HLV Falko Goetz: 'Tội đồ' trong thất bại của 23 Việt Nam

23/11/2011 13:45
Trần Hải/TTVH
Ông Goetz từng thành công ở mức độ nhất định khi cầm một đội bóng châu Âu nhưng bóng đá châu Âu đã, đang và sẽ không bao giờ giống VN.

Khoan bàn tới chuyện ở tầm vĩ mô, với sự thiếu thức thời của VFF khi đặt niềm tin không đúng chỗ vào HLV Falko Goetz, sau mỗi thất bại, điều đầu tiên người ta nghĩ đến là việc xem xét lại vai trò cũng như năng lực huấn luyện của HLV trưởng…

Từ bản CV đẹp như tranh vẽ
Đến VN làm HLV trưởng 2 ĐTQG là sai lầm lớn nhất của Goetz?
Đến VN làm HLV trưởng 2 ĐTQG là sai lầm lớn nhất của Goetz?

“Một HLV đến từ Bundesliga thì hoàn toàn không đơn giản chút nào. Chắc chắn họ phải có năng lực làm việc ở đẳng cấp cao”, đó là ý kiến của một người hâm mộ rất đỗi bình thường trong ngày đầu tiên HLV Goetz ký vào bản hợp đồng (thời hạn 2 năm) với VFF. Cho đến sau này, với rất nhiều những thất vọng về chuyên môn của U23 VN dưới triều đại HLV Goetz, hẳn vẫn có không ít người còn bảo lưu quan điểm như trên.


Không ai phủ nhận điều đó cũng như tài năng của HLV Goetz. Nhưng dường như, thuyền trưởng 49 tuổi người Đức thích hợp với bóng đá trẻ nhiều hơn, hoặc nhiều nhất là làm CLB, thay vì “nắm” một ĐTQG. Với những mảng miếng, bài giảng ở trên sân, như cách dạy cầu thủ di chuyển, tạt bóng và dứt điểm, toàn bộ là không chịu sự tác động, hay một sự cản phá nào, điều này chỉ đúng với cầu thủ trẻ.

Đấy là bài học vỡ lòng của cầu thủ trẻ, chứ không phải ĐTQG, đỉnh cao của nền bóng đá. “Chúng tôi đã thắc mắc, rằng tại sao không cho cầu thủ cản phá, hoặc ít nhất cũng là động tác cản phá, để bên tấn công chịu sự tác động nhất định trong các buổi tập?! Ông Goetz lắc đầu bảo, không cần thiết. Đấy là điều rất khó hiểu, bởi chắc chắn rằng khi lâm trận, mọi thứ sẽ không dễ dàng thế”, trợ lý Nguyễn Văn Sỹ cho biết.

Ngoài chuyên môn, tập chiến thuật với những bài học vỡ lòng kiểu A, B, C…, dường như HLV Goetz đã nghĩ mình như “một nhà truyền đạo” với bóng đá VN. Đó là khi ông áp dụng thứ kỷ luật thép của nhà binh trong sinh hoạt của đội bóng, họp và cấm trại 24/24. Đây cũng chỉ dành cho bóng đá trẻ, vì các cầu thủ trẻ cần được uốn nắn. Nó không hợp với ĐTQG, với những cầu thủ đã trưởng thành, đã là những người đàn ông.

Hỏi HLV Goetz, đẳng cấp quốc tế hay ông giáo làng cũng vì thế!

Không phải phù thủy, cũng không là chuyên gia tâm lý

“Tôi phải nói rõ cho các bạn biết điều này, rằng tôi không phải là phù thủy (nguyên văn “magic”), để có thể biến trắng thành đen được. Tôi cũng không thể đá thay cho các cầu thủ. Nhiệm vụ của tôi là hướng dẫn họ trên sân tập, còn khi lâm trận, họ phải tự thân vận động”, đấy là một phát biểu nguyên bản của thầy Goetz trong những ngày U23 VN chinh chiến ở xứ vạn đảo.

Đã không có những buổi tập bổ trợ dã ngoại, hay sinh hoạt ngoại khóa hay đại loại thế để cầu thủ thoải mái tinh thần trong những ngày ở xứ vạn đảo. Cụ thể là 5 ngày nghỉ trước trận đá với U23 Lào khi U23 VN đã chắc suất vào bán kết, HLV Goetz vẫn cấm trại. Duy nhất một bữa ăn ở Senayan City vào buổi chiều, cũng là lúc mà ông Goetz bận xuống Lebak Bulus theo dõi một trận đấu của U23 Lào, cầu thủ được tự do thoải mái. Điều này cũng là vô tiền khoáng hậu.

Thế mới nói, cách làm chiến thuật chuẩn bị trận đấu, trong đó có việc làm tâm lý, HLV Goetz hình như không phải là một chuyên gia giỏi. Ông Goetz thậm chí đã là người đầu tiên dính trạng thái, khi chỉ đạo loạn xạ, xua quân mình nhao lên một cách vô thức. Đó là không thức thời, với tiêu chí xây dựng lối chơi không phù hợp với cầu thủ mà ông có trong tay.

Chơi bóng dài, bóng bổng với người VN là sự thất bại từ trong trứng nước. Hãy hỏi điều này với Alfred Riedl.

Bởi Falko Goetz, một người Đức kiểu mẫu
Thi đấu 7 trận tại SEA Games 26 nhưng ấn tượngU23 VN để lại quá ít ỏi.
Thi đấu 7 trận tại SEA Games 26 nhưng ấn tượngU23 VN để lại quá ít ỏi.

HLV Goetz sinh ra, lớn lên ở Đông Đức (cũ), nhưng lại trưởng thành và phát tiết tài năng ở môi trường Tây Đức. Đức vốn là nước phát triển, cả về kinh tế lẫn bóng đá, và nếu theo lối tư duy như thế này thì dĩ nhiên bóng đá Đức phải ở một đẳng cấp rất khác so với bóng đá VN. Có thể HLV Goetz đến VN làm việc mà không mang theo tư tưởng “bề trên”, nhưng với cung cách huấn luyện của ông, có cảm giác như 2 ĐQTG VN chỉ gồm những đứa trẻ và cần phải phổ cập.

Đấy là cái nhìn phiến diện về nền bóng đá VN của những người nước ngoài nói chung (rất nhiều ông thầy ngoại đã thất bại) và có lẽ là HLV Goetz nói riêng. Họ nghĩ rằng phải phổ cập bóng đá cho chúng ta, chứ không phải đến để nâng tầm. Với HLV Goetz, chúng ta ném qua cửa sổ cơ hội đoạt HCV SEA Games với một lứa cầu thủ tài năng, có đẳng cấp. Và nó bắt đầu từ sai lầm của VFF.

Không nhận trách nhiệm về mình, sau một thất bại, đó không phải là bản lĩnh của một vị tướng; không đề cập đến tồn tại mang tính khách quan, để tìm cách khắc phục, đó không phải tướng giỏi; không thấy những gì đã làm, lối chơi mà mình đang xây dựng là thiếu hợp lý, để phải thay đổi, đó là mù quáng… Như thế, HLV Goetz liệu có thể có được tương lai không?! Cho ông và cho cả nền bóng đá?

HLV Goetz không có lỗi, mà cái cơ chế tạo ra ông mới có lỗi khi đưa ông đến làm việc ở dải đất hình chữ S. Bóng đá VN vốn đã rất đặc thù rồi và chỉ thức thời mới có thể hy vọng thành công.

HLV Goetz không phải là lời giải cho bóng đá VN cấp ĐTQG

Như rất nhiều những dẫn chứng và cả việc HLV Goetz từng làm việc tại Bundesliga, có thể ông không bất tài, nhưng sự thật là mỗi HLV đều có một nguyên tắc làm chiến thuật không giống nhau, có thể thành công ở đội này, nhưng thất bại ở đội khác… Ông Goetz từng thành công ở mức độ nhất định, khi cầm một đội bóng ở trời Âu. Nhưng bóng đá châu Âu đã, đang và sẽ không bao giờ giống VN.


Với tất cả những gì đã diễn ra (trong vòng 6 tháng qua, bao gồm cả ĐTQG và U23 VN), có thể khẳng định tiêu chí làm bóng đá, cách xây dựng lối chơi của HLV Goetz là không hợp lý với những gì mà chúng ta có. Cầu thủ VN chỉ có thế, với những bất lợi về cơ địa (sức mạnh) cũng như hình thể, thậm chí là tư duy chiến thuật. Nhưng nếu là người tinh ý, phải sớm nhận ra điều đó để thay đổi. HLV Goetz đã là người quá cứng nhắc và cũng thiếu sự hỗ trợ từ nhiều phía…

Trong rất nhiều những nguyên nhân thất bại (có cả những yếu tố phi chuyên môn), thì một thực tế không thể phủ nhận, rằng các nền bóng đá (trẻ) trong khu vực đã tiến bộ rất nhiều, chỉ mỗi chúng ta dậm chân tại chỗ. Chúng ta ảo tưởng, nên thất bại là yếu tố khách quan, là tất-lẽ-dĩ-ngẫu phải thế. Nó cũng giống như kỳ SEA Games 2007, khi 2 ĐTQG VN đã lọt vào tứ kết Asian Cup và vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh, nên buộc phải giành HCV SEA Games 24 trên đất Thái?!

Hành trình thất bại của U23 VN tại SEA Games 26

Vòng bảng

Ngày 3/11/2011 U23 VN-U23 Philippines 3-1

U23 VN: Tuấn Mạnh - Văn Hoàn, Huỳnh Phú, Anh Quang, Ngọc Anh - Trọng Hoàng, Hoàng Thịnh, Thành Lương, Thanh Trung - Văn Thắng, Văn Quyết.

Bàn thắng: Hartmann 59’ (đá phản), Hoàng Thiên 73’, Văn Quyết 90+2’ - Ott 37’

Ngày 5/11/2011 U23 VN-U23 Myanmar 0-0

U23 VN: Bửu Ngọc, Ngọc Anh, Huỳnh Phú, Anh Quang, Xuân Hiếu, Hoàng Thịnh, Văn Bình, Trọng Hoàng, Thành Lương, Văn Quyết, Văn Thắng.

Ngày 9/11/2011 U23 VN-U23 Timor Leste 2-0

U23 VN: Bửu Ngọc, Ngọc Anh, Long Giang, Anh Quang, Văn Hoàn, Thành Lương, Trọng Hoàng, Hoàng Thịnh, Thanh Trung, Hoàng Thiên, Văn Thắng.

Bàn thắng: Trọng Hoàng 52’, Văn Hoàn 64’

Ngày 12/11/2011 U23 VN-U23 Brunei 8-0

U23 VN: Bửu Ngọc, Quốc Long, Long Giang, Huỳnh Phú, Xuân Hiếu, Thành Lương, Trọng Hoàng, Văn Bình, Văn Thắng, Hoàng Thiên, Văn Quyết.

Bàn thắng: Văn Quyết 1’, 13’, 14’, Thành Lương 16’, Văn Thắng 19’, Văn Bình 29’, Hoàng Thiên 58’, Đình Tùng 73’

Ngày 17/11/2011 U23 VN-U23 Lào 3-1

U23 VN: Bửu Ngọc, Văn Hoàn, Long Giang, Anh Quang, Xuân Hiếu, Văn Thắng, Đình Tùng, Trọng Hoàng, Văn Bình, Hoàng Thiên, Văn Quyết.

Bàn thắng: Đình Tùng 65’, Văn Quyết 69’, Văn Thắng 90’ - Keoviengpheth 4’

Bán kết và tranh HCĐ

Ngày 19/11/2011 (bán kết) U23 Indonesia-U23 VN 2-0

U23 VN: Bửu Ngọc, Văn Hoàn, Ngọc Anh, Anh Quang, Huỳnh Phú, Thành Lương, Hoàng Thịnh, Trọng Hoàng, Văn Thắng, Đình Tùng, Văn Quyết.

Bàn thắng: Patrich 60’, Bonai 89’

Ngày 21/11/2011 (tranh HCĐ) U23 VN-U23 Myanmar 1-4

U23 VN: Tuấn Mạnh; Văn Hoàn, Long Giang, Huỳnh Phú, Ngọc Anh; Trọng Hoàng, Văn Bình, Hoàng Thịnh, Thành Lương; Văn Thắng, Văn Quyết.

Bàn thắng: Anh Quang 87’ - Kyaw Zeyar Win 34’, 55’, Hoàng Thịnh 73’ (đá phản), Kyaw Ko Ko 84’

• Giây phút đẹp nhất của U23 VN chính là bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1 của Hoàng Thiên trong trận đấu với U23 Philippines. Pha xử lý tinh tế và đẳng cấp của tiền vệ HA.GL, đã cứu cho đội bóng của HLV Falko Goetz thoát khỏi sự bẽ bàng trong ngày ra quân. ĐT U23 VN đã giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 3-1.

• Những giây phút khủng khiếp nhất của U23 VN ở SEA Games 26 thì nhiều không đếm xuể, trong đó có 90 phút trận đấu với U23 Myanmar, rồi 20 phút đầu tiên ở cuộc đối đầu với U23 Timor Leste, đến nguyên hiệp một trận gặp U23 Lào, 90 phút tiếp U23 Indonesia ở bán kết và bằng chừng đó thời gian trận tranh HCĐ với U23 Myanmar. • Ngoài dấu ấn (thay người hợp lý) trong trận đấu với U23 Philippines, bằng việc tung Hoàng Thiên và Xuân Hiếu vào sân ở đầu hiệp nhì và phát huy tác dụng, HLV Falko Goetz gần như không cho thấy sự hiện diện của mình ở trên sân, trong tất cả những trận đấu còn lại.


Trần Hải/TTVH