bỏ hoang phế… Muốn biến thành một nơi học phải cải tạo rất nhiều. Ưu điểm đặc biệt của địa chỉ này là gần Hồ Gươm, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”. Sau đó 1 tuần, hợp đồng được ký kết, nhà trường cải tạo gấp rút trong 1 tháng. Vậy là nghỉ Tết Canh Thìn xong, học sinh cấp 3 chuyển lên địa điểm mới còn Khương Đình để lại cho học sinh cấp 2.
Sau đó, trường chủ quản lấy lại cơ sở vật chất Khương Đình, sau 15 năm cho thuê. Hơn 1.000 học sinh cấp 2 chưa biết đi đâu, về đâu thì may mắn được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội khi Trường Mẫu giáo Trung Yên vừa xây xong, chưa sử dụng, cho trường Marie Curie thuê toàn bộ để đón học sinh cấp 2 trở lại trường, sau 9 ngày tạm dừng học tập. Vượt qua thử thách lớn, mọi người xích lại gần nhau hơn.
Sau gần 20 năm “lưu lạc”, Trường Marie Curie được giao đất vàng
Sau gần 20 năm “lưu lạc”, năm 2010, 1.000 năm Thăng Long, Trường Marie Curie được Thành phố giao gần 1 hecta “đất vàng” giữa Thủ đô văn hiến. Không đầy 2 năm sau, trường xây xong: đẹp, nhà cao, cổng rộng, trang thiết bị hiện đại tại Mỹ Đình.
Tháng 7/2014, đón học sinh từ Trung Yên và Trần Quốc Toản về Mỹ Đình rồi thành lập thêm tiểu học.
Trường Marie Curie kể từ đó trở thành trường phổ thông liên cấp 1,2,3.
Đến năm 2017, trường thành lập Tiểu học Marie Curie 2 tại Kiến Hưng - Hà Đông.
Năm 2021, thành lập Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Marie Curie - Hà Đông tại Khu đô thị Văn Phú.
Đang yên đang lành, đại dịch Covid-19 ập đến. Trò tạm dừng đến trường, thầy trò xa nhau nhiều tháng trời. Cuộc sống đảo lộn, những điều bình thường nhất trở thành ước muốn xa vời. Cùng với cả xã hội, trường Marie Curie dũng cảm vượt qua thử thách: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”!
Đại dịch bị đẩy lùi. Thầy trò được gặp nhau. Từ nay, mỗi người đều biết trân quý những ngày được đến trường.
Thầy trò Marie Curie đã cùng nhau hướng về cộng đồng, nào là chuyến xe đầy ắp sách vở, bút mực, áo quần, gạo tiền…, gấp rút hướng về miền Trung thân yêu trong đợt bão lũ, vào miền Tây Nam Bộ xây cầu, lên biên cương phía Bắc trồng cây rồi chở “con chữ” lên Mèo Vạc - Hà Giang…
Trường Marie Curie đã phát triển vững mạnh, hội đủ PHÚ - MỸ - HƯNG
Thầy Khang tiết lộ: “Năm 2023, Hệ thống giáo dục Marie Curie sẽ có thêm cơ sở mới rộng 3 hecta, ở Khu đô thị Việt Hưng - Long Biên. Cơ sở thứ tư gồm có mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; có đơn ngữ Việt và song ngữ Việt – Anh”.
Cuối cùng dành ca từ để nói lên mong muốn, kỳ vọng, thầy Hiệu trưởng nói: “Khi khởi nghiệp, ai cũng ước mơ. Ba mươi năm trước, tôi ước mơ Marie Curie sẽ là một ngôi trường: trường ra trường, thầy ra thầy và trò ra trò, hướng đến “chân - thiện - mỹ”!
Nay, trường Marie Curie đã phát triển vững mạnh, hội đủ PHÚ - MỸ - HƯNG. Thầy cô, cha anh đã tạo dựng sự nghiệp, các thế hệ học trò, con cháu phải gắng sức gìn giữ!”.
Gala 30 Marie Curie còn để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả bởi sân khấu hoành tráng, 8 tiết mục văn nghệ chuyên nghiệp |
Gala 30 Marie Curie còn để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả bởi sân khấu hoành tráng, 8 tiết mục văn nghệ xuyên suốt chương trình là 8 màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc. Mỗi tiết mục mang một thông điệp, ý nghĩa nhưng tất cả đều khiến khán giả choáng ngợp vì dàn dựng, biểu diễn đẹp và thực sự chuyên nghiệp.