Giáo viên tích hợp đang được khoác trên mình “chiếc áo” quá rộng

07/12/2022 06:48
NGUYỄN CAO
GDVN- Giáo viên trung học cơ sở dạy 2-3 phân môn của môn học tích hợp là một thách thức cực lớn và rất khó kỳ vọng vào chất lượng giảng dạy ở các môn học này.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng một số môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở nhưng đến thời điểm năm thứ 2 thực hiện giảng dạy chương trình mới vẫn đang bộc lộ quá nhiều những bất cập.

Có lẽ, các nhà hoạch định chuyên môn của Bộ đã quá kỳ vọng khi đưa ra yêu cầu giáo viên đơn môn hiện nay sẽ dạy cả môn tích hợp ở chương trình mới. Nhưng, sẽ có bao nhiêu giáo viên phổ thông đóng trọn vai khi “ôm” cả môn học này là điều không khó để tìm ra câu câu trả lời.

Bởi, ngay cả tác giả chương trình, tác giả sách giáo khoa, những giảng viên ở các trường đại học - những người thiết kế, những “máy cái” cũng đang thực hiện theo phân môn thì yêu cầu giáo viên trung học cơ sở dạy được cả môn tích hợp là một điều khiên cưỡng và không phù hợp với thực tế.

Vì thế, từ năm học 2021-2022 đến nay, đa phần các trường trung học cơ sở gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân công giảng dạy, sắp xếp thời gian dạy các phân môn, sắp xếp thời khóa biểu hàng tuần đã dẫn đến sự mệt mỏi cho các nhà giáo và ngay cả các em học sinh vì một môn học mà có nhiều thầy cô cùng giảng dạy.

Môn Khoa học tự nhiên đang là thách thức rất lớn với giáo viên (Ảnh minh họa: Nhật Duy)

Môn Khoa học tự nhiên đang là thách thức rất lớn với giáo viên (Ảnh minh họa: Nhật Duy)

Chương trình, sách giáo khoa, giáo trình bồi dưỡng cũng đang được thiết kế đơn môn

Theo dõi quá trình chuẩn bị, xây dựng các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở từ thời Bộ mới manh nha ý tưởng cho đến nay, chúng tôi nhận thấy các môn học tích hợp chưa nhận được sự đồng tình của đội ngũ nhà giáo bởi chương trình, sách giáo khoa không chứng minh được tính ưu việt của môn học mới.

Thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thông qua chương trình dự thảo, đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chính thức thông qua chương trình tổng thể, chương trình môn học và bây giờ là thực hiện giảng dạy ở các nhà trường nhưng thực tế vẫn đang rất rối rắm.

Môn tích hợp đã nhiều lần được các nhà khoa học, giáo viên lên tiếng về sự bất cập, khó khăn khi triển khai, thực hiện nhưng Bộ vẫn quyết tâm thông qua và đưa vào giảng dạy cuốn chiếu theo lộ trình.

Thế nhưng, nhìn lại các thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể; chương trình môn học, chúng ta dễ dàng nhìn thấy mỗi môn học tích hợp có nhiều thành viên khác nhau tham gia biên soạn và họ đều đến từ các môn học độc lập.

Sách giáo khoa Cánh Diều; Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống đang được trình bày riêng từng nội dung phân môn, từng chủ đề độc lập và cơ bản phân môn của ai, người đó viết. Thậm chí, sách giáo khoa còn sắp xếp tác giả từng phân môn đứng riêng lẻ.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương đang triển khai bồi dưỡng cho giáo viên các môn học Lịch sử; Địa lý, Hóa học; Sinh học; Vật lý để về dạy 2 môn học ở cấp trung học cơ sở nhưng những giảng viên vẫn đang dạy theo từng phân môn riêng.

Các Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lý cũng đang được trình phần từng phân môn riêng biệt.

Điều này cũng đồng nghĩa các tác giả chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa đang được viết riêng lẻ từng phần.

Việc bồi dưỡng cho giáo viên ở các trường đại học cũng đang được giảng dạy từng phân môn khác nhau. Chưa có tác giả, giảng viên nào có thể cáng đáng được cả môn học tích hợp.

Vụ Giáo dục Trung học của Bộ; các Phòng Giáo dục Trung học ở các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng không có chuyên viên tích hợp, cũng chẳng ai dám đứng ra tập huấn cả 2-3 phân môn cho giáo viên dạy các môn tích hợp ở trung học cơ sở.

Trong khi, phần lớn tác giả chương trình, tác giả sách giáo khoa có học hàm giáo sư, phó giáo sư; có học vị tiến sĩ. Các giảng viên đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và họ đều làm công tác nghiên cứu, giảng dạy chuyên môn chuyên sâu mà chưa thể “ôm trọn” cả môn tích hợp.

Đối với giáo viên dạy các môn học tích hợp ở các nhà trường hiện nay chủ yếu được đào tạo từ các trường cao đẳng sư phạm vì trước đây chuẩn trình độ giáo viên ở cấp học này chỉ yêu cầu trình độ cao đẳng. Sau này, họ hàm thụ thêm bằng đại học tại chức hoặc từ xa và vừa dạy, vừa kiêm nhiệm nhiều công việc ở nhà trường.

Khoảng cách về trình độ phải nói một trời một vực như thế, thử hỏi việc chủ trương bồi dưỡng giáo viên theo các Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT để giáo viên dạy cả môn học tích hợp liệu đã thực sự hợp lý?

Rõ ràng những mâu thuẫn ai cũng có thể nhìn thấy bởi giáo viên trung học cơ sở dạy cả 2-3 phân môn của môn học tích hợp là một thách thức cực lớn và rất khó kỳ vọng vào chất lượng giảng dạy ở các môn học tích hợp như khi dạy các môn học độc lập trước đây.

Bộ đã quá kỳ vọng vào đội ngũ giáo viên “tích hợp” ở cấp trung học cơ sở

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 ngành giáo dục triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10. Thời gian này, các chuyên gia, các nhà giáo đã nhặt ra rất nhiều “sạn” ở nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau.

Chẳng hạn, sách giáo khoa Tiếng Việt do thầy Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 làm Tổng chủ biên phải ban hành tài liệu bổ sung ngay giữa năm học đầu tiên vì có quá nhiều những sai sót, hạn chế.

Trong khi, những tác giả sách giáo khoa là những người cả đời chỉ dạy và nghiên cứu môn đó. Họ được xem là những cây đa, cây đề của môn học…

Còn giáo viên phổ thông thì sao? Họ là những người được đào tạo ở trình độ thấp hơn và tất nhiên đa số họ chỉ có thể hiểu sâu, hiểu kỹ về một chuyên ngành đã được học ở trường sư phạm.

Nhiều thầy cô đã có mấy chục năm giảng dạy một môn học độc lập, bây giờ học thêm 1-2 chuyên ngành nữa để dạy cả môn học tích hợp thì làm sao họ có thể lĩnh hội một cách cấp tốc trong vòng vài tháng trời theo kiểu học…chứng chỉ.

Rất nhiều tiền ngân sách đã chi cho chương trình; phụ huynh, giáo viên bỏ tiền ra mua sách giáo khoa, sách tham khảo và hiện nay, cũng như những năm tới đây ngân sách nhà nước, tiền túi của giáo viên còn phải bỏ ra để đi học chứng chỉ tích hợp.

Nhưng, hiệu quả sẽ ra sao thì rất khó khẳng định trong lúc này. Hai năm qua, các trường trung học cơ sở gặp rất nhiều khó khăn và khó khăn sẽ còn tiếp tục khi những năm học tới đây sẽ triển khai ở lớp 8 và lớp 9.

Một bài toán khó như thế nhưng Bộ lại “giao quyền tự chủ” cho nhà trường nhưng với chương trình, sách giáo khoa như hiện nay rất khó có một phương án khả thi, hiệu quả đối với các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở.

Có lẽ, Bộ đã quá tự tin, kỳ vọng vào trình độ của giáo viên trung học cơ sở nên đã khoác lên đôi vai của họ một “chiếc áo” rộng thùng thình mang tên là môn học “tích hợp” nhưng chiếc áo ấy có phù hợp không cần sớm có khảo sát đánh giá để có điều chỉnh kịp thời.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO