Vừa qua, Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức cùng một số trường trung học phổ thông tỉnh Bắc Giang đã để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc suy nghĩ trong học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý về công tác định hướng nghề nghiệp trong thời đại công nghệ số.
Nhà văn, nhà báo, diễn giả Hoàng Anh Tú chia sẻ tại Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” |
Có nên chạy theo ngành nghề đang được truyền thông “ưu ái”?
Với lối dẫn dắt khéo léo, trong vai trò diễn giả, nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú không chỉ mang đến những thông tin cập nhật bổ ích về thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, mà còn chỉ ra thách thức, gợi mở hành trang mỗi học sinh cần chuẩn bị để tự tin “lập trình tương lai”.
Trước vấn đề thực tế đang đặt ra, đó là học sinh có xu hướng chạy theo những ngành nghề hot, nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng, nguyên nhân khởi phát của thực trạng này là do sức mạnh tác động của truyền thông. 2 trong số ngành nghề được “quảng cáo” mạnh mà nhà báo Hoàng Anh Tú quan tâm đó là ngành Truyền thông Marketing và ngành Logistics.
Diễn giả Hoàng Anh Tú nói về tương lai của ngành Truyền thông Marketing và ngành Logistics trong chương trình Hội thảo tại Trường Trung học phổ thông Phương Sơn (tỉnh Bắc Giang) |
“Sau khi được tiếp xúc, giao lưu, tôi nhận thấy, học sinh đang có thiên hướng lựa chọn ngành nghề để học và làm việc liên quan đến công nghệ nhiều hơn.
Đây là nhận thức có ý nghĩa thực tiễn tương ứng phù hợp với thời điểm hiện nay. Nhưng sự lựa chọn này chưa phải là tối ưu khi nhiều em chạy theo một ngành nghề nào đó là do “nghe dân gian tương truyền”, nhiều người học thì học theo, không dựa trên năng lực thực tế của bản thân”, diễn giả Hoàng Anh Tú chia sẻ.
Cũng theo quan điểm của nhà báo Hoàng Anh Tú, những ngành nào được truyền thông mạnh thì học sinh sẽ dễ bị cuốn vào vòng xoáy và lựa chọn học, nhất là những học sinh không có ước mơ rõ ràng, thiếu định hướng nghề nghiệp.
"Học sinh thông minh, nhạy bén nhưng do thiếu định hướng nên dẫn tới việc lựa chọn nghề trái với năng lực. Điều này rất nguy hiểm trong bối cảnh hiện nay", nhà báo Hoàng Anh Tú nhận xét.
Liên hệ đến thực tế, lấy ví dụ với ngành Logistics, nhà báo Hoàng Anh Tú nêu quan điểm: “Những năm gần đây, Logistics và công việc liên quan đến Logistics là chủ đề được nhiều học sinh quan tâm, truyền thông “ưu ái”. Hiểu đơn giản, học Logistics, các em được hiểu chuyên sâu về cách vận chuyển trọn gói từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ hàng hóa với phương thức vận tải như đường hàng không, đường bộ, đường sắt…
Trước đó, không thể phủ nhận những lợi ích, tiện nghi mà các dịch vụ liên quan đến Logistics tạo ra trong bối cảnh cả thế giới ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, đây là cái nhìn “bề nổi”. Nhiều học sinh chỉ dừng lại ở việc nghĩ về Logistics đơn thuần là cách thức vận chuyển hàng hóa sao cho nhanh nhất, tối ưu nhất, kiếm ra tiền dễ nhất. Trong khi đó, dưới góc độ hướng nghiệp, điều quan trọng là chúng ta nên nhìn sâu hơn, quan tâm hơn đến khâu xử lý dữ liệu – bộ não. Các dịch vụ Logistics hoạt động được, "sống" được là do đâu?"
Liên quan đến vấn đề này, nhấn mạnh đến vai trò của khâu xử lý dữ liệu, theo nhà báo Hoàng Anh Tú, đây là khâu khẳng định vị trí của con người trong thời đại công nghệ số.
Ngành Truyền thông Marketing trong cách mạng công nghiệp 4.0 không giống như Truyền thông Marketing của thời đại cũ. Truyền thông Marketing trong thời đại mới tập trung nhiều hơn về mặt xử lý dữ liệu.
“Tổ chức một sự kiện, trước đây, cần nhân viên vận chuyển đồ đạc, set up. Nhưng trong thời đại số, cách mạng 4.0 sẽ dần dần xóa công việc vận chuyển thô (cần đến sức người) này.
Hay nói cách khác, ngày nay, nhờ số hóa, cảm biến mà người làm Truyền thông Marketing không cần phải tiến hành in phiếu khảo sát, đi rải rác khắp nơi, gặp từng người để hoàn thành khâu điều tra, tổng hợp số liệu.
Số hóa không chỉ cắt giảm lượng người làm việc mà còn giúp thu về nguồn dữ liệu khổng lồ về không gian, thời gian. Từ đó, giúp các doanh nghiệp đưa ra các con số chính xác, tìm giải pháp làm tăng giá trị dịch vụ của doanh nghiệp được tốt nhất”, nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý lắng nghe chia sẻ trong Hội thảo sáng ngày 25/11 |
Tựu trung lại, định hướng nghề nghiệp là công việc vô tận vì có rất nhiều ngành, nghề và mỗi học sinh lại có tư tưởng không giống nhau. Hiểu như vậy không có nghĩa là gia đình, nhà trường "phó thác", không thể định hướng cho các em học sinh.
“Chúng ta không “nặn”, không thay đổi được quy luật phát triển khách quan nhưng điều chúng ta có quyền quyết định đó là thay đổi bản thân để thích ứng với quy luật phát triển ngày càng hiện đại đó.
Cụ thể, người trẻ phải xác định lộ trình học thế nào, rèn kỹ năng ra sao để chuẩn bị hành trang tự tin lựa chọn và “sống” được với nghề trong tương lai”, nhà báo Hoàng Anh tú gợi ý.
Trong tất cả các yếu tố, diễn giả Hoàng Anh Tú nhấn mạnh đến kỹ năng sáng tạo của mỗi người.
Theo đó, kỹ năng sáng tạo không phải do bẩm sinh mà là quá trình đúc kết từ trải nghiệm, tích lũy, tư duy theo chiều sâu và phản biện. Có tư duy phản biện thì mới có sáng tạo.
Khi không có phản biện, người khác nói thế nào, đưa ra quan điểm ra sao, người trẻ vẫn thấy đúng vì bản thân không hình thành thói quen lắng nghe và sử dụng đến chất xám để tư duy, so sánh, phản biện, khả năng sáng tạo không được kích thích.
Ngoài ra, nhà báo Hoàng Anh Tú cũng nói về cách sử dụng mạng internet thông minh là một trong những điều kiện cần của một “công dân số”. Sử dụng mạng xã hội, người trẻ nên trở thành người thông minh sử dụng điện thoại thông minh. Những gì chúng ta để lại trên mạng xã hội không phải chỉ cần một thao tác xóa đi là hết, mà phải có trách nhiệm với từng phát ngôn, hành động của chính mình.
Chuyên gia, giáo viên, học sinh nghĩ gì sau hội thảo?
Sau khi tham dự và lắng nghe trao đổi của nhà văn, nhà báo, diễn giả Hoàng Anh Tú tại hội thảo hướng nghiệp diễn ra ở Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý (tỉnh Bắc Giang) vào sáng ngày 25/11, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lý luận Văn học Nguyễn Dung Nghi, giảng viên Trường Trung cấp Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty phát triển Tài năng Việt, đánh giá chương trình mang ý nghĩa thực tiễn cao.
Thạc sĩ Lý luận Văn học Nguyễn Dung Nghi chụp ảnh cùng nhà văn, nhà báo, diễn giả Hoàng Anh Tú tại Hội thảo. |
“Với tâm huyết của người làm công tác giáo dục kỹ năng sống và phát triển con người theo hướng đổi mới, thông qua chia sẻ của nhà văn, nhà báo Hoàng Anh tú cùng với quá trình hướng nghiệp thường xuyên của nhà trường, tôi đánh giá hoạt động này có ý nghĩa thực tiễn cao. Hy vọng các em học sinh được cập nhật xu thế hướng nghiệp của thời đại 4.0. Để từ đó, các em lựa chọn được ngành học, việc làm đúng với năng lực của bản thân, có tình yêu và đam mê lâu dài với nghề.
Những hoạt động tại hội thảo hướng nghiệp cũng tạo cơ hội, may mắn cho học sinh được tiếp xúc, đón nhận thông điệp, giải đáp thắc mắc, góp phần cùng với nhà trường, phụ huynh định hướng tương lai cho các em học sinh”, Thạc sĩ Lý luận Văn học Nguyễn Dung Nghi kỳ vọng.
Thầy Mai Đình Nhường, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phương Sơn (tỉnh Bắc Giang) bày tỏ: “Ý nghĩa thực tiễn mà chương trình mang lại thực sự hơn cả một hội thảo. Hội thảo tạo điều kiện cập nhật xu thế 4.0, để học sinh toàn trường chọn nghề nghiệp vừa “hợp thời”, vừa đúng năng lực bản thân.
Những vấn đề hội thảo đưa ra thu hút quan tâm của học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên của trường. Những thắc mắc của một học sinh khi được nói lên có thể sẽ cũng là nỗi trăn trở của nhiều học sinh khác mà các em không dám giao lưu, đặt câu hỏi.
Bên cạnh được tiếp nhận thông tin cập nhật xu hướng chọn nghề trong thời đại số, hội thảo tạo cơ hội để các em trau dồi, rèn luyện khả năng tự tin trình bày quan điểm khi đứng trước đám đông.
Nhà trường luôn quan tâm đến công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, việc có diễn giả, khách mời là những chuyên gia về trường để tổ chức hội thảo chuyên nghiệp sẽ làm tăng hiệu quả tuyên truyền, phổ biến cho học sinh hơn. Do đó, nhà trường mong sẽ có nhiều hoạt động hướng nghiệp trong thời gian tới”,
Từ góc độ tiếp cận của học sinh, các em học sinh đều có những chia sẻ tích cực sau hội thảo.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Phương Sơn dự Hội thảo chiều ngày 25/11 |
Chia sẻ với phóng viên, em Dương Thị Ánh, học sinh lớp 12A2, Trường Trung học phổ thông Phương Sơn chia sẻ, em thích nhất phần nội dung diễn giả nói về tương lai, thách thức của ngành Truyền thông Marketing.
“Em dự định sẽ học ngành Marketing của Trường Đại học Thương Mại. Lý do em lựa chọn ngành và trường này một phần do sở thích, một phần do mạng xã hội, bạn bè nói nhiều về triển vọng của ngành học này.
Tuy nhiên, sau khi lắng nghe chia sẻ của "anh Chánh Văn" Hoàng Anh Tú nói về tương lai của ngành Truyền thông Marketing, trong đó liên quan đến xử lý dữ liệu, em nghĩ mình cần phải xem lại dự định nghề nghiệp. Em sẽ phải tập trung nghiên cứu lại toàn bộ trước khi đưa ra lựa chọn thi và học ngành này để sau không phải nuối tiếc, chọn nhầm nghề”, Ánh tâm sự.
Chia sẻ lý do lựa chọn ngành sư phạm, trao đổi với phóng viên, một học sinh khác của Trung học phổ thông Phương Sơn cho biết, em hiểu, trong thời đại công nghệ số thì những công việc sử dụng nhiều đến thể lực, sức khỏe, tay chân để kiếm tiền sẽ dần bị máy móc xóa bỏ. Do đó, em có suy nghĩ đến việc đi học sư phạm.
“Bởi vì theo em, máy móc thay thế con người nhưng sư phạm là ngành học đào tạo ra con người nên không máy móc nào có thể thay thế được, trừ khi con người có khả năng tự học từ bé. Lựa chọn ngành sư phạm có thể là biện pháp an toàn đối với em. Song, em cũng rất lo lắng rằng nếu ai cũng có suy nghĩ giống mình thì sẽ đổ xô đi học sư phạm, cơ hội việc làm vì thế mà tính chất cạnh tranh càng gắt gao hơn”, học sinh này bày tỏ băn khoăn.