“Khi bị bệnh phải điều trị lâu dài, tôi mới hiểu tấm thẻ BHYT có giá trị to lớn”

03/12/2022 06:43
Mộc Hương
GDVN-10 tháng đầu năm, người DTTS sinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn tại Sóc Trăng KCB gần 300.000 lượt, số tiền cơ quan BHXH thanh toán gần 120 tỷ đồng.

Thanh toán gần 120 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm nay

Những năm qua, việc thực hiện các chính sách pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, do đó các chính sách được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Chính sách y tế chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện theo hướng: ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng; giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Trần Thành Tuấn - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer, chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn đều được đảm bảo đầy đủ quyền lợi về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế. Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn luôn được quan tâm, hàng năm bố trí ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo quy định.

Khảo sát thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Khảo sát thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo ông Lâm Thanh Thiên - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng, hàng năm, để thẻ bảo hiểm y tế kịp thời đến tay người dân, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho bà con, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Sở Y tế, Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương đẩy mạnh việc rà soát, lập danh sách và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Để tạo thuận lợi nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số, từ đầu năm 2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với 139 cơ sở y tế trên địa bàn, trong đó có 111 trạm y tế, 24 cơ sở tuyến huyện và tương đương, 4 bệnh viện tuyến tỉnh, vì vậy người dân có thể được khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế gần nơi sinh sống nhất.

Đồng thời, thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh đối với tuyến huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số được khám chữa bệnh ở bất cứ cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trong tỉnh mà không cần phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến. Bên cạnh đó đồng bào dân tộc thiểu số khi đi khám chữa bệnh vẫn được các cơ sở y tế thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thanh toán chi phí theo chế độ cho người tham gia bảo hiểm y tế, đảm bảo đầy đủ quyền lợi theo đúng quy định.

Theo thống kê, 10 tháng đầu năm 2022, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn khám chữa bệnh trên 161.324 lượt, chiếm 9,59% so với tổng số lượt khám chữa bệnh của thẻ bảo hiểm y tế nội tỉnh, số tiền cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán trên 71 tỷ đồng.

Đối với người dân sinh sống vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khám chữa bệnh trên 136.514 lượt, chiếm 8,12% so với tổng số lượt khám chữa bệnh của thẻ bảo hiểm y tế nội tỉnh, số tiền cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán trên 48 tỷ đồng.

Về chất lượng khám, chữa bệnh hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã đầu tư các trang thiết bị hiện đại, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ theo đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816… nên đã thực hiện được nhiều dịch vụ kỹ thuật vượt tuyến, tạo niềm tin cho người dân trong tỉnh.

Mức độ sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của đồng bào dân tộc trong thăm, khám chữa bệnh ngày càng tăng.

“Khi bị bệnh, tôi hiểu rằng, bảo hiểm y tế có giá trị vô cùng to lớn”

Là người dân tộc Khmer, thuộc diện gia đình hộ cận nghèo, những năm qua, gia đình ông Lâm Ngọc Hồng (ở ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Cuộc sống gia đình ông rất khó khăn, không ruộng nương, sống bằng nghề làm thuê và mua bán nhỏ. Trong năm vừa rồi, ông Lâm Ngọc Hồng bị bệnh phổi ứ nước. Nhờ có thẻ bảo hiểm y tế, tiền thuốc men hàng tháng của ông được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, vì vậy gia đình đỡ phần gánh nặng.

“Trước đây, tôi nghĩ tham gia bảo hiểm y tế chỉ đỡ đi phần nào chi phí khám, chữa bệnh. Nhưng khi tôi bị bệnh, phải điều trị lâu dài, lúc đó tôi mới hiểu rằng, tấm thẻ bảo hiểm y tế có giá trị vô cùng to lớn. Với những người dân khó khăn như chúng tôi, nếu bị bệnh mà không được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, cuộc sống chắc chắn còn khó khăn hơn” - ông Hồng chia sẻ.

Khi nằm viện điều trị lâu dài, người dân nhận ra lợi ích vô cùng to lớn của tấm thẻ bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa.

Khi nằm viện điều trị lâu dài, người dân nhận ra lợi ích vô cùng to lớn của tấm thẻ bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, từ năm 2021, do tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, Khu vực II, Khu vực I thuộc đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; qua rà soát, tổng hợp từ các địa phương ở 68 xã và 178 ấp đặc biệt khó khăn ngừng hưởng các chính sách theo quy định của nhà nước đối với xã khu vực III, khu vực II, khu vực I.

Toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 384.000 người dân bị giảm thẻ bảo hiểm y tế, trong đó dân tộc thiểu số là gần 234.000 người.

Khi Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT có hiệu lực đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh cho người dân thuộc vùng ảnh hưởng của Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT, nhất là người dân tộc thiểu số.

Cụ thể: 6 tháng đầu năm 2021, khi Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT chưa có hiệu lực thì người dân tộc thiểu số đi khám chữa bệnh là 284.085 lượt, tương ứng với số tiền quỹ Bảo hiểm y tế chi trả là 100,74 tỷ đồng; 6 tháng cuối năm 2021 khi Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT có hiệu lực thì người dân tộc thiểu số đi khám chữa bệnh chỉ còn 57.958 lượt, tương ứng với số tiền quỹ Bảo hiểm y tế chi trả là 28,05 tỷ đồng.

Như vậy, số lượt khám chữa bệnh của người dân tộc thiểu số trong 6 tháng cuối năm 2021 so với 6 tháng đầu năm 2021 giảm 226.127 lượt (tương ứng với tỉ lệ giảm 79%) và số tiền quỹ Bảo hiểm y tế chi trả giảm 72,05 tỷ (tương ứng với tỉ lệ giảm 71,52%).

Số liệu trên cho thấy công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là những người không may bị bệnh nan y, mãn tính,... phải điều trị thường xuyên nhưng nay không còn được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế từ ngân sách Nhà nước, trong khi đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, không có điều kiện tự mua thẻ bảo hiểm y tế, đặc biệt, nhóm người này sẽ không còn được hưởng quyền lợi tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Thanh Thiên, mặc dù còn những vướng mắc, hạn chế, nhưng phải khẳng định, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống cho người dân.

Thời gian tới, ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để hiểu về quyền lợi và trách nhiệm khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, đồng thời hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số cài đặt và sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID-BHXH số hoặc sử dụng căn cước công dân gắn chíp để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn được hưởng đầy đủ quyền lợi khi đi khám chữa bệnh.

Mộc Hương