Thêm một lần nữa, xã hội hướng đến cuộc đổi mới giáo dục nước nhà. Là một người quan tâm đến giáo dục, tôi xin được góp tiếng nói vào công cuộc đổi mới quan trọng này.
Nhìn nhận khách quan thì Nhà nước, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực để đưa chất lượng giáo dục đi lên. Từ đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách ra đề, cách kiểm tra, đánh giá học sinh đến quy định chuẩn kiến thức kỹ năng, thực hiện các cuộc vận động… Nhưng những việc đã thực hiện vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo tôi, đó là vì vấn đề con người – yếu tố quyết định tất cả những điều trên chưa được đặt ở vị trí quan tâm đúng mức.
Ảnh minh họa: nguồn TTXVN |
Gần đây một số nhà giáo ưu tú, nhà nghiên cứu giáo dục cũng đã nêu quan điểm về việc này. Với vấn đề con người, hầu hết đều cho rằng đời sống giáo viên còn khó khăn nên dẫn đến nhiều bất cập trong thực hiện các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, bàn về con người thì vấn đề quan trọng hơn là năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp lại ít được nhắc đến. Con người chính là yếu tố quyết định mọi vấn đề, mà một vài câu chuyện dưới đây sẽ minh chứng cho nhận định đó rõ ràng hơn.
Đầu tiên phải kể đến chương trình, sách giáo khoa. Tại sao qua nhiều lần thay sách rồi vẫn tồn tại nhiều bất cập, sách vẫn được đánh giá là “nặng”? Liệu lần thay sách này có khá hơn không - trong bối cảnh chúng ta chưa quan tâm đủ đến con người, cụ thể là năng lực của họ trong việc sử dụng sách mới, áp dụng chương trình mới? Đã có bao nhiêu đợt tập huấn về đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách đánh giá… sao vẫn còn những bất cập tồn tại?
Câu trả lời cũng lại do con người! Nhiều bài viết đã nêu những bất cập của sách giáo khoa mà không hề thấy ai chịu trách nhiệm mặc dù chúng ta có Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đã được Nhà nước chi tiền để làm công việc này.
Chắc chắn mọi người đều hiểu: việc “lọt sạn” sách giáo khoa; thực tế tập huấn cho việc thay sách giáo khoa… không đáp ứng yêu cầu của xã hội đều do con người.
Người biên soạn sách giáo khoa phải chịu trách nhiệm về những sai sót và tác động không tốt của những sai sót ấy đến hiệu quả giáo dục. Sao mỗi lần lỗi sai được phát hiện, chỉ là bổ sung, chỉnh sửa mà không truy cứu trách nhiệm? Tại sao lợi nhuận từ viết, xuất bản sách giáo khoa thì nhà xuất bản, người biên soạn hưởng mà giáo viên phải đọc và góp ý không công? Có phải vì thế mà mới có chuyện người ta mua bán, trao đổi phiếu góp ý về sách để nộp cho xong nhiệm vụ. Đạo đức nghề nghiệp phai nhạt như vậy nhưng lại được coi như... chuyện bình thường. Hỏi người quan tâm tới giáo dục sao cho không khỏi xót xa?
Tiếp nữa, cán bộ thanh tra là những người trực tiếp tác động đến việc giám sát chất lượng giáo dục. Tuy vậy, chuyên môn của cán bộ thanh tra cũng chưa thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Chưa kể sự công tâm trong việc đánh giá giáo viên đến đâu? Vẫn nhiều thanh tra viên các cấp lấy quan điểm cá nhân làm chuẩn đánh giá mà không thông báo về chuẩn đánh giá công khai cho người được thanh tra biết. Thậm chí, bản thân người viết từng được nghe có cán bộ khi đánh giá cho rằng: Giáo viên mắc lỗi chính tả có thể thông cảm được vì họ không phải là giáo viên dạy Văn? Từ chuyện viết chữ đã vậy, liệu năng lực chuyên môn có đáng tin không?
Nếu trực tiếp đứng lớp, sẽ thấy còn nhiều điều phi lý. Dạy học mà để học sinh ở lại lớp sẽ ảnh hưởng đến thi đua của trường và của bản thân. Vì vậy, học sinh ở lại lớp khó hơn là đạt danh hiệu học sinh giỏi. Để hoàn thành các “con số đẹp” báo cáo lên cấp trên thì giáo viên phải làm hàng núi công việc: nào là viết sáng kiến kinh nghiệm, làm kế hoạch cá nhân, soạn giáo án mẫu, thao giảng, dự giờ, chuyên đề, công tác chủ nhiệm, hội thao, hội giảng… chưa kể công việc thường xuyên là soạn bài, dạy học và chấm bài.
Rất nhiều giáo viên buộc phải đối phó bằng cách "sao chép có chỉnh sửa". Và cũng có nhiều người trong các cơ quan đơn vị, trong ngành biết nhưng không nói vì chỉ cần số liệu báo cáo mà thôi. Từ khi có danh hiệu “trường chuẩn quốc gia” tỷ lệ học sinh giỏi, khá tăng lên liên tục và nhiều khả năng sẽ tăng tiếp trong thời gian tới, vì phải duy trì chuẩn.
Lại còn kiểm định chất lượng giáo dục, bàn giao chất lượng giáo dục cũng lắm nhiêu khê. Giáo viên đăng ký tỉ lệ học sinh giỏi, khá … từ đầu năm rồi cố đạt được con số đó. Một vài nơi còn có cái gọi là đánh giá ngoài. Tức là Sở, phòng giáo dục và đào tạo sẽ thanh tra hồ sơ dạy học của giáo viên, hồ sơ nhà trường trong bốn (hoặc năm) năm gần nhất. Việc làm này không biết có tác dụng gì chỉ thấy thêm gánh nặng cho giáo viên và có không ít nơi xuất hiện chuyện phong bao, phong bì, làm xói mòn nhiều giá trị của cả con người lẫn nghề nghiệp.
Một vấn đề nữa, dạy thêm học thêm tràn lan khiến ít nhiều ảnh hưởng đến cách nhìn của xã hội, phụ huynh với giáo viên. Còn nhớ có một thời gian, nhiều nơi cấm không được tổ chức dạy thêm, học thêm nhưng không hiệu quả, nên hiện nay, dạy thêm học thêm vẫn như “trăm hoa đua nở”, chất lượng giáo dục, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo cũng theo đó mờ nhạt dần.
Có vẻ như xã hội đang dồn chú ý vào chương trình, sách giáo khoa mới mà “quên” việc dạy thêm, học thêm tràn lan. Ngay trong trường học, cũng nhiều hình thức như: phụ đạo, bổ trợ kiến thức, bồi dưỡng nâng cao, cả học tiếng Anh với người nước ngoài cũng đã về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nhưng khả năng giao tiếp tiếng Anh, chất lượng thực sự đến đâu vẫn là vấn đề "đau đầu". Vấn nạn dạy thêm, học thêm đã nhiều lần được bàn tới, có cả văn bản quy định nhưng chưa giải quyết dứt điểm được. Chuyện này cũng là biểu hiện rất rõ về sự xuống cấp của đạo đức khi có không ít thầy cô ép học sinh học thêm.
Xâu chuỗi các vấn đề trên lại mới giật mình! Sách giáo khoa vẫn còn sạn; người đứng lớp và quản lý thiếu mô phạm; có học sinh được lên lớp, có danh hiệu này kia không phải do học lực mà vì thành tích đã được đặt chỉ tiêu từ trước? Vậy chúng ta sẽ dạy được cho các em những điều gì? Có ai dám khẳng định rằng những chuyện này không ảnh hưởng đến tư tưởng, đạo đức các em sau này hay không?
Vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục, trước tiên phải quan tâm đến năng lực và đạo đức con người trong ngành giáo dục. Đầu tiên là cán bộ quản lí các cấp, sau đó là giáo viên và học sinh. Thay sách giáo khoa, đổi mới phương pháp sẽ không hiệu quả nếu vẫn chúng ta vẫn còn những con người có tư tưởng tiêu cực và nuôi dưỡng tiêu cực. Theo tôi, Nhà nước (chứ không riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo) cần mạnh tay chống tiêu cực, trước tiên là với cán bộ quản lí, sau đó là với giáo viên và biểu hiện nếu có nhen nhóm phát sinh ở học sinh.
Giáo dục muốn cất cánh trước tiên là phải làm sạch và chọn được nhân sự trong bộ máy giáo dục thực sự chất lượng. Giáo dục không phải là hô hào, khẩu ngữ, chúng ta cần những người có năng lực và có tâm với nghề. Giáo dục phải trong sáng, "sạch" từ mỗi trường, mỗi lớp thì mới "sạch" cả ngành được.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, trước tiên phải quan tâm đến năng lực và đạo đức con người trong ngành giáo dục. Ảnh minh họa: Phạm Linh |
Tôi có mấy lời mạo muội như vậy, từ tâm của một người quan tâm và trăn trở với giáo dục nước nhà. Chúng tôi luôn chờ đợi những quyết sách của lãnh đạo ngành để sự nghiệp giáo dục nước nhà thực sự phát triển. Mong thay!