Cuối tháng 7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.
Trong đó nhấn mạnh việc tránh dùng các văn bản trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng đề cuối kỳ, cuối năm học, cuối cấp học.
Việc này nhằm đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Học sinh chỉ có 3 năm để tiếp cận với một môn Ngữ văn hoàn toàn mới
Trước những thay đổi của môn Ngữ văn, một số giáo viên đang công tác tại các trường trung học phổ thông tại Hải Phòng chia sẻ, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong các môn học, Ngữ văn có sự thay đổi rõ nét nhất trong cả phương pháp giảng dạy và cách kiểm tra đánh giá.
Quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, một số giáo viên chia sẻ bản thân gặp không ít khó khăn khi giúp học sinh thích nghi với một môn Ngữ văn hoàn toàn mới.
Quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giáo viên gặp không ít khó khăn khi giúp học sinh thích nghi với một môn Ngữ văn hoàn toàn mới (Ảnh: Phạm Linh) |
Cô Nguyễn Thị Thành – Tổ trưởng tổ Văn, Sử, Địa, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cho biết: “Mục đích của chương trình mới hướng đến việc học sinh không còn học văn theo lối đọc, chép, học thuộc hay học tủ nữa. Sau bài kiểm tra giữa học kỳ I vừa qua cũng thấy được hiệu quả của sự thay đổi ấy.
Khó khăn nhất đối với giáo viên phải kể đến việc học sinh lớp 10 năm nay vẫn đang học theo chương trình cũ ở cấp trung học cơ sở.
Lên cấp trung học phổ thông lại tiếp cận ngay với phương pháp học mới, cách kiểm tra đánh giá mới sẽ rất khó khăn khi chỉ có thời gian 3 năm trước khi các em bước vào kỳ thi tốt nghiệp.
Môn Ngữ văn mới rất hay, ý nghĩa nhưng nếu như sự thay đổi trong cách học và kiểm tra môn học này có lộ trình dần từ lớp 6 lên lớp 10, 11, 12 sẽ hợp lý hơn, bớt đột ngột cho học sinh.
Giáo viên cũng gặp không ít khó khăn khi thực hiện chương trình mới. Ví dụ như việc tiếp cận với một số tác phẩm nằm ngoài sách giáo khoa, giáo viên nhiều khi phải đọc đi, đọc lại và tìm cách trao đổi với đồng nghiệp để có thể truyền đạt đúng trọng tâm cho học sinh.
Một khó khăn nữa là năng lực của học sinh không đồng đều giữa ban xã hội và ban tự nhiên hoàn toàn khác nhau, ngay cả học sinh của ban xã hội cũng không phải em nào cũng có khả năng cảm thụ tốt.
Theo đó, việc thi văn bản nằm ngoài sách giáo khoa mà kiến thức lại mênh mông cũng là một trong những mối lo của giáo viên và học sinh.
Đưa ra một tác phẩm mới tinh và yêu cầu học sinh tự cảm nhận trong một thời gian ngắn sẽ rất khó. Với đề thi như vậy sẽ đòi hỏi ở học sinh khả năng cảm thụ cùng một chút năng khiếu chứ không phải dễ dàng.
Kiến thức của một tác phẩm còn liên quan đến sự hiểu biết về bối cảnh, cuộc đời và sự nghiệp hay văn phong, đặc điểm thơ ca của tác giả để từ đó lý giải sâu về tác phẩm.
Một điểm nữa là học sinh còn phải tập trung cho các môn học theo ban thi đã lựa chọn nên không thể dành thời gian tìm hiểu quá nhiều tác phẩm ngoài sách giáo khoa”.
Việc thay đổi khiến nhiều học sinh bỡ ngỡ, lúng túng khi trước đó vẫn học theo chương trình cũ ở cấp trung học cơ sở (Ảnh: Phạm Linh) |
Chia sẻ thêm về việc ôn luyện cho học sinh tham gia bài kiểm tra giữa học kỳ I vừa qua, cô giáo Thành cho biết: “Cấu trúc bài kiểm tra môn Ngữ văn năm nay cũng thay đổi khi có thêm phần trắc nghiệm.
Trong bài kiểm tra, mức độ học sinh đọc, hiểu văn bản trả lời đã chiếm 60% bài kiểm tra còn lại 40% là tự luận.
Để giúp học sinh thích nghi với cách kiểm tra đánh giá mới, tôi căn cứ vào ma trận đề chung, sưu tầm thêm các văn bản nằm ngoài sách giáo khoa để ôn luyện cách trả lời, đôi khi luyện cả việc dành thời gian làm các phần trong bao lâu.
Đây cũng là lần đầu tiên sau khi kiểm tra môn Ngữ văn mà học sinh lại trao đổi rôm rả như vậy, nhất là về phần trắc nghiệm".
Học sinh lúng túng với phần kiểm tra trắc nghiệm
Lần đầu tiên làm bài kiểm tra môn Ngữ văn có phần trắc nghiệm, nhiều học sinh ở Hải Phòng bày tỏ sự lúng túng khi có nhiều câu hỏi gây nhiễu, đòi hỏi học sinh phải đọc hiểu thật kỹ văn bản.
Em Trần Thị Việt Huyền, học sinh lớp 10C10, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) chia sẻ suy nghĩ sau khi làm bài kiểm tra định kỳ đầu tiên của môn Ngữ văn theo chương trình mới: “Em thấy chương trình môn Ngữ văn sau khi được đổi mới khá khó so với cấp trung học cơ sở.
Bọn em sẽ không được thi những văn bản đã được học nữa mà gặp một văn bản hoàn toàn mới và phải dùng chính tư duy của mình để viết ra.
Một số văn bản khá khó hiểu để phân tích nhưng lại có một điểm thú vị là chúng em không bị gò bó trong một dàn ý, tự sáng tạo luận điểm của riêng mình.
Trong bài thi giữa học kỳ I vừa qua, khi so kết quả em thấy mình sai phần trắc nghiệm khá nhiều. Đây là một hình thức kiểm tra mới, đáp án của câu hỏi có nhiều yếu tố gây nhiễu và yêu cầu học sinh phải đọc thật kỹ văn bản.
Mặc dù tiếp cận cái mới khá đột ngột, bỡ ngỡ và kết quả bài kiểm tra vừa rồi không như mong muốn nhưng em cảm thấy thích cách học mới này hơn cách học thuộc như trước.
Trước đây em phải học rất nhiều văn bản và nếu viết không đúng luận điểm sẽ bị trừ điểm rất nặng. Với chương trình mới, em có thể tự sáng tạo ra luận điểm của mình và không có một khuôn khổ nhất định nào cả”.
Phần trắc nghiệm trong bài kiểm tra Ngữ văn có nhiều câu hỏi gây nhiễu (Ảnh: Phạm Linh) |
Cùng gặp khó khăn khi tiếp cận với môn Ngữ văn mới, em Nguyễn Phạm Minh Chuyên – học sinh lớp 10C4, Trường Trung học phổ thông Kiến Thuỵ (huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) chia sẻ: “Khi tiếp cận với môn Ngữ văn theo chương trình mới em thấy kiến thức phong phú và đa dạng các dạng bài tập hơn.
Em có thể rèn luyện song hành các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết chứ không chỉ có học thuộc tác phẩm, cảm nhận và viết.
Về nét mới trong kiểm tra đánh giá, em thấy rằng học sinh có thể tự phát triển tư duy sáng tạo chứ không theo một dàn mẫu chung của giáo viên. Đặc biệt, sẽ có không có câu chuyện “học tủ” nữa.
Khó khăn nhất với em ở thời điểm hiện tại là việc nghĩ ý tưởng và sáng tạo các luận điểm do vẫn quen với nếp học cũ.
Em vẫn cần sự hỗ trợ nhiều của cô giáo để có thể tìm ra hướng đi tiếp cận dễ dàng hơn, đúng trọng tâm của bài học”.
Em Nguyễn Phạm Minh Chuyên – học sinh lớp 10C4, Trường Trung học phổ thông Kiến Thuỵ chia sẻ: "Em có thể rèn luyện song hành các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết chứ không chỉ có học thuộc tác phẩm, cảm nhận và viết" (Ảnh: Phạm Linh) |
Một số học sinh khác lại đánh giá cách kiểm tra đánh giá của môn Ngữ văn theo chương trình mới mặc dù khó nhưng cũng là cơ hội để học sinh có năng khiếu thể hiện thế mạnh của mình.
Em Phạm Yến Nhi – học sinh lớp 10C10, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn chia sẻ: “Thực chất môn Ngữ văn là một học rất thú vị nhưng cách học cũ khiến nhiều bạn cảm thấy chán và kiến thức không gần gũi với xã hội lắm.
Với chương trình hiện tại giúp học sinh thể hiện được tất cả kỹ năng, hiểu biết của bản thân về xã hội. Đặc biệt, không có câu chuyện học thuộc mà vẫn có điểm cao.
Một điểm em rất thích trong chương trình mới là học sinh không cần phải học quá nhiều văn bản, có thể thể hiện quan điểm, cách nhìn của mình và chủ động liên hệ kiến thức với cuộc sống xung quanh.
Theo em, mỗi một tác phẩm dù được sáng tác ở thời kỳ nào cũng đều mang theo ý nghĩa, bài học có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc sống.
Qua bài kiểm tra giữa kỳ vừa rồi, có điểm mới là phần thi trắc nghiệm với kiến thức rộng hơn, khó hơn và nhiều câu hỏi có độ gây nhiễu cao”.
Mặc dù còn gặp khó khăn khi tiếp cận môn Ngữ văn mới nhưng đây cũng là cơ hội để học sinh có năng khiếu thể hiện bản thân mình (Ảnh: Phạm Linh) |
Còn theo em Đặng Bùi Anh Đức, học sinh lớp 10C12, Trường Trung học phổ thông Kiến Thuỵ: “Môn Ngữ văn mới rất phù hợp với cách học của em. Khi ở cấp trung học cơ sở, em học văn theo tiến trình văn học Việt Nam (từng giai đoạn lịch sử Việt Nam) còn trong chương trình mới em lại học chuyên sâu vào từng thể loại.
Từ đó, em có kiến thức chuyên sâu về thể loại đó giúp em sáng tạo hơn khi tiếp cận những tác phẩm khác cùng thể loại. Đây là cơ hội để chúng em phát triển hơn về khả năng văn học của mình”.