Sướng như các 'ông' tuyển thủ bóng đá Việt Nam

24/11/2011 05:42
Theo VnMedia
Nếu các môn mũi nhọn khác được sự đầu tư và quan tâm lớn như môn bóng đá nam, có lẽ thể thao Việt Nam có thể đủ sức tiến ra sân chơi thế giới...
... thay vì khốn khó không đủ kinh phí cho các VĐV tập luyện, cọ xát đỉnh cao như hiện nay.

Tại SEA Games 26, chủ nhà Indonesia trao tất cả 545 bộ huy chương cho các VĐV đoạt chức vô địch. Trong số đó có những môn bắt buộc trong hệ thống Olympic như điền kinh, bơi lội, cử tạ, thể dục dụng cụ... cho tới những môn thi đấu lạ tai và chỉ có Đông Nam Á mới tổ chức như đánh bài, trượt patin, quần vợt bóng mềm... Mục tiêu "đẻ" ra các môn thi đấu nhằm giúp chủ nhà Indonesia hoàn thành việc đoạt vị trí số 1. Song xét về giá trị, không tấm HCV nào được chờ đợi bằng môn bóng đá nam.
U23 VN trình diễn bộ mặt nhợt nhạt, thiếu sinh khí.
U23 VN trình diễn bộ mặt nhợt nhạt, thiếu sinh khí.

Thực tế thì môn bóng đá luôn được coi là hấp dẫn và thu hút được sự quan tâm của người hâm mộ, báo giới hơn hẳn các môn khác. Mức đầu tư, đãi ngộ của các ngôi sao bóng đá luôn cao hơn hẳn các VĐV đỉnh cao khác. Ở Việt Nam, một ngôi sao bóng đá ở V-League luôn nhận mức lương 40-50 triệu/ tháng. Ngay bất cứ chuyện gì liên quan tới các cầu thủ Việt Nam luôn là chủ đề nóng hổi, khi họ mua xe gì, yêu ai và chuyển đến CLB nào, cũng được chăm chú rất kỹ càng.


Cái "danh" của cầu thủ bóng đá oai là thế, nên U23 Việt Nam trước khi đi đá quốc tế đều có trống dong, cờ mở. Tiếc rằng đóng góp của họ với nền thể thao Việt Nam lại nhỏ giọt, so với những gì xã hội đãi ngộ cho bóng đá. Tính theo số tiền các ông "bầu" bỏ vào bóng đá mỗi năm để hoạt động, mua sắm cầu thủ, cũng tầm 100 tỷ/ đội bóng. Chỉ tính riêng V-League, con số đã lên gần 1.400 tỷ đồng/năm. Nhìn con số "khủng khiếp ấy, đủ thấy bóng đá Việt Nam (BĐVN) "đốt" tiền nhiều cỡ nào.

Nhưng 20 năm bóng đá Việt Nam hội nhập lại ĐNA, chúng ta chỉ có đúng 1 chức vô địch AFF Cup 2008. Còn lại, BĐVN thu về 6 HCB, 5 HCĐ trong 8 kỳ AFF Cup, 11 kỳ SEA Games. Nhìn thất bại bạc nhược của U23 Việt Nam ở những kỳ SEA Games vừa qua, lại thấy thương cho nhiều người hâm mộ chân chính. Bởi nhiều CĐV tự bỏ tiền túi đi máy bay, thuê phòng, mua vé để ra sân cổ vũ cho đội nhà. dường như tình yếu ấy không được đáp trả đúng cách.
Biết bao giờ U23 Việt Nam mới hết mình như các môn thể thao khác?
Biết bao giờ U23 Việt Nam mới hết mình như các môn thể thao khác?

Nên quên bóng đá để đầu tư môn khác?

Bao nhiều kỳ thể thao khu vực ĐNA đi qua, bóng đá nam đóng góp được bao nhiêu HCV cho TTVN? Xin thưa rằng là con số không, trong khi đội tuyển nữ cũng chỉ được đầu tư cho có, lại vài lần mang "vàng" về cho nước nhà. Đóng góp trong bảng thành tích, nếu vô địch của môn bóng đá tập thể cũng chỉ mang 1 HCV về là cùng. So với những VĐV võ mới nhảy vào tập môn Shoji Kempo, họ cũng mang về cho TTVN tận 4 HCV, 3 HCB, 6 HCĐ ở SEA Games lần này.

Nếu tấm HCV bóng đá được treo thưởng cả triệu "đô", thật sự thấy thương cảm với cảnh nữ VĐV điền kinh Nguyễn Thị Phương kiệt sức vẫn cố chạm tay trên vạch đích. Nhiều môn thể thao khác, VĐV Việt Nam phải đổ cả máu để có được tấm HCV. Nhưng chức vô địch của họ cũng chỉ nhận được đúng số tiền thưởng "nóng" 10 triệu đồng, chưa bằng con số lẻ mức thưởng 1 tỷ đồng U23 Việt Nam nhận từ VFF, chỉ nhờ việc lọt vào bán kết.


Sự bất công còn lớn hơn, khi nghe "kình ngư" trẻ Hoàng Quý Phước cho biết lương của Phước mới chỉ tầm 15 triệu/tháng. "Rái cá sông Hàn" lại làm rạng danh TTVN với 2 huy chương vàng SEA Games và rất nhiều chiến công khác. Nếu cân đo, đong đếm, tấm HCV ở môn Olympic của Quý Phước còn đáng được thưởng lớn hơn hẳn so với thưởng cho U23 Việt Nam.

Lâu nay, lãnh đạo ngành thể thao đầu tư quá nhiều cho bóng đá, nhưng kết quả thu lại không khả quan là bao. Trong khi những môn thể thao khác lại chính là "mỏ vàng" để TTVN chinh chiến ở sân chơi châu lục. SEA Games 26 này, chúng ta thi đấu thành công ngoài sức tưởng tượng, khi đạt tới 96 HCV, trong khi bóng đá luôn đóng góp con số 0  tròn trĩnh.

Đá tới lúc nên quên môn bóng đá đi và đầu tư tiền cho các môn thể thao khác, có lẽ huy chương châu lục, thế giới còn dễ có hơn. Chứ cái cảnh "nhất bên trọng, nhất bên khinh" khiến nhiều VĐV điền kinh, bơi lội... vẫn buồn lòng. Trước khi SEA Games diễn ra, đơn xin tăng tiền ăn cho VĐV thi đấu của Tổng cục TDTT vẫn chưa được thông qua. Cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn, các VĐV mang về tận 96 HCV danh giá. Vậy mà U23 Việt Nam sống như vương giả ở khách sạn 5 "sao", lại chẳng mang về một niềm vui nho nhỏ, chứ đừng nói gì tấm HCV trong 20 năm qua.
Theo VnMedia